Để các phiên đấu thầu vàng hấp dẫn hơn

(BKTO) - Giá vàng SJC liên tục lập đỉnh và cách biệt với giá vàng thế giới trong lúc các phiên đấu thầu vàng đang diễn ra.

Cuối ngày 03/5, giá vàng miếng SJC được Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết mua vào 83,5 triệu đồng/lượng, bán ra 85,8 triệu đồng/lượng, tăng 600.000 đồng so với hôm trước. Đáng chú ý, giá vàng miếng SJC tiếp tục lập đỉnh lịch sử ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thông báo hủy phiên đấu thầu vàng thứ 4 vào sáng cùng ngày do chỉ có 1 đơn vị tham gia.

Liên tiếp hủy đấu thầu

Diễn biến này gần như lặp lại những gì đã xảy ra ở 3 phiên đấu thầu trước đó. Cụ thể, trong 3 phiên gọi thầu trước, chỉ có phiên ngày 23/4 được diễn ra với 2 đơn vị trúng thầu tổng cộng 3.400 lượng vàng miếng, 2 phiên còn lại đều thất bại do không đủ số lượng thành viên tham gia.

Tuy nhiên, dù có diễn ra hay không thì sau khi NHNN công bố kết quả, giá vàng miếng trên thị trường đều bật tăng khá mạnh. Điều này khiến khoảng cách giữa vàng SJC và vàng thế giới liên tục giãn rộng, hiện đã lên tới 15 triệu đồng/lượng.

Trước đó, khi giá vàng trong nước, đặc biệt là vàng SJC liên tục tăng giá và bỏ xa giá vàng thế giới lên tới 17-18 triệu đồng/lượng, nguồn cung khan hiếm, Thủ tướng Chính phủ đã có những chỉ đạo quyết liệt, yêu cầu các bộ, ngành và NHNN triển khai ngay các giải pháp bình ổn thị trường vàng, xử lý tình trạng chênh lệch giữa giá vàng trong nước và vàng thế giới. NHNN sau đó đã thông báo tổ chức lại các phiên đấu thầu vàng sau 11 năm gián đoạn, mục đích là để tăng nguồn cung vàng ra thị trường.

Sau những chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ và thông báo về việc tổ chức đấu thầu vàng miếng của NHNN, giá vàng miếng đã liên tục hạ nhiệt và thu hẹp chênh lệch với giá thế giới xuống chỉ còn khoảng 9-10 triệu đồng/lượng, thấp nhất trong nhiều năm.

Tuy nhiên, sau khi các phiên đấu thầu được tổ chức nhưng hầu hết thất bại hoặc bị ế, giá vàng SJC lại liên tục lập kỷ lục mới, đồng thời nới rộng khoảng cách với giá vàng thế giới. Diễn biến của thị trường vàng khiến dư luận và nhà đầu tư hết sức băn khoăn. Vì sao các phiên đấu thầu thất bại? Vì sao càng gọi thầu thì giá lại càng tăng? Vì sao giá tham chiếu NHNN đưa ra lại cao hơn thế giới tới cả chục triệu đồng mỗi lượng?

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, lãnh đạo một số công ty vàng, NH thương mại đều nói rất quan tâm tới các phiên đấu thầu vàng nhưng họ không nộp hồ sơ đấu thầu vì giá khởi điểm đấu thầu còn cao so với giá thị trường và khối lượng đấu thầu tối thiểu của một thành viên cũng quá cao, lên tới 1.400 lượng.

Lãnh đạo một NH thương mại nói rằng hiện quy mô giao dịch vàng miếng tại NH ông chỉ khoảng 200-300 lượng/ngày (tương đương khoảng 17-25 tỉ đồng). Nếu đấu thầu tối thiểu 1.400 lượng trong 1 phiên làm sao tiêu thụ hết lượng vàng này? Giá vàng thế giới biến động hằng ngày, hằng giờ với biên độ rộng, trồi sụt thất thường, giá vàng miếng SJC cũng tăng giảm có ngày lên tới cả triệu đồng. Nếu vừa đấu thầu xong, giá vàng SJC lao dốc sẽ gây thiệt hại cho NH.

Để các phiên đấu thầu vàng hấp dẫn hơn- Ảnh 1.

Giá vàng miếng SJC đã lên gần 86 triệu đồng/lượng vào chiều 3-5. Ảnh: TẤN THẠNH

Giảm bớt khối lượng và giá tham chiếu

Lãnh đạo một công ty vàng lớn cũng giải thích công ty ông rất muốn tham gia đấu thầu vàng miếng để đáp ứng nhu cầu của khách hàng nhưng con số 1.400 lượng cho mỗi lần đấu thầu là khá lớn so với quy mô giao dịch mỗi ngày của công ty ông, trong khi giá vàng thế giới hiện nay biến động rất khó lường.

