Đầu tư, phát triển các trường cao đẳng chất lượng cao

(BKTO) - Trong bối cảnh số lượng và chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao (CLC) còn thiếu hụt và chưa đáp ứng nhu cầu của thị trường, Chính phủ chủ trương đẩy mạnh phát triển trường cao đẳng CLC và coi đây là nguồn cung nhân lực quan trọng cho yêu cầu phát triển của đất nước.




Nhà nước sẽ tiếp tục tăng cường đầu tư, hình thành trường nghề CLC

Phấn đấu năm 2025 sẽ có khoảng 70 trường cao đẳng chất lượng cao

Theo đánh giá của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN), Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, 5 năm thực hiện Đề án “Phát triển trường nghề CLC đến năm 2020” (Đề án) đối với 45 trường nghề công lập theo Quyết định số 761/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 23/5/2014 đã mang lại diện mạo mới cho hệ thống GDNN. Công tác quy hoạch mạng lưới trường CLC, nghề trọng điểm bước đầu được thực hiện, làm cơ sở cho việc chuẩn bị, tổ chức đào tạo nhân lực tay nghề cao, đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và quốc tế. Năng lực đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý GDNN; kỹ năng nghề nghiệp của lao động được nâng lên…

Tuy nhiên, việc triển khai Đề án cũng gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Nguyên nhân là do nguồn lực đầu tư cho GDNN nói chung và cho đào tạo nhân lực tay nghề cao nói riêng còn thấp; việc hỗ trợ đầu tư cho các trường còn dàn trải, chưa tập trung cho các trường có khả năng sớm đạt CLC. Đặc biệt, thời điểm Đề án ra đời, các trường nghề vẫn phân tán do thuộc quản lý của nhiều Bộ, ngành dẫn đến việc quy hoạch, dự báo nguồn nhân lực, bao gồm cả nhân lực CLC chưa sát với thị trường lao động. Các cơ chế, chính sách để thúc đẩy DN tham gia GDNN, đào tạo nhân lực CLC chưa hoàn thiện...

Để khắc phục những hạn chế nêu trên, Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Đề án “Phát triển trường cao đẳng CLC đến năm 2025”, trong đó đặt mục tiêu đến năm 2025 có khoảng 70 trường được đánh giá, công nhận trường CLC với ít nhất 3 trường tiếp cận trình độ các nước phát triển trong nhóm G20, 40 trường tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4.

Thực hiện mục tiêu này, Đề án đề ra nhiệm vụ tiếp tục đầu tư đồng bộ để phát triển trường nghề CLC, đồng thời, khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư trường CLC và nghề trọng điểm (bao gồm cả trường nghề ngoài công lập); tăng cường các điều kiện bảo đảm chất lượng, đổi mới công tác quản lý và giảng dạy theo hướng tiếp cận trình độ của các nước tiên tiến trên thế giới đối với các trường được lựa chọn. Đáng lưu ý, Nhà nước sẽ có cơ chế, chính sách đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích các trường tăng cường các điều kiện bảo đảm chất lượng, nâng cao năng lực đào tạo theo tiêu chí của trường CLC. Các trường CLC sẽ được Nhà nước ưu tiên đặt hàng thực hiện các dịch vụ đào tạo GDNN từ NSNN...

Gắn kết nhà trường - doanh nghiệp trong đào tạo

Một trong những vấn đề quan trọng được đặt ra trong Đề án là tăng cường quan hệ gắn kết giữa trường nghề và DN trong đào tạo nguồn nhân lực. Trên thực tế, mối quan hệ này vẫn còn nhiều hạn chế.

Thực trạng này cũng từng được TS. Vũ Xuân Hùng - Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy (Tổng cục GDNN) - thẳng thắn chỉ ra: Nhà trường và DN vẫn chưa tìm được tiếng nói chung, các bên vẫn “mạnh ai nấy làm”, mối quan hệ rất lỏng lẻo, không thường xuyên. Trong khi đó, đây là nhiệm vụ, là yêu cầu sống còn, không chỉ của nhà trường và DN mà còn của cả nền kinh tế. “Trong bối cảnh nền kinh tế số với sự can thiệp của máy móc hiện đại vào sản xuất, DN sẽ không thể trông cậy mãi vào nguồn lao động phổ thông, tay nghề thấp mà cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, bao gồm cả nguồn nhân lực có chất lượng - TS. Hùng lưu ý.

