Đầu tư hạ tầng giao thông, tạo động lực để phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long

(BKTO) - Dù đã hoàn thành nhiều công trình lớn, quan trọng, song hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông của vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vẫn còn nhiều hạn chế. Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho rằng, thời gian tới, cần tiếp tục thực hiện nhiều mục tiêu, giải pháp để phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, tạo động lực đưa vùng ĐBSCL phát triển bền vững.



                
   

Cầu Vàm Cống nhìn từ phía huyện Lấp Vò (Đồng Tháp) - Ảnh: TTXVN

   

Hạ tầng giao thông đã có nhiều thay đổi

Thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 20/01/2003 của Bộ Chính trị khóa IX (Nghị quyết 21) và Kết luận số 28-KL/TW ngày 14/8/2012 của Bộ Chính trị khóa XI (Kết luận 28) về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng ĐBSCL các thời kỳ 2001-2010 và 2011-2020, Bộ GTVT đã phối hợp với các Bộ, ngành và các địa phương trong vùng tập trung nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, đến nay, các mục tiêu đề ra trong Nghị quyết đã cơ bản hoàn thành.

Trong đó, về đường bộ, giai đoạn năm 2002 đến nay, đã cơ bản hình thành các tuyến trục dọc nối ĐBSCL với TP. HCM và các tỉnh khu vực Đông Nam bộ, các tuyến trục ngang kết nối nội vùng. Đến năm 2020, hệ thống quốc lộ trong vùng có tổng chiều dài khoảng 2.688km, tăng 52% so với năm 2002.

Về đường thủy nội địa, tổng chiều dài mạng lưới đường thủy nội địa vùng ĐBSCL hơn 6.100 km. Giai đoạn vừa qua, nhiều công trình trọng điểm về đường thủy nội địa đã được đầu tư, đưa vào khai thác, như kênh Chợ Gạo (giai đoạn 1), âu Rạch Chanh, cũng như các công trình thuộc dự án phát triển cơ sở hạ tầng vùng ĐBSCL, đã góp phần nâng cao hiệu quả của hoạt động vận tải thủy trong vùng.

Về hàng hải, nhiều cảng biển, bến cảng đã được đầu tư xây mới trong suốt 20 năm qua, điển hình như: bến cảng Cái Cui - Cần Thơ, bến cảng tổng hợp Vinalines Hậu Giang, bến cảng Trà Cú - Trà Vinh, bến cảng Mỹ Thới - An Giang… Đối với hàng không, đã hoàn thành đầu tư, nâng cấp các cảng hàng không (CHK) trong khu vực bao gồm: CHK quốc tế Cần Thơ, CHK quốc tế Phú Quốc, CHK Cà Mau, CHK Rạch Giá với tổng công suất 7,45 triệu hành khách/năm, 12.000 tấn hàng hóa/năm.

Cần cơ chế đặc thù để tiếp tục phát triển hạ tầng giao thông

Mặc dù đã đạt được những thành tựu đáng kể, tuy nhiên, hệ thống hạ tầng giao thông vùng ĐBSCL vẫn còn hạn chế như: việc triển khai thực hiện dự án đầu tư theo quy hoạch giữa các lĩnh vực chưa đồng bộ; tốc độ đầu tư, xây dựng hệ thống đường bộ cao tốc còn chậm, tỷ lệ đường quốc lộ có tiêu chuẩn thấp còn cao. Mặt khác, hệ thống hạ tầng kết nối, hậu cần cảng biển, hạ tầng logistic thiếu đồng bộ, chưa hình thành các trung tâm logistics quy mô lớn; chưa khai thác hết công suất các cảng hàng không trong vùng…
                
   

Cảng hàng không Cần Thơ mới được nâng cấp đầu tư - Ảnh: TTXVN

   

Để thúc đẩy phát triển bền vững vùng ĐBSCL giai đoạn tới, đại diện các địa phương trong vùng đề xuất, Bộ GTVT cần đầu tư hạ tầng giao thông có tính kết nối liên vùng ở khu vực này nhằm giảm chi phí logistics để tăng sức cạnh tranh; kế hoạch trung hạn tập trung vào cao tốc Đông - Tây và cao tốc Bắc - Nam xuống tận Cà Mau; đầu tư đường thủy nội địa quốc gia do có hệ thống sông ngòi thuận lợi. Đặc biệt, cần đầu tư các cảng biển và đường sắt bởi tỷ lệ số ki-lô-mét đường cao tốc của vùng rất thấp…

Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, thời gian tới, cần ưu tiên tập trung hoàn thiện những dự án, công trình đã nêu trong Nghị quyết 21, Kết luận 28 nhưng chưa làm được; tập trung danh mục dự án ưu tiên theo Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 đã được Quốc hội thông qua, đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng theo chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ.

Đối với Quy hoạch 5 lĩnh vực chuyên ngành GTVT, cần rà soát tập hợp những dự án trọng điểm có tính liên vùng, liên quan đến vùng ĐBSCL. “Cần xác định giai đoạn 2021-2025 ưu tiên làm gì trước, giai đoạn 2016-2030 làm các dự án còn lại. Phải xác định được đến 2030 sẽ đạt được những gì, để tập trung làm sớm các dự án ưu tiên, nhưng vẫn hài hòa giữa các lĩnh vực như cân đối tỷ lệ đầu tư cao tốc, hàng hải, đường thủy nội địa, đường sắt…” - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, để khả thi, ngoài nguồn vốn ngân sách Nhà nước, cần có giải pháp đầu tư mang tính chất đột xuất, xây dựng cơ chế đặc thù, đa dạng hóa giải pháp cho từng dự án... Đây là cơ sở quan trọng giúp Ban Kinh tế Trung ương tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư đề ra các định hướng, quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp hiệu quả nhằm phát triển bền vững kinh tế - xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
         
Bộ GTVT đặt mục tiêu đến năm 2030, từng bước xây dựng các tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, các tuyến đường cao tốc kết nối liên vùng, kết nối với các cảng biển cửa ngõ quốc tế, cảng hàng không quốc tế, các cửa khẩu quốc tế chính có nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa lớn, các đô thị lớn; 100% đường huyện, đường xã được vào cấp kĩ thuật. Cải tạo, nâng cấp và hoàn thành đưa vào cấp kỹ thuật các luồng tuyến vận tải thủy nội địa chính; nâng cấp và đầu tư hiện đại hóa các cảng sông; phát triển các tuyến vận tải container; xây dựng các bến tàu khách quốc tế phục vụ cho vận tải hành khách và du lịch của Vùng...
Cùng chuyên mục
Đầu tư hạ tầng giao thông, tạo động lực để phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long