Đẩy mạnh các giải pháp chống gian lận hóa đơn điện tử

(BKTO) - Thời gian qua, công tác quản lý hóa đơn đã được Ngành Thuế quan tâm sát sao, song vẫn còn tình trạng buôn bán hóa đơn, trục lợi tiền thuế của ngân sách nhà nước. Trước thực trạng đó, để hạn chế, ngăn chặn tình trạng buôn bán hóa đơn không hợp pháp, cần sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan chức năng.

Chiêu trò gian lận diễn biến tinh vi và khó lường

hdt-1.jpeg
Nhiều giải pháp về phân tích dữ liệu hóa đơn điện tử, phát hiện rủi ro, phòng chống gian lận về hóa đơn điện tử. Ảnh minh họa

Hóa đơn điện tử (HÐÐT) ra đời được đánh giá đã mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, người dân và toàn xã hội. Tuy nhiên, Tổng cục Thuế cho biết với phạm vi ngày càng rộng, số lượng người nộp thuế quản lý ngày càng nhiều, các hoạt động kinh tế diễn ra ngày càng đa dạng và phức tạp thì vấn đề lợi dụng sự thông thoáng trong quy định thành lập doanh nghiệp để mua bán hóa đơn bất hợp pháp, làm giả hồ sơ, chứng từ để kê khai, quyết toán thuế, thậm chí không kê khai, nộp thuế,… diễn biến ngày càng tinh vi và khó lường.

Với hành vi gian lận về lập HÐÐT, khai thuế, các đối tượng thực hiện xuất khống hóa đơn, có trường hợp là hóa đơn giả để trục lợi; lập hóa đơn sai quy định để hợp thức hóa, tăng chi phí đầu vào để giảm thuế phải nộp, kê khai không đúng, không đủ; không xuất hóa đơn cho hàng hóa xuất khẩu.

Gian lận HÐÐT không chỉ hoạt động lén lút mà còn diễn ra công khai trên mạng xã hội. Các hành vi vi phạm về lập hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ gồm: Lập hóa đơn không đúng thời điểm, không theo thứ tự từ nhỏ đến lớn, sai loại hóa đơn theo quy định đã giao cho người mua hoặc đã kê khai; lập hóa đơn khi chưa có thông báo chấp thuận của cơ quan thuế hoặc trước ngày cơ quan thuế chấp nhận việc sử dụng hóa đơn điện tử có mã hoặc không có mã của cơ quan thuế; lập hóa đơn trong thời gian tạm ngừng hoạt động kinh doanh, trừ trường hợp lập hóa đơn giao cho khách hàng để thực hiện các hợp đồng đã ký trước ngày thông báo tạm ngừng kinh doanh…

Tổng cục Thuế cũng cho biết, tại một số địa phương vẫn có hiện tượng một số cơ sở kinh doanh khi bán hàng, cung cấp dịch vụ vẫn sử dụng hóa đơn bán lẻ, bản kê tính tiền, phiếu thanh toán và các loại chứng từ bán hàng khác bằng giấy mà không xuất HÐÐT cho khách hàng. Điều này dẫn đến rủi ro bán hàng, nhưng không xuất HÐÐT nhằm mục đích trốn thuế.

Ngoài ra, để trốn tránh sự kiểm tra, phát hiện của cơ quan thuế và các cơ quan quản lý nhà nước, các đối tượng thường xuyên chuyển địa điểm kinh doanh; cá nhân sinh sống ở địa bàn này hoặc có địa điểm kinh doanh ở địa bàn này nhưng trụ sở chính ở các địa bàn khác nơi sinh sống, kinh doanh; địa điểm kinh doanh không có thật hoặc hợp đồng thuê nhà giả mạo để đăng ký địa điểm kinh doanh; cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan thuế chưa có thông tin kiểm soát địa điểm kinh doanh có đúng địa chỉ đăng ký hay không…

Triển khai đồng loạt nhiều giải pháp ngăn chặn gian lận

hddt.png
Phát hành hóa đơn điện tử khi sử dụng dịch vụ ăn uống. Ảnh: Khánh Linh

Trước thực trạng trên, ngành Thuế đang đẩy mạnh triển khai các giải pháp phòng, chống mua bán HÐÐT bất hợp pháp, tổ chức giao nhiệm vụ tới từng công chức, từng đội, từng phòng chức năng, định kỳ hằng ngày tiến hành rà soát trên hệ thống HĐĐT để kịp thời phát hiện người nộp thuế có rủi ro cao trong sử dụng hoá đơn.