Do đó, TS. Hùng cho rằng, sự điều chỉnh, bổ sung của Đề án trong bối cảnh hiện nay là vô cùng cần thiết, bởi một trong những tiêu chí để công nhận trường CLC là trường phải có sự gắn kết với DN trong đào tạo và việc làm sau đào tạo. Đây không chỉ là cơ sở cho sự hình thành, hoạt động của các trường nghề CLC mà còn mở ra hướng đi mới cho hoạt động đào tạo nguồn nhân lực CLC với sự tham gia của DN.

Là một trong những trường được lựa chọn đầu tư để trở thành trường CLC, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội Phạm Xuân Khánh cho biết, cơ sở để Trường đưa ra cam kết 100% sinh viên tốt nghiệp có việc làm là có sự đồng hành của DN trong suốt quá trình đào tạo, thực tập cho đến tuyển dụng. Dù mối quan hệ hợp tác này chưa thể đạt đến độ nhuần nhuyễn nhưng cũng tương đối thường xuyên và mang lại nhiều hiệu quả. Tuy nhiên, rất nhiều DN vẫn đang trăn trở vì Nhà nước còn thiếu cơ chế, chính sách. “Tham gia GDNN, DN phải chịu thiệt thòi, rủi ro khi thành quả đào tạo không thể thấy ngay như đầu tư vào kinh doanh” - ông Khánh nói.

Do đó, cả phía trường nghề lẫn DN đều kỳ vọng với Đề án này, bên cạnh những chính sách đầu tư cho trường nghề, các Bộ, ngành cũng sớm nghiên cứu, đưa ra chính sách ưu đãi thiết thực dành cho DN tham gia vào GDNN và đảm bảo chính sách được thực thi. Chỉ như vậy, mục tiêu phát triển trường nghề CLC, xa hơn là đào tạo nguồn nhân lực CLC mới có kết quả tốt.

Bài và ảnh: PHỐ HIẾN
Theo Báo Kiểm toán số 43 ra ngày 24-10-2019
Cùng chuyên mục
  • Huy động tối đa nguồn lực để phát triển giao thông nông thôn
    5 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Sau 10 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về Xây dựng nông thôn mới, tiêu chí giao thông nông thôn (GTNT) đã cán đích trước hạn 1,5 năm so với mục tiêu đặt ra. Tuy nhiên, trong thời gian tới, nhu cầu về vốn vẫn được xem là thách thức đối với việc xây dựng hệ thống GTNT. Bên cạnh nguồn vốn ngân sách, các địa phương cần đẩy mạnh hơn nữa công tác vận động nhân dân đóng góp cho việc phát triển GTNT.
  • Tham gia bảo hiểm xã hội, bảo đảm nguồn lương hưu khi về già
    5 năm trước Xã hội
    (BKTO)- Cùng với chính sách Bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc, sự ra đời của chính sách BHXH tự nguyện được kỳ vọng sẽ khỏa lấp lỗ hổng chính sách an sinh, tạo cơ hội cho người lao động, đặc biệt là lao động khu vực phi chính thức có thể tham gia BHXH và nhận lương hưu khi về già.
  • 283.000 doanh nghiệp đang hoạt động chưa tham gia bảo hiểm xã hội cho người lao động
    5 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Vừa qua, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã tiến hành phiên họp thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH) và quản lý, sử dụng Quỹ BHXH năm 2018. Theo báo cáo, năm 2018 đã phát triển được 270.779 cá nhân tham gia BHXH tự nguyện, tuy nhiên, hiện có tới 283.000 trên tổng số 610.000 DN đang hoạt động nhưng vẫn chưa tham gia BHXH.
  • Người chấp hành án tù giam vẫn được hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội
    5 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam vừa có Công văn gửi BHXH các địa phương về việc thực hiện tạm dừng hoặc tiếp tục chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng đối với những người bị phạt tù giam.
  • Khởi động chiến dịch K=K: Không phát hiện = Không lây truyền
    5 năm trước Xã hội
    (BKTO)- Ngày 22/10/2019, Cục Phòng, chống HIV/AIDS- Bộ Y tế phối hợp với Bệnh viện Bạch Mai và Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) tổ chức sự kiện khởi động cho Chiến dịch quốc gia "Không phát hiện = Không lây truyền". Sự kiện thu hút sự tham gia của gần 300 đại biểu đến từ các Ban, Bộ, ngành, các tổ chức Quốc tế, tổ chức phi chính phủ, các cơ sở y tế và sinh viên các trường Y tại Hà Nội.
Đầu tư, phát triển các trường cao đẳng chất lượng cao