Đẩy mạnh các biện pháp ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi

(BKTO) - Trước diễn biến phức tạp của bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) tại một số tỉnh, thành phố phía Bắc, nhiều địa phương đã chủ động xây dựng phương án, tìm ra các giải pháp phòng, chống dịch bệnh. Tuy nhiên, việc ngăn ngừa bệnh dịch này đang gặp nhiều khó khăn, đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn từ T.Ư tới địa phương.



Phòng, chống dịch còn nhiều khó khăn

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), hiện nay, DTLCP đang lây lan tại nhiều tỉnh, thành phố phía Bắc. Công tác phòng, chống dịch đã lên tới mức báo động và đòi hỏi sự nỗ lực của nhiều Bộ, ngành, địa phương. DTLCP tuy không lây nhiễm sang người và không gây bệnh ở người nhưng rất nguy hiểm cho ngành chăn nuôi lợn, nếu không khống chế được DTLCP thì tổn hại về kinh tế sẽ rất lớn.

Công tác kiểm tra đánh giá tình hình cho thấy, các địa phương đã vào cuộc rất quyết liệt, từ lãnh đạo tỉnh, huyện cho đến người dân đều áp dụng mọi biện pháp ngăn chặn. Tuy nhiên, việc phòng, chống dịch tại các địa phương vẫn gặp nhiều khó khăn. Bởi Việt Nam có 14 triệu hộ chăn nuôi lợn quy mô nông hộ, phần lớn là chăn nuôi nhỏ lẻ, chăn nuôi đan xen trong các khu dân cư nên khó hoặc không thường xuyên thực hiện đầy đủ các biện pháp vệ sinh phòng bệnh. Mặt khác, giá hỗ trợ cho hộ chăn nuôi có lợn buộc phải tiêu hủy theo quy định hiện nay thấp hơn so với giá thị trường; thời gian hỗ trợ kéo dài, thủ tục còn nhiều vướng mắc…

Theo Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng, Hải Phòng đã chủ động cấp 4 tỷ đồng để mua bổ sung hoá chất, hỗ trợ hộ gia đình phòng, chống dịch. Năm 2017, Bộ Tài chính đã có hướng dẫn mức hỗ trợ tiêu huỷ đối với lợn con, lợn thịt là 38.000 đồng/kg, trong khi giá thị trường hiện nay khoảng từ 43.000 - 45.000 đồng/kg, mức hỗ trợ này tương đối phù hợp. Tuy nhiên, quy định chưa tách hỗ trợ giữa lợn con, lợn thịt với lợn nái và lợn đực giống buộc phải tiêu hủy. Do đó, Chính phủ nên bổ sung tiêu chí này để có mức hỗ trợ hợp lý hơn.

Còn đại diện Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai cho biết, hiện địa phương này có đàn lợn lớn nhất cả nước, với khoảng 2,5 triệu con. Tuy nhiên, vẫn còn có những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ chưa chú trọng đến công tác an toàn sinh học. Cùng với đó, hiện giá thịt lợn tại khu vực phía Nam đang cao hơn phía Bắc nên số lượng lợn vận chuyển từ Bắc vào Nam sẽ gia tăng và nguy cơ xâm nhiễm, bùng phát dịch bệnh trên địa bàn tỉnh Đồng Nai là rất cao khiến chính quyền, người dân vô cùng lo lắng.

Cần kiểm soát nhanhbệnh dịch

Chia sẻ về kinh nghiệm phòng, chống DTLCP, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cho biết, Hà Nội có gần 2 triệu con lợn và hơn 10 vạn hộ sản xuất chăn nuôi nhỏ lẻ. 8 tỉnh, thành lân cận có nhiều trục lộ vào Thành phố nên các địa phương cần có sự phối hợp chặt chẽ trong việc kiểm soát dịch. Đầu tháng 9/2018, Hà Nội đã thành lập nhiều đoàn kiểm tra, tuyên truyền để người dân hiểu rõ về dịch; vận động người dân cùng vào cuộc; tăng cường chốt kiểm dịch Thành phố tại các cửa ngõ, tuyến đường; giám sát chặt tại các cơ sở; phát động tổng tẩy uế môi trường vệ sinh toàn Thành phố. Đồng thời, Thành phố chuẩn bị đầy đủ hoá chất, vật chất, thiết bị để khi xảy ra dịch sẽ hỗ trợ ngay cho bà con.

