Đầu tư, mua sắm, quản lý và sử dụng trang thiết bị y tế của Bộ Y tế và 8 tỉnh, thành phố: Kỳ cuối - Kiến nghị khắc phục bất cập về cơ chế, chính sách

(BKTO) - Từ những hạn chế, bất cập trong đầu tư, mua sắm, quản lý, sử dụng trang thiết bị y tế (TTBYT), KTNN đã chỉ ra và kiến nghị khắc phục những thiếu sót, hạn chế của Bộ Y tế và các địa phương trong vai trò điều hành, giám sát. Đặc biệt, KTNN đã đưa ra những ý kiến tư vấn đối với Bộ Y tế về ban hành, bổ sung, sửa đổi văn bản hướng dẫn thực hiện công tác quản lý TTBYT.



“Khoảng trống”trong điều hành, giám sát

Đánh giá công tác điều hành, giám sát và ban hành các văn bản pháp quy về đầu tư, mua sắm, quản lý, sử dụng TTBYT, kết quả kiểm toán chỉ ra nhiều hạn chế. Theo đó, Viện Trang thiết bị và Công trình y tế là đơn vị có chức năng thực hiện các hoạt động liên quan đến việc kiểm định, hiệu chuẩn, kiểm tra, đánh giá chất lượng TTBYT. Nhưng đến thời điểm kiểm toán (tháng 7/2016), Viện chưa thực hiện hoạt động này. Viện cũng chưa thực hiện lưu giữ đầy đủ hồ sơ kiểm tra chất lượng hàng hóa nhập khẩu; quy trình kiểm tra chất lượng tủ cấy vi sinh, tủ sấy tiệt trùng có một số chỉ tiêu không theo tiêu chuẩn.

Kết quả kiểm toán cũng cho thấy, Bộ Y tế chưa ban hành các văn bản về đầu tư, mua sắm TTBYT; một số văn bản về quản lý, sử dụng đã bộc lộ bất cập nhưng chưa được sửa đổi, bổ sung. Chọn mẫu một số trang thiết bị nhập khẩu cho thấy, cấp phép nhập khẩu TTBYT nhưng không kiểm tra các điều kiện về pháp lý, nhân sự, cơ sở vật chất theo quy định; thời gian thực tế xử lý, giải quyết hồ sơ xin nhập khẩu vượt quá quy định; các đơn vị nhập khẩu không báo cáo đúng thời điểm quy định.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng chưa ban hành các văn bản quy định cụ thể về đấu thầu TTBYT, đặc biệt là công tác xây dựng, phê duyệt kế hoạch đấu thầu mua sắm hóa chất, vật tư tiêu hao còn nhiều bất cập như: chưa phân nhóm vật tư, hóa chất theo chủng loại, tiêu chuẩn kỹ thuật phù hợp với loại dịch vụ y tế; chưa xây dựng bộ dữ liệu giá trúng thầu của các mặt hàng hóa chất, vật tư tiêu hao để cung cấp cho các cơ sở y tế làm căn cứ xây dựng giá kế hoạch. Công tác phân cấp ủy quyền phê duyệt danh mục mua sắm không còn phù hợp với Nghị định số 16/2015/NĐ-CP và Nghị định số 85/2012/NĐ-CP của Chính phủ; chưa thực hiện phân cấp thẩm định, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu dẫn đến tình trạng quá tải, phê duyệt chậm, ảnh hưởng đến hoạt động của bệnh viện.

Tương tự, tại các địa phương cũng chưa chú trọng đến việc ban hành các văn bản về quản lý, sử dụng hóa chất, vật tư tiêu hao; chưa xây dựng quy chế, quy trình mua sắm, quản lý TTBYT cụ thể cho các cơ sở y tế; chưa chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng về bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa cũng như công tác thanh kiểm tra, rà soát, đánh giá hiện trạng quản lý, sử dụng TTBYT…

Kiểm toán Nhà nước tư vấn hoàn thiện cơ chế, chính sách

Qua kết quả kiểm toán, cùng với việc kiến nghị xử lý tài chính 32,2 tỷ đồng, KTNN kiến nghị Bộ Y tế và UBND 8 tỉnh, thành phố được kiểm toán chấn chỉnh công tác đầu tư, mua sắm, quản lý và sử dụng TTBYT; chấn chỉnh, nâng cao chất lượng công tác đấu thầu, mua sắm TTBYT. Trong đó, KTNN kiến nghị Bộ Y tế và các địa phương chỉ đạo rà soát, xác định cụ thể danh mục TTBYT chưa sử dụng hoặc sử dụng ít hiệu quả, có phương án xử lý, điều chuyển để đưa TTBYT vào sử dụng, tránh lãng phí, nâng cao hiệu quả đầu tư. KTNN cũng kiến nghị Bộ Y tế rà soát lại các dự án, chương trình y tế có mua sắm TTBYT cấp cho các địa phương và các cơ sở y tế thuộc Bộ, thống nhất với địa phương, cơ sở y tế về danh mục TTBYT cần mua, tránh tình trạng TTBYT không sử dụng do không có nhu cầu hoặc không phù hợp.

