
Điều trăn trở khi luân chuyển cán bộ
Hiện nay, ngoài các đơn vị tham mưu, sự nghiệp, chuyên ngành, KTNN còn có 13 khu vực, đặt trụ sở tại các tỉnh, thành khác nhau trên cả nước. Tới đây, khi các địa phương sắp xếp, sáp nhập, KTNN sẽ tiếp tục rà soát chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị trực thuộc, đặc biệt là các KTNN khu vực để nghiên cứu, sắp xếp lại, đảm bảo thống nhất, tinh gọn, phù hợp với tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Mặt khác, thời gian qua, Bộ Chính trị đã ban hành một số quy định đề cao chuẩn mực, đạo đức của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới; chú trọng việc kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động thanh tra, kiểm toán. Đồng thời, Đảng, Nhà nước đã và đang đặt ra những yêu cầu ngày càng cao đối với KTNN, đặc biệt là trong công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Để thực hiện những yêu cầu này, cán bộ, kiểm toán viên phải vừa “hồng” vừa “chuyên” - “tinh thông nghiệp vụ” và có phẩm chất đạo đức tốt. Do đó, Đảng ủy, lãnh đạo KTNN hết sức quan tâm tới việc xây dựng đội ngũ cán bộ thật sự phụng sự và phục vụ nhằm thực hiện các quy định của Bộ Chính trị cũng như yêu cầu của Đảng, Nhà nước. Một trong những giải pháp quan trọng để KTNN thực hiện tốt các quy định, nhiệm vụ này là luân chuyển, điều động và chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức, viên chức.
Phải nói thêm rằng, công tác này đã được KTNN thực hiện thường xuyên, liên tục từ năm 2011 đến nay với nguyên tắc: Một người không làm việc quá 3-5 năm tại một vị trí, nhất là các vị trí trực tiếp kiểm toán. Hằng năm, trung bình mỗi đơn vị trực thuộc có khoảng 30% tổng biên chế sẽ thực hiện luân chuyển.
Riêng nhiệm kỳ 2020-2025, KTNN đã điều động, luân chuyển 377 lượt công chức, viên chức giữa các đơn vị trực thuộc, chuyển đổi vị trí công tác 1.018 lượt công chức, viên chức trong nội bộ các đơn vị, biệt phái 6 công chức để tăng cường cho các đơn vị khó khăn trong công tác tuyển dụng. KTNN đã điều động, luân chuyển đối với lãnh đạo cấp Vụ có thời gian giữ chức vụ trên 5 năm tại các đơn vị trực thuộc và cán bộ trẻ để bồi dưỡng, rèn luyện, tạo nguồn cán bộ lâu dài của KTNN.
Có thể nói, với quyết tâm chính trị cao, luân chuyển vị trí làm việc đã trở thành nhiệm vụ thường xuyên, liên tục trong toàn Ngành. Tuy nhiên, thực tiễn của công tác này cũng đang đặt ra vấn đề: Làm sao để cán bộ luân chuyển, điều động yên tâm công tác? Đây cũng là điều trăn trở, canh cánh của lãnh đạo KTNN và là tâm tư của không ít công chức từng thuộc diện luân chuyển, điều động.
Ông Ngô Minh Kiểm - Kiểm toán trưởng KTNN khu vực I - nhớ lại năm 2012, ông là một trong những cán bộ đầu tiên thuộc diện luân chuyển tới KTNN khu vực II. Khi đó, ông phải ở tại phòng làm việc, rất bất tiện trong thực thi công vụ và ổn định sinh hoạt. Sau này, một số đơn vị có tận dụng lại tầng áp mái, một số khoảng trống của trụ sở để sửa chữa, lắp ghép vách kính ngăn thành các phòng để ở. Tuy nhiên, điều kiện sinh hoạt rất chật hẹp, thiếu nhiều tiện ích.
Từng nhiều lần thực hiện quy định về luân chuyển, ông Lê Đình Thăng - Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành II - chia sẻ, KTNN phải thường xuyên luân chuyển cán bộ giữa các đơn vị chuyên ngành và khu vực, cũng như giữa các KTNN khu vực. Tuy nhiên, do các KTNN khu vực cách xa nhau, trong khi gia đình cán bộ ở vị trí cố định nên cán bộ luân chuyển gặp khó khăn về điều kiện sinh hoạt. Chưa kể, dù lương không thay đổi nhưng cán bộ luân chuyển phải gánh thêm chi phí thuê nhà, đi lại, gây áp lực tài chính và phần nào ảnh hưởng đến cuộc sống và công việc.
