Dấu ấn Việt Nam trong Năm Chủ tịch ASEAN 2020

(BKTO) - Năm 2020 là một năm đặc biệt đối với Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) nói chung và đầy thách thức đối với Việt Nam trên cương vị Chủ tịch ASEAN nói riêng, nhưng với sự chuẩn bị chu đáo, chủ động, Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của nước Chủ tịch ASEAN và để lại nhiều dấu ấn quan trọng.




Khai mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN 36. Ảnh tư liệu

Sáng tạo các hình thức, cách làm với tinh thần “Gắn kết và chủ động thích ứng”

Từ khi gia nhập ASEAN năm 1995, Việt Nam đã cùng ASEAN trải qua nhiều sóng gió. Trong sự vững vàng của ASEAN ngày hôm nay có những nỗ lực bền bỉ của Việt Nam. Đặc biệt, từ ngày 01/01/2020, Việt Nam chính thức trở thành Chủ tịch ASEAN 2020.

Để chuẩn bị cho trọng trách quan trọng này, từ cuối năm 2018, Việt Nam đã tích cực thực hiện nhiều công tác chuẩn bị với mong muốn tiếp tục xây dựng Cộng đồng ASEAN thêm vững mạnh. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 diễn ra bất ngờ và lan rộng trên toàn thế giới đã làm đảo lộn mọi kế hoạch, chương trình mà Việt Nam đã chuẩn bị trong hai năm 2018 và 2019. Không để dịch bệnh làm ảnh hưởng đến các hoạt động của ASEAN, Việt Nam đã tìm mọi cách thích ứng, nhanh chóng, kịp thời chuyển chương trình lẫn trọng tâm của ASEAN trong năm 2020 sang chống dịch Covid-19 và đã được các nước hưởng ứng. Cùng với ưu tiên chống dịch, Việt Nam cũng tiếp tục thúc đẩy các hoạt động xây dựng Cộng đồng ASEAN thông qua việc đưa ra các sáng kiến. So với dự tính, lúc này, công việc nhiều lên gấp 2, 3 lần.

Tuy trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 nhưng những cách trở về địa lý đã không ngăn được tiến trình hợp tác của ASEAN, mà ngược lại đã càng thôi thúc sáng tạo ra các hình thức, cách làm phù hợp. Lần đầu tiên trong lịch sử 53 năm của ASEAN, phần lớn các hội nghị các cấp của ASEAN được tổ chức với hình thức trực tuyến, kể cả Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 (tháng 6/2020), Hội nghị Ngoại trưởng AMM 53 (tháng 8/2020) và Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 (tháng 11/2020). Đây là hình thức hoàn toàn mới, nhất là đối với các hội nghị cấp cao, nên không tránh khỏi nhiều lúng túng và bỡ ngỡ đối với Việt Nam cũng như các thành viên ASEAN và các đối tác phát triển khác. Tuy nhiên, các nước thành viên và nhiều nhà quan sát chính trị quốc tế cùng dư luận truyền thông đều đánh giá rằng Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình từ công tác chuẩn bị, đến chương trình nghị sự và lựa chọn chủ đề.

Việt Nam cũng đã lựa chọn chủ đề cho Năm ASEAN 2020 là “Gắn kết và chủ động thích ứng”, với mong muốn khẳng định đoàn kết có ý nghĩa quyết định với sự vững bền của ASEAN. Một Cộng đồng ASEAN gắn kết và phát triển mới có thể thích ứng hiệu quả với các yếu tố tác động bên ngoài và ngược lại, chủ động thích ứng sẽ giúp ASEAN gắn kết chặt chẽ, nhờ đó tăng cường sức mạnh tổng thể.

Những dấu ấn Việt Nam

Tổng kết lại những kết quả nổi bật trong công tác Chủ tịch ASEAN một năm qua, có thể thấy rõ những đóng góp và dấu ấn thành công rõ rệt của Việt Nam. Tại Hội nghị Tổng kết Năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam vào chiều 11/12/2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, nhiều sáng kiến, ưu tiên của Việt Nam đã trở thành tài sản chung của ASEAN. Nhìn tổng thể, Năm Chủ tịch ASEAN 2020 đã thành công toàn diện, trọn vẹn và thực chất. Đó là: Thành công về chất lượng nội dung, số lượng kỷ lục các văn kiện được thông qua, nhiều sáng kiến, ưu tiên của Việt Nam đã trở thành tài sản chung của ASEAN; Thành công trong bảo đảm an ninh, an toàn, trọng thị về lễ tân và Thành công trong quảng bá hình ảnh Cộng đồng ASEAN và Việt Nam hòa bình, ổn định, phát triển thịnh vượng trong tâm thức của bạn bè quốc tế.

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, dù bối cảnh tình hình thế giới và khu vực chuyển biến nhanh chóng, phức tạp với các thách thức và cơ hội đan xen, nhất là sự bùng phát, tác động nghiêm trọng của đại dịch Covid-19 nhưng trong năm qua, với tinh thần “Gắn kết và chủ động thích ứng”, ASEAN đã mạnh mẽ vượt qua, thực hiện thành công các mục tiêu ưu tiên hợp tác đề ra cho năm 2020, ngày càng trở nên đoàn kết, gắn kết, với khả năng tự cường và thích ứng cao hơn. Cụ thể là:

Thứ nhất, công cuộc xây dựng Cộng đồng ASEAN tiếp tục được đẩy mạnh và đạt nhiều tiến triển cụ thể. Các nền tảng kinh tế vĩ mô được duy trì, kết nối, liên kết kinh tế ngày càng sâu rộng, điển hình là việc ký kết thành công Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (RCEP) với những đóng góp to lớn và xử lý khéo léo hài hòa với các đối tác trên vai trò chủ nhà của Việt Nam, mở ra Khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới. Hợp tác an sinh, xã hội tiếp tục được bảo đảm. Quan hệ đối ngoại ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả hơn.

Thứ hai, dưới sự dẫn dắt của Việt Nam, ASEAN đã thực sự linh hoạt và chủ động, thích ứng với các biến động của thời cuộc. Dịch bệnh Covid-19 đã đặt ra những thách thức chưa từng có, do đó cũng đòi hỏi những biện pháp chưa từng có tiền lệ. Trong Năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam, rất nhiều cái “đầu tiên” đã được sáng tạo để hoàn thành các mục tiêu đề ra: số lượng các hội nghị tăng lên để kịp thời ứng phó với Covid-19, Cấp cao ASEAN lần đầu tiên đã họp 3 lần trong năm thay vì 2 lần theo thông lệ, nhiều hội nghị cấp cao, Bộ trưởng lần đầu được tổ chức trực tuyến và đặc biệt, nhiều văn kiện quan trọng của ASEAN cũng được ký kết trực tuyến lần đầu tiên.

Thứ ba, với những thành công trong năm qua, vai trò, uy tín quốc tế của ASEAN ngày càng được coi trọng, nâng cao; là minh chứng sống động cho vai trò, tầm quan trọng của đoàn kết, hợp tác trước những cơ hội, thách thức, đặc biệt là sức sống, giá trị của hợp tác và cơ chế đa phương. Thành công của ASEAN đã mang lại những bài học kinh nghiệm quý trong huy động sức mạnh tập thể không chỉ ở tầm khu vực mà cả ở tầm quốc tế trong ứng phó với những thách thức chung của nhân loại.

Ngoài ra, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc còn nhấn mạnh thêm rằng, trong thắng lợi chung của Năm Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam càng thêm tự hào khi đã tổ chức thành công Đại hội đồng Liên Nghị viện các nước ASEAN (AIPA 41) và Hội nghị Hội đồng Chánh án các nước ASEAN lần thứ 8. Tất cả thể hiện hình ảnh một Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa vững mạnh với người dân là trung tâm.