Đặc biệt, từ thực tế kiểm toán, KTNN đã tư vấn cho Bộ Y tế ban hành, bổ sung, sửa đổi văn bản hướng dẫn thực hiện công tác quản lý TTBYT. Theo đó, Bộ Y tế cần sửa đổi, bổ sung Thông tư số 15/2007/TT-BYT ngày 12/12/2007 hướng dẫn thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về việc sử dụng tài sản để liên doanh, liên kết hoặc góp vốn liên doanh để mua sắm trang thiết bị phục vụ hoạt động của các cơ sở y tế công lập (Thông tư 15). Cụ thể, bổ sung các quy định, hướng dẫn đối với hoạt động liên kết đặt máy bán hóa chất tại các cơ sở y tế, trong đó có hướng dẫn, quy định rõ về đối tượng, điều kiện, nguồn gốc, xuất xứ, giá hóa chất… để thực hiện thống nhất trong toàn ngành, tránh bị lợi dụng, gây thiệt hại cho người bệnh và cơ sở y tế.

Đồng thời, Thông tư 15 cần được sửa đổi, bổ sung quy định về đối tượng liên doanh, liên kết, trong đó, xác định rõ đối tượng liên doanh, liên kết; hạn chế, tiến tới chấm dứt liên doanh, liên kết đặt máy để khai thác từng dịch vụ y tế riêng biệt theo từng máy, mở rộng hình thức huy động vốn theo lãi suất thỏa thuận để đầu tư mua thiết bị hoặc góp vốn đầu tư xây dựng mới cơ sở khám, chữa bệnh.

KTNN cũng đề nghị Bộ Y tế ban hành văn bản hướng dẫn để tổ chức thực hiện quản lý TTBYT theo quy định tại Nghị định số 36/2016/NĐ-CP. Trong đó, Bộ cần nghiên cứu ban hành văn bản hướng dẫn về công tác đấu thầu mua vật tư, hóa chất tiêu hao theo hướng có quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật, hạn sử dụng của vật tư hóa chất bảo đảm chất lượng dịch vụ y tế, căn cứ xác định danh mục và giá kế hoạch vật tư, hóa chất cần mua; sớm thực hiện đăng tải công khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế thông tin về giá trúng thầu mua sắm TTBYT của các cơ sở y tế trên phạm vi toàn quốc; thường xuyên, kịp thời cập nhật thông tin về giá TTBYT để phục vụ công tác quản lý. Bên cạnh đó, Bộ Y tế cần hướng dẫn, quy định về nguyên tắc, căn cứ xây dựng định mức tiêu hao vật tư, hóa chất cơ bản cho các dịch vụ y tế để thực hiện thống nhất tại các cơ sở y tế, nhằm sử dụng vật tư, hóa chất tiết kiệm, hiệu quả, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế. Đồng thời, Bộ cần nghiên cứu, ban hành văn bản quy định về đấu thầu mua sắm một số hóa chất xét nghiệm, vật tư thay thế đặc thù để tránh việc đấu thầu hình thức (chỉ có 1 nhà thầu tham dự và trúng thầu).

KTNN cũng tư vấn cho Bộ Y tế sửa đổi, bổ sung danh mục TTBYT bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh, huyện, xã, ban hành kèm theo Quyết định số 437/QĐ-BYT ngày 20/02/2002 và Quyết định số 1020/QĐ-BYT ngày 22/3/2004 của Bộ Y tế để đảm bảo cơ cấu tổ chức, danh mục TTBYT quy định tại các cơ sở y tế phù hợp với điều kiện khám, chữa bệnh thực tế.

KIM AN
Theo Báo Kiểm toán số 03 ra ngày 17-01-2019
Cùng chuyên mục
Đầu tư, mua sắm, quản lý và sử dụng trang thiết bị y tế của Bộ Y tế và 8 tỉnh, thành phố: Kỳ cuối - Kiến nghị khắc phục bất cập về cơ chế, chính sách