Đẩy mạnh đô thị hóa, đánh thức tiềm năng phát triển của Cà Mau

(BKTO) - Cà Mau phấn đấu tỷ lệ đô thị hoá đến năm 2030 là 50,56%, dựa trên những tác động từ nội lực của tỉnh như việc hình thành Khu kinh tế (KTT) Năm Căn, Khu công nghiệp Khánh An, Khu công nghiệp Khí - Ðiện - Ðạm, Khu công nghiệp Sông Ðốc, Khu công nghiệp Hoà Trung…




Thành phố Cà Mau hướng đến chuẩn đô thị loại I vào năm 2025. Ảnh: baocamau.com.vn

Công tác quy hoạch và phát triển đô thị khu vực Ðồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) thời gian qua khá đồng bộ, kết cấu hạ tầng đô thị được quan tâm đầu tư, hoàn thiện. Ðến nay, toàn vùng ÐBSCL có 191 đô thị, gồm 3 đô thị loại I, 12 đô thị loại II, 10 đô thị loại III, 22 đô thị loại IV và 144 đô thị loại V. Tỷ lệ đô thị hoá toàn vùng đạt 32,5%.

Thành phố Cà Mau là 1 trong 12 đô thị loại II được xem là vùng kinh tế trọng điểm cùng với các thành phố cùng cấp như: Châu Ðốc, Rạch Giá, Phú Quốc, Bạc Liêu, Trà Vinh… tạo thành chuỗi đô thị động lực, thúc đẩy phát triển toàn diện vùng ÐBSCL. Bên cạnh đó, các tác động từ hành lang kinh tế quốc tế, quốc gia như: trục đường Xuyên Á, trục hành lang ven biển Tây, tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, Quốc lộ 1, các khu vực kinh tế ven biển, vùng kinh tế trọng điểm vùng ÐBSCL là các yếu tố then chốt thúc đẩy sự phát triển của vùng ĐBSCL nói chung và Cà Mau nói riêng.

Từ năm 2009 đến nay, Thành phố Cà Mau cùng với các thành phố Cần Thơ, Rạch Giá, Trà Vinh, Cao Lãnh và Mỹ Tho đã tiến hành thực hiện Dự án nâng cấp đô thị vùng ÐBSCL do Ngân hàng Thế giới tài trợ với tổng nguồn vốn thực hiện cho cả 6 thành phố là 292 triệu USD. Trong đó, tiểu dự án Thành phố Cà Mau là một trong những dự án có tác động sâu và rộng đến khu vực có thu nhập thấp, nâng cấp hạ tầng của các tuyến hẻm trên địa bàn TP Cà Mau.

Dự án đã đầu tư, nâng cấp, mở rộng 205 tuyến đường, hẻm với chiều dài trên 52.000m; đầu tư xây dựng mới gần 3.000m đường và kè ven sông; xây dựng mới và nâng cấp, sửa chữa 14 điểm trường học; xây dựng mới 8 trụ sở sinh hoạt cộng đồng, 4 công viên cây xanh, 2 khu chợ, 5 điểm trung chuyển rác... Những kết quả này mang lại cho hơn 76.000 người nghèo ở đô thị Thành phố Cà Mau được hưởng lợi trực tiếp và hơn 155.000 người hưởng lợi gián tiếp.

Cà Mau đặt mục tiêu chiến lược cho giai đoạn tiếp theo là đẩy nhanh quá trình đô thị hoá, xây dựng hệ thống đô thị trên toàn vùng, liên kết hỗ trợ giữa các vùng đô thị trong vùng tỉnh. Đồng thời, đẩy mạnh đầu tư phát triển đô thị hạt nhân Thành phố Cà Mau, đô thị Năm Căn, Sông Ðốc - 3 đô thị động lực về kinh tế, phát triển đô thị của tỉnh; phát huy vai trò vị thế của Thành phố Cà Mau, là hạt nhân của tiểu vùng phía Nam vùng ÐBSCL.

Từ định hướng quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050, tỷ lệ đô thị hoá của Cà Mau sẽ tăng mạnh trong thời gian tới. Hơn nữa, việc thành lập thị xã Năm Căn và thị xã Sông Ðốc trong tương lai sẽ giúp các ngành thương mại - dịch vụ, giáo dục - đào tạo, giải trí - du lịch cấp vùng tại Cà Mau phát huy hết tiềm năng.

Tiềm năng lớn với các tuyến đường trọng điểm như: trục hành lang Quốc lộ 1 đi xuyên qua trung tâm Thành phố Cà Mau về đến Năm Căn, kết nối với Thành phố Bạc Liêu, Thành phố Sóc Trăng, trục Quản Lộ - Phụng Hiệp nối Thành phố Cà Mau với Thành phố Cần Thơ, Quốc lộ 63 nối Thành phố Cà Mau với Thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang... hứa hẹn đưa Cà Mau tiến xa trong chuỗi phát triển đô thị. Ngoài ra, hành lang kinh tế biển, ven biển cũng hứa hẹn nhiều khả năng kết nối các KKT trọng điểm của Cà Mau và vùng ÐBSCL với đường biển quốc tế và quốc gia./.

THÙY LÊ
Cùng chuyên mục
Đẩy mạnh đô thị hóa, đánh thức tiềm năng phát triển của Cà Mau