
Đa dạng hóa giải pháp để đẩy mạnh đào tạo nghề
Một bài học kinh nghiệm được Bạc Liêu rút ra trong tổng kết công tác giảm nghèo thời gian qua chính là tập trung làm tốt đào tạo nghề và giải quyết việc làm. Theo đó công tác này đã được đẩy mạnh triển khai thực hiện thông qua nhiều hình thức. Cụ thể như, bên cạnh tập huấn nâng cao năng lực tuyên truyền cho cán bộ, đoàn viên, hội viên ở cơ sở, ngành chức năng còn tổ chức các buổi truyền thông, phổ biến chính sách hỗ trợ đào tạo nghề đến người dân.
Đồng thời, tổ chức các lớp bồi dưỡng, nâng cao năng lực dạy nghề cho đội ngũ nhà giáo và hướng dẫn các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đẩy mạnh công tác tư vấn, tuyển sinh, đào tạo ở các cấp trình độ nghề nghiệp, nhất là trình độ cao đẳng, trung cấp. Liên hệ, phối hợp với doanh nghiệp tổ chức đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho người lao động.
Đặc biệt, tỉnh cũng tăng cường tuyên truyền, tư vấn, phân luồng học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở vào giáo dục nghề nghiệp và tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn, lao động ở vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an từ nguồn kinh phí các chương trình mục tiêu quốc gia và nguồn kinh phí của địa phương…
Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, năm 2024, toàn tỉnh có 15.380 lao động được đào tạo nghề, đạt 109,86% kế hoạch năm, tăng 3,36% so với năm 2023 (trong đó, lao động nông thôn chiếm 60% tổng số lao động được đào tạo), nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 71,98%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 28,02%.
Bên cạnh những kết quả tích cực, qua đánh giá của các sở, ngành chức năng cho thấy công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh vẫn còn tồn tại một số khó khăn, hạn chế.
Cụ thể như, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp hầu hết có quy mô nhỏ và cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; công tác tuyển sinh, đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp và phân luồng học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở vào giáo dục nghề nghiệp chưa đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra.
Bên cạnh đó, việc triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, lao động thuộc đồng bào dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn. Việc làm của người lao động chưa thật sự bền vững, tỷ lệ thay đổi việc làm và mất việc làm còn cao, dẫn đến thu nhập chưa ổn định và đời sống một bộ phận người lao động còn nhiều khó khăn…
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người dân, người lao động năm 2025 gắn với mục tiêu giảm nghèo bền vững, Bạc Liêu sẽ tiếp tục rà soát, sắp xếp hợp lý các cơ sở giáo dục nghề nghiệp gắn với tập trung đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất và mua sắm thiết bị đào tạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Cùng với đó là thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ nhà giáo có trình độ chuyên môn cao, nghiệp vụ sư phạm giỏi, kỹ năng thực hành nghề nghiệp tốt. Qua đó, tổ chức đào tạo nguồn lực lao động của tỉnh, đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển của tỉnh và nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động.
Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi và có chính sách thu hút nhà đầu tư, doanh nghiệp có tiềm năng, thế mạnh đầu tư vào hoạt động giáo dục nghề nghiệp, nhằm đa dạng hóa các loại hình đào tạo và nâng cao năng lực đào tạo nghề nghiệp cho người lao động trên địa bàn địa phương. Thường xuyên cập nhật và mở rộng thị trường lao động, chú trọng thị trường lao động trong tỉnh, thị trường có tiềm năng và thu nhập tốt; đa dạng hóa hình thức tạo việc làm, gắn với việc làm bền vững cho người lao động…
Nâng cao hiệu quả công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài
Bạc Liêu luôn xác định, trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, nhu cầu tiếp nhận lao động của các nước rất lớn; là cơ hội để đẩy nhanh, nâng cao hiệu quả việc đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài nhằm giải quyết việc làm, tạo thu nhập, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Vì vậy, để nâng cao hiệu quả công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trong thời gian tới, ngay từ đầu năm 2025, ngành chức năng của tỉnh đã tổ chức thực hiện ký giao kết công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng giữa 3 bên, gồm: cơ quan quản lý nhà nước, ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và 19 công ty, doanh nghiệp.
Năm 2024, toàn tỉnh có 624 lao động đã xuất cảnh đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đạt gần 125% so với kế hoạch năm, tăng trên 29% so với năm 2023.
Theo đó, các bên đã ký giao ước thực hiện mục tiêu chung: hằng năm, ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố phấn đấu đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng ít nhất bằng chỉ tiêu ủy ban nhân dân tỉnh giao trở lên (500 lao động); mỗi huyện, thị xã, thành phố tổ chức tư vấn mỗi quý ít nhất một lần; tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng mỗi tháng ít nhất 2 lần.
Bên cạnh đó, mỗi bên tùy theo chức năng, nhiệm vụ sẽ cam kết trách nhiệm cụ thể để vừa tuyên truyền cho người dân vừa giúp lao động hoàn thành sớm các thủ tục, nhất là việc tiếp cận vốn vay đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; bảo đảm mức lương, thu nhập cho người lao động theo quy định…
Ngoài ra, ngành chức năng tiếp tục nghiên cứu, xem xét, đề xuất tiếp tục đàm phán mở rộng thông tin thị trường lao động tại các nước phát triển để người lao động tiếp cận được đa dạng hơn.
Ngành chức năng cũng đưa ra đề xuất cần mở rộng đối tượng cho vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội để đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài trong trường hợp người lao động không phải đối tượng chính sách theo quy định hiện hành; ban hành quy định cụ thể, chặt chẽ đối với doanh nghiệp đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài thực hiện đầy đủ các quy định của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.../.