Sức ép gia tăng lên hệ thống công trình thủy lợi
Cống ngăn mặn Nguyễn Tấn Thành do Ban Quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 10 - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) làm chủ đầu tư, có tổng mức đầu tư gần 520 tỷ đồng là công trình ngăn mặn hiện đại, có quy mô lớn nhất trên địa bàn tỉnh Tiền Giang và lớn thứ 2 tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Hiện, các đơn vị thi công đang nỗ lực chạy đua để hoàn thành công trình, với khối lượng thi công đã đạt trên 94%, đảm bảo bàn giao công trình vào cuối tháng 8 này. Đây là công trình điển hình được xây dựng tại vùng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu hiện nay. Khi đưa vào hoạt động, công trình sẽ giúp ngăn mặn, trữ ngọt kịp thời, giúp bảo vệ sản xuất, cung cấp nước sinh hoạt cho người dân 2 tỉnh Tiền Giang và Long An.
Theo thống kê, hiện nay cả nước có hơn 86.200 công trình thủy lợi, gồm: 6.750 hồ chứa thủy lợi và 592 đập dâng, 19.416 trạm bơm, 27.754 cống và 291.013km kênh mương các loại. Theo Cục Thủy lợi (Bộ NNPTNT), hệ thống công trình thủy lợi đã đảm bảo cấp nước cho khoảng 7,26 triệu ha/7,68 triệu ha gieo trồng lúa (đạt 95%); diện tích tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng cạn đạt gần 0,53 triệu ha/3,4 triệu ha; cấp nước cho nuôi trồng thủy sản 686.600 ha và khoảng 6,5 tỷ m3 nước cho sinh hoạt, công nghiệp; bảo đảm phòng, chống lũ, chống ngập cho các khu dân cư, bảo vệ sản xuất. Đồng thời, hệ thống công trình thủy lợi đảm bảo tiêu thoát nước cho khoảng 2 triệu ha đất nông nghiệp, đô thị, kiểm soát mặn cho khoảng 1 triệu ha đất nông nghiệp, kết hợp phát điện với tổng công suất 2.100MW.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ NNPTNT ở một số nơi, nhiều công trình được xây dựng thủ công, bị xuống cấp, kênh mương bồi lắng... không bảo đảm phục vụ theo thiết kế, dẫn tới nhiều diện tích thường xuyên bị ngập úng. Đặc biệt, tình trạng lũ quét, sạt lở đất có nguy cơ cao xảy ra tại khu vực trung du miền núi phía Bắc, miền Trung; tình trạng sạt lở bờ sông, biển do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nhất là tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, trong khi các công trình thủy lợi chưa được đầu tư đảm bảo để ứng phó đang gây ảnh hưởng ngày càng nghiêm trọng và phức tạp đến đời sống, sản xuất của người dân trong vùng. “Trong bối cảnh áp lực từ biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng sẽ gây sức ép rất lớn đến hệ thống thủy lợi hiện có, nhu cầu đầu tư các công trình mới là rất cấp bách” - Cục trưởng Cục Thủy lợi Nguyễn Tùng Phong nhấn mạnh.
Thuận thiên, nhưng cần chủ động ứng phó, kiểm soát
Nhận thức rõ yêu cầu phải đầu tư xây dựng mới các công trình thủy lợi, thu hút các nguồn lực đầu tư tham gia vào lĩnh vực này, song các ý kiến cũng cho rằng việc đầu tư công trình mới phải gắn với quy hoạch, vừa đáp ứng mục tiêu phục vụ ngành nông nghiệp nói riêng, cũng như đạt mục tiêu đa giá trị, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Theo Chủ tịch Hội thủy lợi Việt Nam Đào Xuân Học, để thực hiện các mục tiêu nêu trên, các Bộ, ngành, địa phương cần rà soát, sửa đổi hoàn thiện một số cơ chế chính sách đặc thù để huy động nguồn lực đầu tư, quản lý, khai thác công trình thủy lợi, cấp nước sinh hoạt nông thôn, công trình phòng, chống thiên tai. Đơn cử tình hình tài chính của các đơn vị khai thác thủy lợi đang gặp nhiều khó khăn do nguồn thu chủ yếu từ ngân sách trung ương cấp hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi, với mức hỗ trợ khá thấp, nên ít đơn vị quan tâm đầu tư, quản lý.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, việc đầu tư xây dựng công trình thủy lợi cần có tầm nhìn và chuyển từ tư duy thủy lợi phục vụ sang cung cấp dịch vụ đa mục tiêu, tạo điều kiện cho các ngành dịch vụ, du lịch phát triển theo định hướng chung của ngành nông nghiệp, đó là chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Nhấn mạnh việc tăng cường đầu tư các công trình thủy lợi là yêu cầu cấp thiết, cần thực hiện sớm, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng, các hạ tầng khác có tiền là làm, riêng hạ tầng thủy lợi có tiền chưa chắc đã làm được. Đơn cử, để làm công trình thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé - công trình thủy lợi lớn nhất Việt Nam hiện nay, Bộ NNPTNT đã phải nghiên cứu gần 20 năm mới triển khai được. Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp yêu cầu các đơn vị khi đề xuất triển khai dự án phải bám sát Quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để giúp nâng cao hiệu quả hệ thống công trình thủy lợi. “Công trình không chỉ phục vụ cho sản xuất nông nghiệp mà còn là hạ tầng quan trọng quốc gia, là ngành kinh tế tổng hợp, hỗ trợ cho kinh tế - xã hội nên quy hoạch khi đưa ra phải phục vụ đa chức năng, đa giá trị” - ông Hiệp cho biết.
Theo GS. Trần Đình Hòa (Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam), Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ đã định hướng cho Quy hoạch phát triển kinh tế và xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long cho đến năm 2030 và tầm nhìn 2050 với giải pháp “thuận thiên” để phát triển bền vững, song nhiệm vụ ứng phó, kiểm soát tình hình một cách chủ động cần phải được đặt ra. Do đó, “việc xây dựng công trình thủy lợi tại đây sẽ khó hơn, đòi hỏi phải kết hợp hài hòa nhiều mục tiêu” - GS. Trần Đình Hòa lưu ý.
Bên cạnh việc nhấn mạnh yêu cầu về đầu tư công trình thủy lợi, nhiều ý kiến cũng đề nghị cần nâng cao năng lực của các tổ chức quản lý, khai thác để vận hành, khai thác hiệu quả và bảo đảm an toàn các công trình; ưu tiên công nghệ số trong quản lý, đầu tư hạ tầng và dịch vụ công trong lĩnh vực thủy lợi, phòng, chống thiên tai; từ đó mới có thể phát huy tối đa hiệu quả của các công trình thủy lợi trong ứng phó, kiểm soát tình hình trước tác động ngày càng lớn của biến đổi khí hậu./.