Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước

(BKTO) - Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 04/NQ-CP về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước.



                
   

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

   

Nghị quyết nêu rõ: Đẩy mạnh và hoàn thiện cơ chế phân cấp, phân quyền nhằm phân định rõ nhiệm vụ và quyền hạn, thẩm quyền và trách nhiệm giữa Chính phủ với các Bộ, ngành; giữa Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành với chính quyền địa phương, bảo đảm phát huy tính chủ động, sáng tạo, đề cao tinh thần trách nhiệm của từng cấp, từng ngành, nhất là người đứng đầu…

Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, xác định rõ trách nhiệm

Để phát huy các kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế trong phân cấp, phân quyền, cần rà soát, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các quy định của pháp luật chuyên ngành, theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, xác định rõ trách nhiệm giữa Chính phủ với các Bộ, ngành, giữa Chính phủ, các Bộ, ngành với chính quyền địa phương, bảo đảm phù hợp với tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, quy định của Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019).

Trong đó: Chính phủ tập trung vào quản lý vĩ mô, xây dựng thể chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch; tăng cường năng lực dự báo, phân tích và đề xuất chính sách. Thủ tướng Chính phủ lãnh đạo công tác của Chính phủ; lãnh đạo việc xây dựng chính sách và tổ chức thi hành pháp luật. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ chịu trách nhiệm quản lý Nhà nước về ngành, lĩnh vực được phân công; tổ chức thi hành và theo dõi việc thi hành pháp luật liên quan đến ngành, lĩnh vực trong phạm vi cả nước.

Theo đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ không quyết định các vấn đề cụ thể thuộc trách nhiệm của các Bộ, ngành theo phân công của Chính phủ và những vấn đề thuộc trách nhiệm của chính quyền địa phương trong phạm vi đã được phân cấp, phân quyền.

Cụ thể, hoàn thiện các quy định phân quyền quản lý nhà nước giữa Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành và chính quyền địa phương theo ngành, lĩnh vực:

Ngành, lĩnh vực kế hoạch và đầu tư: Đầu tư; đầu tư công; đầu tư theo phương thức đối tác công tư; đấu thầu, thống kê. Ngành, lĩnh vực tài chính: Tài chính - NSNN; quản lý giá; quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại DN.

Ngành, lĩnh vực giao thông vận tải: Đường bộ; đường sắt; hàng không. Ngành, lĩnh vực xây dựng: Nhà ở. Ngành, lĩnh vực tài nguyên và môi trường: Đất đai; khoáng sản; biến đổi khí hậu.

Ngành, lĩnh vực thông tin và truyền thông: Chính phủ số; công nghiệp công nghệ số; giao dịch điện tử và kinh tế số; báo chí; tần số vô tuyến điện. Ngành, lĩnh vực lao động - thương binh và xã hội: Bảo hiểm xã hội. Ngành, lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch: Điện ảnh; di sản văn hóa.

Ngành, lĩnh vực khoa học và công nghệ: Công nghệ cao. Ngành, lĩnh vực y tế: Dân số; y tế dự phòng; khám chữa bệnh (tổ chức thi và cấp chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh); an toàn thực phẩm; bảo hiểm y tế. Ngành, lĩnh vực thanh tra: Thanh tra.

Hoàn thiện các quy định về phân cấp quản lý nhà nước giữa Chính phủ với các Bộ, cơ quan ngang Bộ theo ngành, lĩnh vực:

Ngành, lĩnh vực kế hoạch và đầu tư: Hỗ trợ phát triển chính thức và vốn vay ưu đãi nước ngoài (ODA). Ngành, lĩnh vực tài nguyên và môi trường: Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.

Ngành, lĩnh vực văn hóa: Văn hóa. Ngành, lĩnh vực đối ngoại: Lãnh sự. Ngành, lĩnh vực tư pháp: Hợp tác quốc tế về pháp luật. Ngành, lĩnh vực thanh tra: Kiểm soát quyền lực.

Hoàn thiện các quy định về phân cấp quản lý nhà nước giữa Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ, cơ quan ngang bộ với chính quyền địa phương theo ngành, lĩnh vực:

Ngành, lĩnh vực kế hoạch và đầu tư: ODA; phát triển liên kết vùng. Ngành, lĩnh vực tài chính: Tài chính - NSNN; tín dụng đầu tư. Ngành, lĩnh vực công thương: Công nghiệp.

Ngành, lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn: Chăn nuôi; lâm nghiệp. Ngành, lĩnh vực giao thông vận tải: Đường bộ (đường cao tốc, đường quốc lộ); đường sắt; đường thủy nội địa; an toàn giao thông; hàng không; kết cấu hạ tầng giao thông; vận tải; quản lý phương tiện, thiết bị tham gia giao thông.

Ngành, lĩnh vực xây dựng: Hoạt động đầu tư xây dựng; phát triển đô thị; quản lý chất lượng công trình xây dựng. Ngành, lĩnh vực tài nguyên và môi trường: Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo. Ngành, lĩnh vực thông tin và truyền thông: Bưu chính, viễn thông; tần số vô tuyến điện. Ngành, lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch: Gia đình; văn hóa cơ sở.

Ngành, lĩnh vực khoa học và công nghệ: Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật; tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa; hoạt động khoa học và công nghệ. Ngành, lĩnh vực giáo dục và đào tạo: Giáo dục. Ngành, lĩnh vực y tế: Dược. Ngành, lĩnh vực nội vụ: Tổ chức bộ máy. Ngành, lĩnh vực thanh tra: Kiểm soát quyền lực.

Gắn phân cấp, phân quyền với việc đẩy mạnh cải cách hành chính

Rà soát, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của các Bộ, ngành và địa phương, gắn phân cấp, phân quyền với việc tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính, ưu tiên bảo đảm các nguồn lực đẩy nhanh việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, phấn đấu năm 2022 đạt 100% các thủ tục đủ điều kiện đạt mức độ 4, nâng cao chất lượng công vụ, công chức và cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chính trị trong tình hình mới…

Hoàn thiện cơ chế kiểm soát giá, phí đối với các dịch vụ công thuộc ngành, lĩnh vực

Hoàn thiện các quy định về quy hoạch, tiêu chuẩn, quy chuẩn, tiêu chí, điều kiện, định mức kinh tế - kỹ thuật, cơ chế kiểm soát giá, phí đối với các dịch vụ công thuộc ngành, lĩnh vực. Trên cơ sở đó, phân cấp trong giải quyết thủ tục hành chính bảo đảm hoàn thành chỉ tiêu được giao; tiếp tục rà soát, đơn giản hóa, loại bỏ các thủ tục thỏa thuận, chấp thuận, xin ý kiến, cho phép của cơ quan Nhà nước cấp trên đối với những vấn đề đã được quản lý trên cơ sở quy hoạch và xác định rõ tiêu chuẩn, quy chuẩn tiêu chí, điều kiện, định mức kinh tế - kỹ thuật và đã được phân cấp, phân quyền quản lý.

Hoàn thiện cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo chủ trương của Bộ Chính trị để phát triển các địa phương này trở thành động lực tăng trưởng kinh tế của vùng, miền, đặc biệt là các địa phương tự bảo đảm ngân sách.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực đối với các cơ quan quản lý Nhà nước từ Trung ương đến địa phương trong việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo phân cấp, phân quyền.../.
HỒNG NHUNG
Cùng chuyên mục
Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước