Đào tạo nhân lực kiểm toán đáp ứng yêu cầu thời đại số

(BKTO) - Công nghệ số trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) đang phát triển nhanh chóng, mở ra một thời đại mới trong tiến trình phát triển nhân loại, đó là kỷ nguyên số. Đây là cơ hội, song cũng đầy khó khăn, thách thức, tác động trực tiếp đến các ngành, lĩnh vực, trong đó có vấn đề đào tạo đội ngũ kiểm toán viên (KTV).




Sự phát triển công nghệ số đặt ra nhiều thách thức cho đội ngũ KTV -Ảnh minh họa


Cách mạng 4.0 - cơ hội và thách thức đối với kiểm toán viên

Công nghệ số với nhiều đột phá tạo nên CMCN 4.0 như: Trí tuệ nhân tạo (AI), internet kết nối vạn vật (IoT), phân tích dữ liệu lớn (Big Data), điện toán đám mây (Cloud Computing), chuỗi khối (Blockchain)... đang có tác động rất lớn đến phạm vi toàn cầu, các quốc gia, các ngành, lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực kế toán, kiểm toán.

Big Data mang lại cho con người sự tiếp cận nguồn kiến thức vô hạn; AI có thể thay thế những công việc thủ công của kế toán, kiểm toán nhưng việc phân tích số liệu, dữ liệu, nguyên nhân, đề xuất giải pháp cho các tình huống, những vấn đề, tình huống mới nảy sinh vẫn luôn cần đến con người. CMCN 4.0 tạo ra điều kiện làm việc thuận lợi hơn, nâng cao năng suất làm việc, đảm bảo sự tin cậy của báo cáo, minh bạch và bảo mật, đặc biệt là cơ hội thay đổi phương thức, phương pháp kiểm toán từ truyền thống sang kiểm toán trên dữ liệu số, tiến tới kiểm toán số.

Tuy nhiên, sự phát triển công nghệ số cũng đặt ra nhiều thách thức, đó là: Đội ngũ KTV phải thay đổi căn bản nhận thức về bản chất, tác động của CMCN 4.0, khả năng tư duy, phương thức làm việc, quản lý, điều phối tích hợp các yếu tố công nghệ, phi công nghệ, giữa thực và ảo, giữa con người và máy móc. Cùng với đó, nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghệ cao, nhân lực chất lượng cao trong đội ngũ KTV còn thiếu về số lượng, yếu về năng lực, đây cũng là thách thức đối với công tác đào tạo nhân lực kiểm toán. Hơn nữa hiện nay, đội ngũ KTV chưa thích ứng kịp với những thay đổi mới, chưa thấy rõ sự liên quan của xu thế công nghệ đến ngành, lĩnh vực của mình, chưa thật sẵn sàng năng lực để tiếp cận công nghệ. Điều này dễ dẫn đến tình trạng KTV rơi vào thế bị động và tụt hậu xa.

Liên quan đến các xu hướng tác động của công nghệ số trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán, kết quả khảo sát của Hiệp hội Kế toán Công chứng Anh quốc (ACCA) năm 2016 cho thấy, 55% số người được khảo sát cho rằng sự phát triển của hệ thống kế toán tự động chịu tác động cao nhất, tiếp đến là xu hướng hài hòa chuẩn mực kế toán, kiểm toán (42%), sự biến động kinh tế (42%), sự xâm nhập điện toán đám mây trong kinh doanh (41%).
Trong lĩnh vực kiểm toán, công nghệ số tác động chủ yếu đến việc thu thập, xử lý thông tin phục vụ sự thay đổi của hoạt động kiểm toán. Cụ thể, hệ thống thông tin, dữ liệu của các đơn vị, đối tượng kiểm toán đều được tổ chức thông qua hệ thống tự động hóa nên việc thu thập, xử lý, phân tích thông tin, dữ liệu cho hoạt động kiểm toán cũng phải thay đổi. Cùng với đó, công nghệ số cũng làm thay đổi đối tượng, phạm vi và nội dung kiểm toán. Theo đó, đối tượng kiểm toán ngày càng mở rộng hơn, quy mô kế toán, kiểm toán ngày càng lớn, loại hình kiểm toán đa dạng, các hoạt động kiểm toán sẽ dựa vào việc tiếp cận trực tiếp dữ liệu của đơn vị được kiểm toán thông qua công cụ công nghệ để thu thập, xử lý, phân tích, kiểm tra, đánh giá, xác nhận và tư vấn. Công nghệ số cũng dẫn đến sự thay đổi phương thức kiểm toán, cách thức quản lý hoạt động kiểm toán gắn liền với việc sử dụng và phân tích dữ liệu, sự thay đổi phương thức, điều này đòi hỏi phải đổi mới cách thức quản lý kiểm toán dựa trên nền tảng công nghệ số.

Thay đổi tầm nhìn và khả năng công nghệ

Yêu cầu đổi mới công nghệ, đẩy mạnh khoa học phân tích và quản lý, thu thập, xử lý dữ liệu lớn tạo ra tri thức mới, các công việc chuyên môn nghiệp vụ, quy trình, phương pháp kiểm toán, hỗ trợ việc đưa ra quyết định hoặc các yêu cầu cao hơn về an toàn, an ninh thông tin, dữ liệu đã đặt ra những yêu cầu cao về tri thức, kiến thức, năng lực, trình độ, kỹ năng và phương pháp cho KTV. Trong thời đại kỷ nguyên số, mỗi KTV phải thay đổi được 2 điểm chính, đó là khả năng công nghệ và khả năng phân tích, phán đoán, nhận định (tầm nhìn).

