Đẩy mạnh phục hồi sản xuất nông nghiệp sau thiên tai

(BKTO) - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đề xuất UBND Thành phố cấp bổ sung nguồn quỹ hỗ trợ nông dân, ngân hàng chính sách để cho vay phát triển sản xuất kinh doanh...

lua-100924.jpg
Cơn bão số 3 gây thiệt hại nặng  cho sản xuất nông nghiệp. Ảnh: TTXVN

Thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp hơn 2.286 tỷ đồng

Thông tin tại cuộc họp về Kế hoạch khắc phục hậu quả, phục hồi sản xuất nông nghiệp sau cơn bão số 3; tăng cường hoạt động kết nối cung cầu, đảm bảo cung ứng hàng hóa, bình ổn thị trường đến cuối năm 2024 và phục vụ Tết Nguyên đán 2025, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết, ước tính thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp sau cơn bão số 3 và mưa lũ sau bão là trên 2.286 tỷ đồng.

Cụ thể: trồng trọt thiệt hại khoảng 1.956 tỷ đồng; chăn nuôi ước thiệt hại 31,8 tỷ đồng, thủy sản ước thiệt hại 298,9 tỷ đồng. Bão số 3 cũng gây ra 32 sự cố sạt lở liên quan đến đê điều, ảnh hưởng đến đê điều, bờ bãi sông; gây ra 151 sự cố công trình thủy lợi.

Để thực hiện kế hoạch phục hồi, phát triển sản xuất nông nghiệp sau bão, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đã rà soát, đánh giá thiệt hại và triển khai các thủ tục để thực hiện hỗ trợ theo quy định tại Nghị định số 02/2017/NĐ-CP và Quyết định số 07/2019/QĐ-UBND; Chỉ đạo thực hiện các biện pháp kỹ thuật khắc phục giảm thiểu thiệt hại đối với sản xuất vụ mùa.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đề xuất UBND Thành phố cấp bổ sung nguồn quỹ hỗ trợ nông dân, ngân hàng chính sách để cho vay phát triển sản xuất kinh doanh, trong đó ưu tiên các đối tượng bị thiệt hại có nhu cầu vay để phục hồi và phát triển sản xuất; kịp thời bố trí kinh phí để khắc phục các công trình đê điều, thủy lợi phục vụ ổn định đời sống nhân dân và phát triển sản xuất…

Xử lý ngay, hỗ trợ kịp thời

Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền nhấn mạnh, khắc phục hậu quả, phục hồi sản xuất nông nghiệp sau cơn bão số 3 là nhiệm vụ chính trị của Thành phố nên cần phải có những phương án xử lý ngay, hỗ trợ kịp thời cho bà con, cũng như các tổ chức, doanh nghiệp.

Theo đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp cùng với các Sở: Kế hoạch, Tài chính và Văn phòng UBND Thành phố tập trung cao độ hoàn thiện báo cáo đánh giá tổng quan về thiệt hại, kế hoạch phục hồi sản xuất, mục tiêu, giải pháp từ nay cho đến năm 2025… để báo cáo tại cuộc họp Thường trực Thành ủy tới đây.

Về phương án hỗ trợ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp cùng Sở Tài chính rà soát lại các địa phương. Về phía các địa phương cũng cần chủ động rà soát ngay các đối tượng được hỗ trợ theo quy định tại Nghị định số 02/2017/NĐ-CP và Quyết định số 07/2019/QĐ-UBND.

Đối với các dự án xử lý khẩn cấp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp các sở ngành liên quan cử người tham gia thiết lập các hồ sơ xử lý khẩn cấp theo đúng quy định của luật, giải quyết nhanh, đúng đối tượng, đúng quy trình. Về nhóm đầu tư cải tạo nâng cấp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các sở ngành liên quan sắp xếp theo thứ tự ưu tiên, bổ sung vào kế hoạch 2025 kịp thời.

Đối với các Quỹ, ngân hàng chính sách, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Mạnh Quyền đề nghị rà soát lại toàn bộ tổng thể trên cơ sở nhu cầu thực tiễn, có báo cáo; trên cơ sở đó, các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Kế hoạch và Văn phòng UBND Thành phố tổng hợp thành gói hỗ trợ chung trong giai đoạn thời gian từ nay đến cuối năm 2024 và năm 2025./.

Để chủ động nguồn hàng hóa phục vụ nhân dân trên địa bàn trước ảnh hưởng của cơn bão số 3, Sở Công Thương Hà Nội chỉ đạo các doanh nghiệp làm việc với các nhà cung cấp để đẩy mạnh lượng cung ứng hàng hóa, trong đó các mặt hàng thực phẩm tươi sống, rau xanh, củ quả tăng gấp 2 so với ngày bình thường. Khi Thành phố bị ảnh hưởng do mưa bão gây úng ngập, các doanh nghiệp tăng cường vận chuyển hàng hóa liên tục đến các điểm bán, triển khai các kênh bán hàng trực tuyến, tăng cường thời gian mở cửa phục vụ người dân.

Đối với mặt hàng rau củ, do nguồn cung, giá bán bị ảnh hưởng do mưa bão, úng ngập khiến nhiều diện tích rau màu bị hư hỏng, thu hoạch vận chuyển khó khăn. Các doanh nghiệp đã tăng cường khai thác thêm từ các tỉnh phía Nam, Đà Lạt, tăng số chuyến hàng vận chuyển và tăng số lượng hàng hóa mỗi chuyến để bổ sung ngay lượng hàng còn thiếu phục vụ nhân dân.

Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Kiều Oanh

Cùng chuyên mục
Đẩy mạnh phục hồi sản xuất nông nghiệp sau thiên tai