Lực lượng quản lý thị trường xử lý nhiều vụ việc vi phạm về trang thiết bị y tế. Ảnh: TTXVN |
Báo cáo tại Cuộc họp, Tổng Cục trưởng Tổng cục QLTT Trần Hữu Linh cho biết, sau 3 năm hoạt động theo mô hình ngành dọc từ Trung ương đến địa phương, Tổng cục đã hoàn thành việc sắp xếp cơ cấu tổ chức, bộ máy được tinh gọn, từ 681 Đội QLTT, đến nay, cả lực lượng chỉ còn 376 Đội QLTT, giảm 45%.
Mô hình mới đã khắc phục được tình trạng cắt khúc theo địa giới hành chính; thực hiện quản lý tập trung, thống nhất, xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương; phát huy vai trò, hiệu quả hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường, ứng phó kịp thời đối với các diễn biến bất thường, có tác động tiêu cực trên thị trường cả nước - Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh nhấn mạnh.
Kết quả hoạt động đáng chú ý là từ năm 2018 đến nay, lực lượng QLTT đã phối hợp với các lực lượng chức năng tổ chức kiểm tra, xử lý nhiều vụ việc lớn, nổi cộm; tấn công, triệt phá các đường dây ổ nhóm như: 2 Trung tâm thương mại bán hàng giả tại Móng Cái, Quảng Ninh; kiểm tra, xử lý các điểm nóng về sản xuất và kinh doanh hàng giả tại Hà Nội và tại TP. Hồ Chí Minh; chuyển cơ quan điều tra xem xét xử lý 03 vụ việc liên quan đến vi phạm về C/O (xuất xứ hàng hóa) tại các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương và Vĩnh Phúc…
Đồng thời phối hợp với Chuyên án 117-D của Bộ Công an triệt phá đường dây buôn lậu đường tại An Giang và các tỉnh lân cận; xử lý tổng kho buôn lậu hơn 10.000m2 tại 145 Hoàng Diệu (TP. Lào Cai); thu giữ 36.000 viên hồng phiến và 04 kg ma tuý tổng hợp tại Hà Tĩnh; phát hiện gần 1 triệu khẩu trang y tế không có hóa đơn, chứng từ tại Quảng Bình; kiểm tra xưởng sản xuất 2.000m2 sản xuất khẩu trang và gia công găng tay cao su có dấu hiệu đã qua sử dụng với số lượng lớn tại Hòa Bình...
Cũng từ năm 2018 đến nay, lực lượng QLTT đã phát hiện, xử lý gần 212.000 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách nhà nước trên 1.210 tỷ đồng. Trong đó, 6 tháng đầu năm 2021, toàn lực lượng kiểm tra 41.702 vụ, xử lý 25.596 vụ vi phạm (tỷ lệ số vụ xử lý/số vụ kiểm tra đạt hơn 61%).
Một số đơn vị có tỷ lệ vụ xử lý/vụ kiểm tra cao như Cục QLTT: Hà Nội, Lạng Sơn, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh, Nghệ An, Phú Yên, Quảng Ninh, Thanh Hoá, Hà Nam, Thái Nguyên.
Điển hình, Cục QLTT Hà Nội đạt 100% số vụ kiểm tra có phát hiện vi phạm, thu nộp ngân sách 192 tỷ đồng, trị giá hàng hóa tịch thu chưa bán 141 tỷ đồng, trị giá hàng tiêu hủy 102 tỷ đồng.
Bên cạnh những kết quả đạt được, ông Trần Hữu Linh cũng thẳng thắn nhìn nhận một số tồn tại. Đó là nhận thức về QLTT chưa được đồng bộ, nhất quán trong toàn lực lượng; chất lượng đội ngũ công chức chưa đồng đều; công tác kiểm tra, giám sát nội bộ còn chưa nghiêm…
Cuộc họp được tổ chức theo hình thức trực tuyến. Ảnh: Bộ Công Thương |
Ghi nhận những kết quả mà lực lượng QLTT đã đạt được trong thời gian qua, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đánh giá, nhiều đơn vị đã nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Tuy nhiên, hạn chế của lực lượng QLTT hiện nay là tính chủ động và chất lượng tham mưu, đề xuất đối với cấp có thẩm quyền chưa cao; một số đơn vị thực hiện nhiệm vụ theo chỉ đạo của Bộ cũng như của Tổng cục QLTT còn lúng túng, hiệu quả thấp; chưa cho thấy độ quyết liệt, sáng tạo trong thực thi nhiệm vụ chuyên môn; vẫn còn tình trạng né tránh, thỏa hiệp, ngại va chạm khi xử lý các vấn đề, vụ việc; còn xảy ra tiêu cực trong thi hành công vụ…
Do đó, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chỉ đạo, lực lượng QLTT cần tiếp tục nghiên cứu, quán triệt kỹ chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389, Bộ Công Thương và các Bộ, ngành có liên quan, nhằm nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm với công việc để thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao.
Các Vụ, Cục của Tổng cục cần khẩn trương rà soát, chấn chỉnh lại công tác tổ chức thực thi nhiệm vụ của đơn vị; chú trọng công tác đánh giá, dự báo tình hình trên từng địa bàn để có phương án, kế hoạch cụ thể, phân công phù hợp.
Lãnh đạo Tổng cục QLTT cần thực hiện rà soát, sửa đổi, bổ sung, đề xuất việc ban hành các quy chế, quy định, quy trình mới về công tác cán bộ, công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật cán bộ thật nghiêm túc, phù hợp các quy định hiện hành, đáp ứng với yêu cầu thực tiễn trong việc kiểm tra, giám sát công tác, nhằm siết lại kỷ luật, kỷ cương, nguyên tắc làm việc của toàn ngành - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.