Theo các chuyên gia kinh tế, hoạt động đào tạo kế toán, kiểm toán đang đứng trước thách thức rất lớn. Ước tính trong những năm tới, khoảng 70% kỹ năng lao động hiện nay sẽ biến mất và 80% kỹ năng mới sẽ xuất hiện. Nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực kiểm toán không chỉ thiếu về số lượng mà còn yếu cả về năng lực ứng dụng công nghệ. Sự hiểu biết, trình độ, kỹ năng công nghệ còn yếu, không đồng đều; KTV còn tư tưởng trì trệ, thói quen kiểm toán theo cách truyền thống, ngại khó, ngại đổi mới, ngại áp dụng công nghệ, chưa thích ứng kịp với những thay đổi trong thời đại số.

Theo Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam (VAA) và Hội Kiểm toán viên hành nghề (VACPA), có tới 2/3 sinh viên tốt nghiệp ngành kế toán, kiểm toán chưa đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng. Bên cạnh đó, KTV còn thiếu và yếu kỹ năng mềm (làm việc nhóm, ngoại ngữ, tư duy phản biện, sáng tạo, tuân thủ công nghệ…), chưa tuân thủ nghiêm quy tắc đạo đức nghề nghiệp. Công tác đào tạo cũng chủ yếu dừng ở việc truyền thụ kiến thức nền, chưa chuyên sâu, đa ngành, đa lĩnh vực, nhất là kiến thức, kỹ năng về công nghệ, AI, Big Data, Blockchain, bảo mật…

Thực trạng đó đặt ra yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nâng cao năng lực, trình độ KTV toàn diện về kiến thức, kỹ năng, phương pháp cả về công nghệ, chuyên môn nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp.

Tháo gỡ vấn đề pháp lý, đổi mới nội dung, phương pháp đào tạo.

Để đội ngũ nhân lực kiểm toán đáp ứng được yêu cầu công việc trong bối cảnh CMCN 4.0, thứ nhất, cần đổi mới nội dung, chương trình đào tạo, tập trung đào tạo đội ngũ KTV về kiến thức, kỹ năng, phương pháp trên các mặt. Cụ thể, về công nghệ: Đào tạo sâu công nghệ số, như AI, Big Data, IoT, Cloud Computing, Blockchain, chuyển đổi số, trong đó, AI là công nghệ cốt lõi, các phần mềm, công cụ hỗ trợ, ứng dụng vào hoạt động kiểm toán, phân tích và kiểm toán dữ liệu lớn, tiến tới kiểm toán số (Digital audit). Về chuyên môn nghiệp vụ: Đào tạo vừa rộng, vừa sâu kiến thức chuyên môn nền tảng, khả năng phân tích đánh giá, dự báo, kỹ năng, phương pháp không chỉ về kiểm toán mà cả kế toán, tài chính, kinh tế, chính sách vĩ mô, tổ chức quản lý, quản trị..., chia sẻ kinh nghiệm, cập nhật văn bản, chính sách mới trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán và pháp luật...
         
“Trong kỷ nguyên số, mỗi KTV cần có kỹ năng nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp, kỹ năng kỹ thuật số, kinh nghiệm, sự thông minh, khả năng sáng tạo, chỉ số cảm xúc và tầm nhìn” - nguyên Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đoàn Xuân Tiên.
Về Chuẩn mực kiểm toán và đạo đức nghề nghiệp: Đào tạo KTV cũng cần chú trọng vào chuẩn mực kiểm toán, nó đã bao hàm những vấn đề cơ bản, cốt lõi về nghiệp vụ, quy trình, phương pháp, kỹ năng, thủ tục kiểm toán và đạo đức nghề nghiệp. Vấn đề đạo đức nghề nghiệp kiểm toán cần được nhấn mạnh trong đào tạo vì trong điều kiện công nghệ số, mọi công việc đều có thể xử lý bằng công nghệ, vì vậy, đạo đức nghề nghiệp trở thành yếu tố cốt lõi cần thiết hơn bao giờ hết. Kỹ năng mềm: Ngoại ngữ, kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm, kỹ năng phân tích, tư duy phản biện và sáng tạo.

Thứ hai, đổi mới phương pháp, phương thức tổ chức đào tạo, các cơ sở đào tạo và giảng viên cần chuyển từ phương pháp truyền thống sang đào tạo tích cực, tăng cường kỹ năng thực hành, bài tập tình huống, làm việc nhóm, chia sẻ kinh nghiệm... Phương thức đào tạo đa dạng, linh hoạt, kết hợp đào tạo trực tuyến và trực tiếp, đào tạo E-learning... đảm bảo hiệu quả, thiết thực.

Thứ ba, KTV cần đổi mới nhận thức, tư duy, thay đổi thói quen, ngại khó, ngại đổi mới, áp dụng công nghệ, rèn luyện các kỹ năng mềm, tự học, chủ động vượt qua áp lực công nghệ, xác định bắt buộc phải thay đổi nếu không sẽ không tồn tại.

Thứ tư, các đơn vị, tổ chức, cơ sở đào tạo cần tập trung tháo gỡ các vấn đề pháp lý, điều kiện công nghệ, hạ tầng công nghệ, dữ liệu số, hệ thống bảo mật, các phần mềm hỗ trợ kiểm toán và đào tạo KTV đáp ứng yêu cầu thời đại số.
GS,TS. ĐOÀN XUÂN TIÊN - nguyên Phó Tổng Kiểm toán nhà nước
Theo Báo Kiểm toán số 17
Cùng chuyên mục
Đào tạo nhân lực kiểm toán đáp ứng yêu cầu thời đại số