"Nếu giảm khối lượng đấu thầu tối thiểu của một thành viên xuống còn khoảng 400-500 lượng, có thể sẽ thu hút nhiều đơn vị tham gia hơn" - chuyên gia vàng Trần Duy Phương nhận định.

Phóng viên Báo Người Lao Động đã liên hệ với đại diện NHNN để trao đổi về những băn khoăn của dư luận liên quan đến các phiên đấu thầu vàng, những điểm chưa hợp lý được các đơn vị phản ánh nhưng chưa nhận được câu trả lời.

Trong khi đó, ông Huỳnh Trung Khánh - Cố vấn Hội đồng Vàng thế giới tại Việt Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam - cho rằng việc tổ chức các phiên đấu thầu vàng miếng nhằm tăng nguồn cung cho thị trường là biện pháp cần thiết trong ngắn hạn để hạ nhiệt giá vàng. Tuy nhiên, muốn đấu thầu thành công và khuyến khích nhiều đơn vị tham gia phải hạ giá khởi điểm xuống mức hấp dẫn hơn thay vì để giá cao như vừa qua.

"Muốn kéo giá vàng xuống thì cần đưa giá khởi điểm xuống thấp so với giá thị trường, có thể thấp hơn giá mua vào của các công ty vàng mới thu hút được các đơn vị tham gia" - ông Khánh nói.

Chuyên gia này cũng nhìn nhận đấu thầu vàng chỉ là giải pháp trước mắt giúp ổn định tâm lý thị trường nhiều hơn. Giải pháp căn cơ đối với thị trường vàng là phải sớm sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý thị trường vàng.

Chuyên gia kinh tế - TS. Nguyễn Trí Hiếu đề xuất nhà nước cần trao lại việc nhập khẩu vàng cho các đơn vị kinh doanh vàng có thương hiệu, có uy tín, dưới sự kiểm soát của cơ quan quản lý.

Đồng thời, cần bỏ độc quyền thương hiệu vàng miếng SJC đã duy trì từ nhiều năm nay và cho phép một số thương hiệu vàng miếng khác cùng tham gia thị trường, từ đó tạo sự cạnh tranh bình đẳng.

Một chuyên gia kinh tế lập luận quy mô thị trường vàng miếng SJC hiện tại không lớn. Đơn cử tại mỗi NH, công ty vàng lớn quy mô giao dịch chỉ vài trăm lượng - rất nhỏ so với các mảng kinh doanh khác. Còn thực tế quy mô thị trường vàng miếng hiện tại là bao nhiêu? Giá vàng SJC tăng giảm mỗi ngày tác động tới thị trường vàng ra sao?

NHNN, Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam và các đơn vị liên quan cần có những nghiên cứu, thống kê, khảo sát để có dữ liệu đúng, đủ về quy mô thị trường vàng miếng, loại vàng nào (vàng SJC hay vàng nhẫn, vàng trang sức) đang chiếm thị phần đa số trên thị trường? Từ đó có giải pháp phù hợp, đưa vào nội dung sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý thị trường vàng. 

Thanh tra ngay thị trường vàng

Tại Chỉ thị số 14 ban hành ngày 2/5 về triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024, tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu NHNN thực hiện ngay công tác thanh tra, kiểm tra đối với thị trường vàng, hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh vàng, các cửa hàng, đại lý phân phối và mua bán vàng miếng, kiện toàn hệ thống thanh tra, kiểm tra từ trung ương đến địa phương.

Trong khi đó, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) thông tin trong 4 tháng đầu năm 2024, lực lượng QLTT trên cả nước đã phát hiện 145 vụ vi phạm tại cửa hàng vàng, tổng trị giá hàng hóa vi phạm gần 6,8 tỉ đồng, xử phạt vi phạm hành chính gần 3 tỉ đồng.

Theo Tổng cục QLTT, một trong những vi phạm được phát hiện nhiều nhất trong thời gian qua là các cửa hàng vàng bán trang sức có dấu hiệu giả mạo nhiều thương hiệu nổi tiếng.

Các vi phạm giả mạo nhãn hiệu đối với mặt hàng trang sức phổ biến được phát hiện thời gian qua là chạm trổ lên trang sức các nhãn hiệu đang được bảo hộ, chế tác các bộ phận của trang sức chứa nhãn hiệu đang được bảo hộ.

Cùng chuyên mục
Để các phiên đấu thầu vàng hấp dẫn hơn