Những bài học quý giá

Với thành công của Năm Chủ tịch ASEAN 2020, có thể thấy rõ, Việt Nam không còn chỉ là một thành viên tích cực, luôn nghiêm túc thực thi các thoả thuận đã cam kết, mà đã trở thành một chỗ dựa vững chắc, tin cậy, đặc biệt trong những thời khắc ASEAN phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, như đại dịch Covid-19 hiện nay.

Những nỗ lực và vai trò dẫn dắt của Việt Nam trong Năm Chủ tịch ASEAN 2020 đã được các nước ASEAN và các đối tác ghi nhận, đánh giá cao, thể hiện tầm vóc và vị thế quốc tế ngày càng cao của nước ta. Tổng Thư ký ASEAN Dato Lim Jock Hoi đánh giá cao vai trò “mẫu mực” của Việt Nam trên cương vị Chủ tịch ASEAN năm 2020 trong một năm đầy thách thức. Trên cương vị Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đã thể hiện tầm “lãnh đạo mạnh mẽ” trong việc dẫn dắt khu vực gắn kết và chủ động thích ứng với các thách thức này, đồng thời đặt vai trò trung tâm của ASEAN và sự quan tâm của người dân lên hàng đầu.

Để có được thành công đó, tại Hội nghị Tổng kết Năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam ngày 11/12/2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ ra một số bài học quý báu:

Một là bài học về sự chỉ đạo tổng thể, thống nhất và theo dõi sát sao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ đối với các hoạt động đối ngoại quốc gia, nhất là Năm Chủ tịch ASEAN 2020.

Hai là bài học về phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, các cơ quan, Bộ, ngành, DN, các tổ chức xã hội và người dân đóng góp cho thành công Năm Chủ tịch ASEAN. Nổi bật là sự phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan Chính phủ và Quốc hội trong thành công AIPA 41, ASEAN 2020.

Ba là bài học về phát huy bản sắc ngoại giao Việt Nam và “trường phái ngoại giao” Hồ Chí Minh. Đó là luôn vững bản lĩnh, kiên trì, kiên định mục tiêu, nguyên tắc, song hết sức linh hoạt về sách lược - “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, biến “nguy” thành “cơ” thông qua cách làm sáng tạo, cùng với sự chân thành, thực tâm, chính trực, luôn vì lợi ích và trách nhiệm chung.

Bốn là bài học về việc chủ động, tích cực và sớm bắt tay chuẩn bị toàn diện, chuyên nghiệp, chu đáo cả về nội dung, lễ tân - hậu cần, an ninh, truyền thông… cho các hoạt động đối ngoại lớn.

Năm là bài học về tầm quan trọng của ngoại giao đa phương nói chung, cũng như vai trò của ASEAN nói riêng, trong đường lối đối ngoại của Việt Nam. Đó là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa đối ngoại đa phương và song phương, tranh thủ hiệu quả các sự kiện đa phương để làm sâu sắc quan hệ song phương, huy động các nguồn lực quốc tế phục vụ công cuộc phát triển đất nước.

Sáu là bài học về sự kết hợp hài hoà giữa đối nội và đối ngoại. Thành công của Năm Chủ tịch ASEAN 2020 có nền tảng rất lớn từ thành công của Việt Nam thực hiện nhiệm vụ kép trong trạng thái bình thường mới vừa phòng chống, kiểm soát dịch Covid-19, vừa phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, hỗ trợ DN, chăm lo đời sống người dân.

Có thể thấy rõ, thành công toàn diện, vang dội của Năm Chủ tịch ASEAN 2020 là một thắng lợi mới của đường lối đối ngoại đa phương của Đảng, đúng như lời Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nêu “đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Điều này như tiếp thêm sinh khí mới để chúng ta tự tin và chủ động tiếp tục thắng lợi tiến trình hội nhập quốc tế sâu rộng và hiệu quả.

TRỌNG ĐỨC
Cùng chuyên mục
Dấu ấn Việt Nam trong Năm Chủ tịch ASEAN 2020