Theo đại diện Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hợp Quốc (FAO) tại Việt Nam, cơ quan này đang xây dựng dự án hỗ trợ khẩn cấp cho Chính phủ Việt Nam ngăn chặn DTLCP với tổng giá trị khoảng 500.000 USD. Trong tháng 3 này, đoàn chuyên gia hàng đầu thế giới về bệnh DTLCP sẽ đến Việt Nam để phối hợp với các cơ quan chuyên môn tìm ra giải pháp và đề xuất Chính phủ các biện pháp khống chế kịp thời dịch bệnh này. Đại diện FAO cho biết, đây mới chỉ là thời kỳ đầu, nếu không phòng, chống tốt thì dịch bệnh sẽ lây lan nhanh, phạm vi rộng. Biện pháp hữu hiệu nhất để phòng tránh là đảm bảo an toàn sinh học. Tại Trung Quốc, 3 vấn đề khiến dịch bệnh lây lan là không kiểm soát tốt an toàn dịch bệnh, sử dụng thức ăn thừa không qua xử lý nhiệt và vận chuyển đường dài từ địa phương này sang địa phương khác. Cách phòng trừ của Trung Quốc là không cho lợn ăn thức ăn thừa, tiêu hủy ngay lợn khi có kết quả dương tính với DTLCP. Vì vậy, Việt Nam nên kiểm soát dịch bệnh thật nhanh và tiêu hủy ngay các đàn lợn bị dương tính với dịch; kiểm soát việc vận chuyển lợn, sản phẩm lợn ra ngoài vùng dịch, phun hóa chất khử trùng tốt.

Trong khi đó, Phó Trưởng đại diện Tổ chức Thú y thế giới (OIE) Laure Weber-Vintzel cho hay, kinh nghiệm đầu tiên trong phòng, chống dịch bệnh là phải chia sẻ thông tin; phát hiện sớm, xử lý nhanh, triệt để từ đầu; phải đảm bảo an toàn thực phẩm, OIE cam kết hỗ trợ Việt Nam trong việc này.

Trước kiến nghị của FAO và OIE, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường yêu cầu, Cục Thú y thường xuyên có chương trình làm việc chuyên sâu với OIE, tham quan phòng thí nghiệm của OIE, sau đó về báo cáo Bộ nhằm hoàn thiện các nhóm giải pháp, xây dựng kịch bản phòng, chống DTLCP hiệu quả. Liên quan đến cơ chế hỗ trợ người chăn nuôi, ông Cường cho biết, Chính phủ đã đồng ý mức hỗ trợ đối với lợn con, lợn thịt nhiễm bệnh phải tiêu hủy với mức tối thiểu 80% giá thị trường tại thời điểm và tại địa phương có dịch bệnh xảy ra; đối với lợn nái, lợn đực giống đang khai thác, hỗ trợ với mức từ 1,5 đến 2 lần so với mức hỗ trợ các loại lợn khác tại thời điểm có dịch bệnh. Đây là chính sách nhằm đảm bảo công bằng về chi phí đầu tư chăn nuôi của người dân.

LÊ HÒA
Theo Báo Kiểm toán số 11 ra ngày 14-3-2019
Cùng chuyên mục
  • Ngân hàng số -  ngân hàng của tương lai
    5 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Việc trở thành ngân hàng số đang là một trong những mục tiêu hàng đầu của các ngân hàng trên toàn cầu và tất nhiên, các ngân hàng tại Việt Nam cũng không ngừng nỗ lực để hướng tới mục tiêu này. Theo PwC, ngành ngân hàng đang đối mặt với yêu cầu bắt buộc phải thay đổi xuất phát từ những yếu tố như: kỳ vọng của khách hàng, công nghệ, hành lang pháp lý, cơ cấu dân số và nền kinh tế. Để thành công, các ngân hàng cần có sự chuyển đổi mạnh mẽ trong áp dụng các công nghệ số và phân tích dữ liệu nhằm nâng cao trải nghiệm khách hàng, tự động hóa quy trình kinh doanh và đảm bảo tuân thủ các yêu cầu của cơ quan quản lý.
  • Bế mạc Hội báo toàn quốc 2019
    5 năm trước Đối nội
    (BKTO)- Ngày 17/3, tại Hà Nội, Hội báo toàn quốc năm 2019 đã bế mạc, sau ba ngày diễn ra sôi nổi với nhiều hoạt động báo chí và văn hoá đặc sắc.
  • Nâng cao vai trò của Báo chí trong truyền thông về chuẩn mực văn hóa ứng xử
    5 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Sáng ngày 16/3, tại Bảo tàng Hà Nội, Hội thảo “Vai trò của Báo chí trong truyền thông về chuẩn mực văn hóa ứng xử” đã diễn ra dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và lãnh đạo các Bộ: Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL), Thông tin và Truyền thông (TT&TT) và Hội Nhà báo Việt Nam.
  • Báo chí Việt Nam đổi mới, sáng tạo, trách nhiệm vì lợi ích của đất nước và nhân dân
    5 năm trước Đối nội
    (BKTO)- Ngày 15/3, Hội báo toàn quốc năm 2019 với chủ đề “Báo chí Việt Nam đổi mới, sáng tạo, trách nhiệm vì lợi ích của đất nước và nhân dân” đã chính thức khai mạc. Đây là sự kiện do Ban Tuyên giáo Trung ương; Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Hội Nhà báo Việt Nam; UBND TP Hà Nội phối hợp tổ chức. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự, phát biểu và đánh trống khai mạc Hội báo.
  • Đoàn giám sát của Quốc hội làm việc với Kiểm toán Nhà nước
    5 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Chiều 14/3, tại nhà Quốc hội, Đoàn giám sát của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018” (Đoàn giám sát) đã có cuộc làm việc với KTNN. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh, Phó Trưởng đoàn thường trực Đoàn giám sát của Quốc hội điều hành cuộc làm việc.
Đẩy mạnh các biện pháp ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi