Nhiều quy định mới "cởi trói" cho cán bộ, công chức, viên chức
Theo báo cáo tại Hộinghị toàn quốc sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2021 của ngành Nội vụ, trong bối cảnh rất khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, ngành Nội vụ đã quyết liệt tập trung thực hiện "mục tiêu kép" vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Nhờ đó, ngành Nội vụ đã nỗ lực hoàn thành khối lượng công việc lớn, đóng góp quan trọng vào kết quả chung của đất nước và từng địa phương.
Một trong những nhiệm vụ quan trọng được Bộ Nội vụ triển khai thực hiện và nhận được sự đồng thuận từ các Bộ, ngành, dư luận xã hội, đó là việc cắt giảm văn bằng, chứng chỉ không cần thiết, tạo điều kiện cho công chức, viên chức tập trung nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.
Việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính đã tạo điều kiện cho công chức, viên chức tập trung phục vụ tốt hơn yêu cầu của người dân. Ảnh: N.LỘC |
Theo Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ Vũ Đăng Minh, trước tình trạng chồng chéo, trùng lặp về nội dung, chương trình bồi dưỡng, gây khó khăn cho công chức, viên chức và lãng phí nguồn lực xã hội, Bộ đã đề xuất giảm 17 chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch công chức và 87 chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức.
Cùng với đó, Bộ Nội vụ cũng đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương thực hiện các quy định về tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế và vị trí việc làm; tích cực rà soát, đánh giá, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, giúp các Bộ, ngành, địa phương chủ động hơn trong công tác tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ để đáp ứng yêu cầu giải quyết công việc.
Đáng chú ý, Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư số 02/2021/TT-BNV ngày 11/6/2021 quy định tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ và xếp lương đối với các ngạch công chức chuyên ngành hành chính, văn thư, trong đó nhiều quy định mới giúp khắc phục bất cập hiện hành. Nói rõ thêm về quy định này,Quyền Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Biên chế (Bộ Nội vụ) Nguyễn Văn Lượng cho biết,quy định mới cho phép công chức khi chuyển sang chuyên ngành hành chính mà chưa đủ tiêu chuẩn, điều kiện để chuyển xếp lương vào các ngạch thì được xếp lương theo ngạch công chức hiện hưởng trong thời hạn 05 năm kể từ ngày 01/8/2021 (thời điểm Thông tư có hiệu lực). Trong thời hạn này, công chức phải hoàn thiện tiêu chuẩn về trình độ đào tạo theo yêu cầu, nếu không sẽ bị tinh giản.
Cũng theo ông Lượng, liên quan đến vấn đề nâng lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, Bộ cũng ban hành Thông tư số 03/2021/TT-BNV (sửa đổi Thông tư 08/2013/TT-BNV) có hiệu lực từ ngày 15/8 tới, trong đó quy định nhiều điểm mới như bổ sung thêm trường hợp không được tính vào thời gian để xét nâng bậc lương thường xuyên; sửa đổi tiêu chuẩn nâng bậc lương thường xuyên... theo hướng khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thi đua thực hiện tốt nhiệm vụ công tác.
Trọng dụng người tài, sàng lọc, thay thế kịp thời cán bộ yếu kém
Tại Hội nghị, Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ cũng cho biết, một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Bộ Nội vụ tập trung triển khai trong thời gian tới, đó là tiếp tục tham mưu, giúp việc Chính phủ đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương trong đổi mới việc quản lý, sử dụng nguồn nhân lực.
Theo đó, Bộ sẽ tiếp tục đôn đốc các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai thực hiện phân cấp, đổi mới trong công tác tuyển dụng, tổ chức thi nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức. Đồng thời, tập trung hoàn thiện Chiến lược quốc gia thu hút và trọng dụng nhân tài, Đề án thống nhất kiểm định chất lượng đầu vào công chức; đẩy mạnh ứng dụng phần mềm thi tuyển và thi nâng ngạch công chức...
Đặc biệt, Bộ sẽ tiếp tục đôn đốc đẩy mạnh sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, nhất là việc rà soát lại chức năng, nhiệm vụ, sắp xếp tổ chức của các Bộ, ngành gắn với tinh giản giảm đầu mối, giảm khâu trung gian, giảm biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức.
Bộ sẽ tiếp tục đôn đốc đẩy mạnh sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Ảnh N.LỘC |
Tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo Sở Nội vụ các địa phương đề nghị Bộ Nội vụ cần sớm ban hành và tổ chức thực hiện Đề án“Xây dựng hệ thống danh mục, bản mô tả vị trí việc làm cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị”; nghiên cứu sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới Quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam để sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế Quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011-2020 cho phù hợp với thực tế.
Theo Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 năm 2021, Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính và chế độ công vụ, công chức; tiếp tục đẩy mạnh sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, nhất là việc rà soát lại chức năng, nhiệm vụ, sắp xếp tổ chức bên trong các Bộ, ngành gắn với tinh giản giảm đầu mối, giảm khâu trung gian, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức. |
Liên quan đến công tác sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, Giám đốc Sở Nội vụ Bắc Giang Vũ Mạnh Hùng đề nghị Bộ Nội vụ cần nghiên cứu hoàn thiện các quy định liên quan; hoàn thiện quy định về vị trí việc làm tại đơn vị sự nghiệp công lập.
Giám đốc Sở Nội vụ thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà đề nghị BộNội vụ quan tâm có cơ chế, chính sách phù hợp đến giải quyết chế độ, chính sách, làm tốt công tác tư tưởng đối với các đối tượng chịu tác động trực tiếp bởi việc sắp xếp tổ chức bộ máy, từ đó thúc đẩy đưa chủ trương đi vào cuộc sống một cách nhanh chóng, hiệu quả.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực và kết quả công tác 6 tháng đầu năm 2021 của ngành Nội vụ; đồng thời đề nghị toàn ngành Nội vụ tập trung thực hiện đồng bộ, toàn diện các giải pháp để hoàn thành tốt các nhiệm vụ đã đề ra, đặc biệt là lĩnh vực tổ chức bộ máy và công chức, viên chức.
Bộ trưởng đề nghị toàn ngành cần tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đủ phẩm chất, năng lực, dám nghĩ, dám làm trong thực thi công vụ; chú trọng việc phát hiện, thu hút, trọng dụng người tài trong hoạt động công vụ; đồng thời có cơ chế sàng lọc, thay thế kịp thời những người không đáp ứng được yêu cầu công việc.
NGUYỄN LỘC