Đầu tư, phát triển bền vững rừng đặc dụng, phòng hộ

(BKTO)- Ngày 19/12, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức hội nghị toàn quốc về công tác quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ.



                
   

Phấn đấu đến năm 2025 có 50% khu rừng đặc dụng, phòng hộ của cả nước được cung cấp thiết bị và áp dụng công nghệ tiên tiến trong quản lý- Nguồn: thoibaotaichinhvietnam.vn

   

Theo ông Nguyễn Quốc Trị - Tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, diện tích có rừng cả nước là 14,45 triệu ha, trong đó rừng đặc dụng là 2,15 triệu ha; rừng phòng hộ là 4,6 triệu ha. Hiện nay, các khu rừng đặc dụng, phòng hộ phân bố đều; 54/63 tỉnh, thành phố có các khu rừng đặc dụng được thành lập (chiếm 85,7%) và 59/63 tỉnh có rừng phòng hộ (chiếm 93,7%).

Cả nước đã thiết lập hệ thống khu rừng đặc dụng với tổng diện tích có rừng là 2,15 triệu ha, trong đó có 15 khu rừng đặc dụng quy hoạch thành lập mới. Các khu rừng đặc dụng được thành lập mới giúp kế hoạch bảo tồn các loài nguy cấp, quý hiếm ở Việt Nam được tốt hơn, như: Khu bảo tồn Sao La, Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi tỉnh Quảng Nam…

Mỗi năm, các ban quản lý rừng giao khoán bảo vệ rừng cho cộng đồng, cá nhân, hộ gia đình 402.490 ha; trồng rừng mới 10.883 ha, góp phần tăng diện tích có rừng, nâng độ che phủ rừng, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương sống trong vùng lõi và vùng đệm. Nhờ vậy, nhiều hộ dân đã thoát nghèo và có cuộc sống ổn định từ nghề rừng.

Có 74/164 Ban quản lý rừng đặc dụng được chi trả dịch vụ môi trường rừng với tổng diện tích 1,18 triệu ha, chiếm khoảng 48% diện tích rừng đặc dụng, kinh phí chi trả dịch vụ môi trường rừng năm 2018 là 336 tỷ đồng. Trong những năm qua, Bộ NN&PTNT cũng đã kiểm soát chặt việc chuyển đổi diện tích rừng đặc dụng, phòng hộ sang mục đích sử dụng khác…

Tuy nhiên, theo đại diện Tổng cục Lâm nghiệp, việc quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức. Đó là xu hướng suy thoái đa dạng sinh học do nạn phá rừng, khai thác gỗ bất hợp pháp; tăng trưởng nóng về kinh tế, áp lực dân số và những khó khăn, hạn chế về nguồn lực; các cơ chế, chính sách quản lý, đầu tư bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học chưa đồng bộ và hầu hết sẽ hết hiệu lực vào năm 2020.
                
   

54/63 tỉnh thành trên cả nước có rừng đặc dụng - Nguồn: internet

   

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đánh giá, trong các loại rừng, rừng đặc dụng và rừng phòng hộ chiếm vị trí rất quan trọng bởi đây là nơi có đa dạng sinh học cao nhất, bảo tồn động thực vật quý hiếm; là vùng sinh thủy, “van” điều hòa tổng thể cho từng tiểu vùng khí hậu; phát triển du lịch, nghiên cứu, học tập… "Đây là nhân, là lõi của phát triển bền vững", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng cũng khẳng định, thời gian tới, Bộ tiếp tục phối hợp với các địa phương rà soát đánh giá quy mô, diện tích quy hoạch thành lập mới các khu rừng theo quy định; xây dựng đề án tổng thể phát triển hệ thống rừng đặc dụng, phòng hộ giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; phấn đấu đến năm 2025 có 50% khu rừng đặc dụng, phòng hộ của cả nước được cung cấp thiết bị và áp dụng công nghệ tiên tiến trong quản lý, giám sát đa dạng sinh học, cứu hộ và tái thả tự nhiên thành công một số động vật hoang dã quý hiếm…

Bộ sẽ tăng cường quản lý quy hoạch sử dụng đất rừng; nghiêm cấm lấn chiếm rừng và đất quy hoạch lâm nghiệp để nuôi trồng thủy sản; xử lý nghiêm trường hợp sử dụng đất không đúng mục đích, làm tổn hại đến rừng...
NAM SƠN (Tổng Hợp)
Cùng chuyên mục
Đầu tư, phát triển bền vững rừng đặc dụng, phòng hộ