Rộ hình thức cam kết mới
Trong đợt tuyển sinh đang diễn ra hiện nay, ngoài lệ phí xét tuyển, một số trường đại học yêu cầu thí sinh đóng tiền đặt cọc giữ chỗ để được xét tuyển hoặc ưu tiên xét tuyển vào trường. Đơn cử như Trường ĐH RMIT Việt Nam đề nghị thí sinh đặt cọc để xác nhận nhập học 20 triệu đồng (không bắt buộc) và phí xét hồ sơ 2 triệu đồng (bắt buộc).
Nhiều trường đại họcthu phí đặt cọc giữ chỗ của thí sinh. |
Lý giải về việc thu phí đặt cọc giữ chỗ học, bà Nguyễn Thụy Hoài Trâm - Giám đốc marketing và tuyển sinh toàn cầu ĐH RMIT Việt Nam - cho biết: khi nộp đơn vào học tại ĐH RMIT Việt Nam, sinh viên mới sẽ được thông báo và giải thích rõ tất cả các khoản phí bắt buộc bao gồm phí xét hồ sơ 2 triệu đồng và phí đặt cọc cho đại học là 20 triệu đồng.
Trong đó, phí đăng ký 2 triệu đồng không được hoàn lại. Việc thanh toán phí đặt cọc coi như xác nhận sinh viên sẽ tiếp nhận chỗ học và trường sẽ giữ chỗ cho chương trình học sinh viên đã chọn. Nếu sinh viên đáp ứng các điều kiện đầu (trúng tuyển), khoản tiền đặt cọc này sẽ được khấu trừ vào học phí học kỳ đầu tiên sinh viên đã đăng ký học.
Tương tự, Trường ĐH FPT cũng yêu cầu thí sinh phải đặt cọc để giữ chỗ, nếu có nguyện vọng muốn theo học tại trường. Theo đó, thí sinh đủ điều kiện sơ tuyển nếu đăng ký giữ chỗ thì nộp phí 4,6 triệu đồng, không đăng ký giữ chỗ thì không phải nộp khoản phí này.
Phí giữ chỗ không được hoàn trả, nếu thí sinh đủ điều kiện nhập học theo quy chế tuyển sinh nhưng không nhập học hoặc thôi học sau khi đã nhập học. Trường hợp thí sinh không đủ điều kiện nhập học theo quy chế tuyển sinh sẽ được hoàn trả toàn bộ phí giữ chỗ. Phí giữ chỗ sẽ được chuyển thành phí nhập học khi thí sinh trúng tuyển và nhập học.
Một đại diện Trường ĐH FPT cho biết, chỉ thí sinh đạt ngưỡng chất lượng của Trường mới được nộp hồ sơ tuyển sinh. Quy trình tuyển sinh của Trường ĐH FPT dựa vào ngưỡng chất lượng đặc thù, lựa chọn tự nguyện có trách nhiệm của thí sinh và ngừng tuyển sinh nếu như nhận đủ hồ sơ, như một giải pháp nhằm hạn chế hồ sơ ảo. Điều này giúp Trường tiết kiệm nguồn lực, kết thúc tuyển sinh sớm, hạn chế tuyển vượt chỉ tiêu khi thông tin tuyển sinh mang tính xác thực cao hơn.
Đặt cọc giữ chỗ là không phù hợp
Trong khi các trường thu tiền đặt cọc đưa ra những lý do chính đáng – xét về phía trường và khẳng định hoàn toàn không trái pháp luật, thì dưới góc nhìn khác, nhiều trường lại không đồng ý với chủ trương này.
Theo TS. Võ Văn Tuấn - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Văn Lang (TP. Hồ Chí Minh), trong bối cảnh dịch bệnh ảnh hưởng đến hầu hết các gia đình học sinh, phụ huynh, việc thu tiền đăng ký giữ chỗ trở nên thiếu tính nhân văn trong giáo dục.
Về lí do được các trường đưa ra là để phục vụ việc lọc nguyện vọng ảo, TS. Tuấn cho rằng, lí do này là chưa phù hợp. "Đây là cách vượt rào, lách luật, đồng thời tạo ra sự không đồng bộ trong xét tuyển ĐH giữa các trường với nhau" -TS. Võ Văn Tuấn nêu quan điểm.
Trong khi đó, PGS,TS. Nguyễn Thanh Chương - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông vận tải cho rằng, để lọc ảo các trường vẫn theo hỗ trợ của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cũng như dựa vào khả năng lọc ảo trong phần mềm tuyển sinh của trường đã phát huy tác dụng từ nhiều năm nay. Do đó, đặt ra việc thu tiền để “giữ chân” thí sinh như vậy là không nên.
Trong bối cảnh dịch bệnh gây khó khăn cho người dân, việc thu tiền đặt cọc giữ chỗ của thí sinh là không phù hợp và tạo sự cạnh tranh không lành mạnh trong tuyển sinh giữa các trường. Ảnh minh họa: N.LỘC |
Cũng liên quan đến vấn đề lọc nguyện vọng ảo, trả lời với báo chí, Vụ trưởng Vụ Giáo ĐH Nguyễn Thu Thủy cho rằng, về nguyên tắc, các trường luôn xét tuyển để lựa chọn thí sinh có điểm từ cao xuống thấp đến khi hết chỉ tiêu.Bộ cũng đã có những giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin để hỗ trợ các trường trong việc hạn chế nguyện vọng ảo.
Ở khía cạnh pháp luật, TS. Nguyễn Triều Dương - Phó Trưởng Phòng Đào tạo đại học, Trường ĐH Luật Hà Nội, nêu quan điểm: Luật Giáo dục ĐH và những luật khác có liên quan không cấm việc làm này. Tuy nhiên, thí sinh cần hết sức cân nhắc lựa chọn để tránh rắc rối sau này. “Thí sinh cần phải nắm rõ môi trường học tập, mức học phí, tính toán mặt tài chính gia đình đủ điều kiện thì thực hiện, còn nếu không biết chắc nên cân nhắc kỹ lưỡng” - TS. Nguyễn Triều Dương khuyến cáo.
Theo Luật sư Nguyễn Đức Anh (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội), việc đóng phí giữ chỗ được thực hiện dựa trên thỏa thuận dân sự giữa thí sinh và nhà trường.
Cụ thể, theo Khoản 1, Điều 328 Bộ luật Dân sự 2015, “Đặt cọc là việc một bên giao cho bên kia một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác trong một thời hạn để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng”.
Tiếp đó, tại Khoản 2, Điều 328 Bộ luật này, thí sinh đáp ứng các điều kiện đầu vào của nhà trường thì khoản tiền đặt cọc đó sẽ được dùng thanh toán một phần học phí của học kỳ đầu tiên. “Theo đó, nếu thí sinh trúng tuyển nhưng không nhập học, trường sẽ không hoàn trả khoản phí này. Còntrường hợp thí sinh không trúng tuyển, thì trường phải có trách nhiệm trả lại khoản phí này” - Luật sư Nguyễn Đức Anh thông tin.
Như vậy, xét về quy định, thì việc thu tiền đặt cọc của thí sinh không thuộc quy định cấm, song theo Luật sư Nguyễn Đức Anh, xét trên thực tế, thì việc làm này không phù hợp với điều kiện kinh tế khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh của thí sinh, gia đình hiện nay, cũng như làm rối thị trường tuyển sinh và tạo hình ảnh xấu trong giáo dục.
NGUYỄN LỘC