Tăng cường phối hợp giữa các cơ quan Thuế trong việc xác minh hoá đơn, phân công, xử lý, phê duyệt, trả lời yêu cầu xác minh hoá đơn, cảnh báo rủi ro, kịp thời xem xét, xử lý vi phạm trong hoạt động mua bán hoá đơn trái phép.

Trong quá trình rà soát, ngành Thuế xác định doanh nghiệp có rủi ro cao, cơ quan Thuế chủ động và kịp thời phối hợp với các cơ quan chức năng như: Công an, Sở Kế hoạch và Đầu tư... để xử lý ngay những vi phạm trong hoạt động mua bán hoá đơn trái phép.

Đặc biệt, cơ quan Thuế đã nghiên cứu, áp dụng công nghệ xử lý dữ liệu lớn, công nghệ trí tuệ nhân tạo, vào thực hiện phân tích dữ liệu hóa đơn điện tử để quản lý rủi ro, phát hiện những trường hợp gian lận, nghi ngờ mua bán hóa đơn với xâu chuỗi nhiều doanh nghiệp tham gia.

Tổng cục Thuế cho biết, Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sẽ tập trung đẩy mạnh tháng cao điểm phòng, chống các doanh nghiệp mua, bán hóa đơn không hợp pháp, gian lận hoàn thuế. Trong tháng cao điểm, đồng loạt cơ quan Thuế các cấp ra quân, quyết liệt hơn nữa trong đấu tranh, xử lý hành vi gian lận về thuế, về mua bán và sử dụng hóa đơn không hợp pháp.

Cùng với đó, tiếp tục truyền thông sâu rộng đến người dân, doanh nghiệp trên các phương tiện truyền thông các chính sách pháp luật về thuế, về hóa đơn; công khai thông tin tổ chức, cá nhân có hành vi mua, bán hóa đơn đã bị cơ quan Công an khởi tố.... Đồng thời, tuyên truyền, phổ biến đến người dân, doanh nghiệp nếu có hành vi sử dụng hóa đơn không hợp pháp để hợp thức kê khai thuế sẽ bị phạt về hành vi trốn thuế và truy cứu trách nhiệm hình sự. Đối với hành vi bán hóa đơn sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Bộ Luật hình sự.

Về công tác phối hợp, cơ quan thuế phối hợp với cơ quan điều tra và các cơ quan chức năng có liên quan như: cơ quan công an, hải quan, ngân hàng... để truy vết người nộp thuế có dấu hiệu mua, bán hóa đơn và điều tra, xử lý vi phạm theo quy định pháp luật.

Đáng chú ý, Tổng cục Thuế cũng kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư sửa đổi quy định đăng ký kinh doanh, quy định thành lập doanh nghiệp mới, kiểm soát thông tin của cá nhân tham gia thành lập, quản lý doanh nghiệp hay tạm ngừng kinh doanh, tiếp tục kinh doanh trước thời hạn.

Ngoài ra, Tổng cục Thuế tham mưu trình lãnh đạo Bộ Tài chính để phối hợp, có ý kiến tham gia xây dựng hoàn thiện các quy định của pháp luật do các bộ, ngành khác chủ trì xây dựng như: Bộ Công thương, Ngân hàng Nhà nước... như nêu trên để tăng cường công tác quản lý tới người nộp thuế, thắt chặt công tác quản lý để ngăn chặn kịp thời các hành vi gian lận nhằm trục lợi, chiếm đoạt tiền từ ngân sách nhà nước.

Cùng chuyên mục
Đẩy mạnh các giải pháp chống gian lận hóa đơn điện tử