Để phục vụ việc luân chuyển cán bộ, thực hiện tinh gọn bộ máy, cần một cơ chế nhà ở linh hoạt cho cán bộ, công chức, viên chức không phải là người địa phương nhưng làm việc ở các cơ quan chủ chốt ở địa phương. Nhà nước phải đầu tư, có chính sách động viên cán bộ thuộc diện luân chuyển để họ yên tâm làm việc trong khi lương không tăng. Theo đó, trong chương trình 1 triệu căn nhà ở xã hội, cần tách ra khoảng 50 nghìn căn hộ ở các địa phương để phục vụ cán bộ luân chuyển.
Đối với KTNN, việc xây dựng khu vực lưu trú bên cạnh khu vực làm việc tại các KTNN khu vực là giải pháp cần được tính đến nhằm tạo điều kiện về nơi ở cho cán bộ luân chuyển, điều động.
TS. Nguyễn Đức Kiên - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Nguyên Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ
Cơ sở pháp lý và yêu cầu cấp thiết
Từ thực tiễn công tác luân chuyển, điều động, ông Lê Đình Thăng cho rằng, việc đảm bảo cơ sở lưu trú cho cán bộ luân chuyển không chỉ giúp thực hiện hiệu quả các quy định của Đảng và Nhà nước mà còn tạo sự đồng thuận trong đội ngũ cán bộ, công chức. Đây cũng là mong mỏi chung của nhiều kiểm toán trưởng. Theo ông Dương Quang Chính - Kiểm toán trưởng KTNN khu vực II, việc xây dựng cơ sở lưu trú không chỉ giải quyết khó khăn trước mắt cho cán bộ luân chuyển mà còn mang tính chiến lược, đảm bảo tính độc lập, sự ổn định lâu dài cho hoạt động của KTNN.
Ông Vũ Khánh Toàn - Kiểm toán trưởng KTNN khu vực VI - cũng cho rằng, việc xây dựng khu lưu trú trong khuôn viên trụ sở KTNN khu vực sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ yên tâm công tác, góp phần thực hiện hiệu quả Quy định số 131 ngày 27/10/2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán.
Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2025 và các hội nghị toàn Ngành khác của KTNN, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn từng nhiều lần bày tỏ sự trăn trở và mong muốn sớm có chính sách phù hợp về cơ sở lưu trú cho cán bộ luân chuyển. “Điều này không chỉ tạo thuận lợi để cán bộ luân chuyển yên tâm công tác mà còn góp phần đảm bảo chất lượng hoạt động kiểm toán, thực hiện được mục tiêu và yêu cầu của công tác luân chuyển cán bộ”- Tổng Kiểm toán nhà nước nhấn mạnh.
Không chỉ là vấn đề đặt ra từ thực tiễn, việc tạo điều kiện cho cán bộ luân chuyển yên tâm công tác cũng phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành. Điều 11 Quy định số 65-QĐ/TW ngày 28/4/2022 của Bộ Chính trị về luân chuyển cán bộ nêu rõ: “Cơ quan nơi đến thực hiện chế độ, chính sách, bố trí nơi ở, hỗ trợ đi lại, sinh hoạt phí (nếu có) đối với cán bộ luân chuyển”.
Điều 11 Luật Cán bộ, công chức quy định: “Quyền của cán bộ, công chức được bảo đảm các điều kiện thi hành công vụ”. Cũng tại Luật này, Điều 14 có nội dung: “Cán bộ, công chức được bảo đảm quyền học tập, nghiên cứu khoa học, tham gia các hoạt động kinh tế, xã hội; được hưởng chính sách ưu đãi về nhà ở”.
Điều 41 Luật Nhà ở quy định: “Cơ quan Trung ương có trách nhiệm xác định nhu cầu về nhà ở công vụ và nội dung quy định tại các điểm a, b và c khoản 5 Điều này của cơ quan mình hoặc của ngành mình nếu thuộc diện quản lý theo hệ thống ngành dọc gửi Bộ Xây dựng để thẩm định và xây dựng kế hoạch phát triển nhà ở công vụ giai đoạn 05 năm của các cơ quan trung ương trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt”.
Như vậy, thực tiễn cũng như cơ sở pháp lý đã đặt ra yêu cầu hết sức cần thiết của việc bố trí nơi ở, tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ luân chuyển yên tâm công tác. Theo TS. Nguyễn Đức Kiên - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Nguyên Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ và các chuyên gia, đây không chỉ là vấn đề riêng của KTNN mà còn là bài toán cần được các bộ, ngành, địa phương tính đến khi thực hiện sắp xếp, sáp nhập, tinh gọn tổ chức bộ máy hiện nay./.