Để kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế

(BKTO) - Thời gian qua, kinh tế tư nhân (KTTN) liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá, đóng góp hơn 43% trong cơ cấu GDP, thu hút khoảng 85% lực lượng lao động và tạo khoảng 1,2 triệu việc làm/năm. Tuy nhiên, một số rào cản vẫn còn tồn tại khiến KTTN vẫn chưa thực sự trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế như kỳ vọng.




KTTN liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá -Ảnh minh họa


Kinh tế tư nhân đông nhưng chưa mạnh

Hàng loạt rào cản gây ảnh hưởng đến sự phát triển của KTTN được TS. Hoàng Đức Long - Hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính - Marketing - chỉ ra tại Hội thảo: “Tài chính - kế toán thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển nhanh và bền vững” mới đây. Đó là: môi trường pháp lý đối với khu vực KTTN chưa hoàn thiện, nhiều quy định chưa đầy đủ, thiếu nhất quán và chồng chéo; một số chính sách quy định chỉ đề cập đến DNNN mà chưa đề cập đến DN tư nhân. Ngoài ra, năng lực sản xuất công nghiệp của khu vực KTTN còn yếu, phần lớn là gia công lắp ráp, sử dụng máy móc, thiết bị và nguyên liệu nhập khẩu, các công đoạn sản xuất đưa lại giá trị gia tăng cao phần lớn được thực hiện bởi đối tác nước ngoài.

Trình độ công nghệ của khu vực này cũng là một điểm yếu lớn. Các DN không có khả năng kết nối cũng như tham gia ngành công nghiệp hỗ trợ cho các DN lớn, nhất là không thể tận dụng được hiệu ứng lan tỏa từ các DN FDI đang tăng trưởng nhanh. “Ngay cả ở thị trường trong nước, dưới sức ép cạnh tranh gay gắt, các DN tư nhân lớn có xu hướng rút khỏi các ngành sản xuất công nghiệp, nhường lại sân chơi cho các DN nước ngoài. Sự rút lui này cũng diễn ra trong một số lĩnh vực dịch vụ được ưu tiên và có nhiều tiềm năng của nền kinh tế như: phân phối, bán lẻ” - TS. Hoàng Đức Long nhận định.

TS. Nguyễn Minh Phong cũng đánh giá, dù số lượng DN thành lập nhiều nhưng khả năng trụ vững và phát triển hiệu quả còn thấp, gia tăng số lượng chưa gắn với sự đột phá về chất lượng phát triển. Đa số DN thuộc khu vực này đang đối diện với nhiều khó khăn và hạn chế về điều kiện đất đai, mặt bằng sản xuất kinh doanh, nguồn vốn, năng lực đổi mới, cơ hội tiếp cận khoa học công nghệ, thông tin thị trường, áp lực tâm lý xã hội và thủ tục quản lý nhà nước. Bên cạnh đó, sự phân tầng trình độ công nghệ đang diễn ra trong từng ngành và nhiều DN; công nghệ lạc hậu, trung bình và tiên tiến cùng đan xen tồn tại; công nghệ tiên tiến, hiện đại chỉ tập trung ở một số ít DN, lĩnh vực khiến sự phát triển của khối KTTN chưa đồng bộ.

Cần những đột phá mới, táo bạo về thể chế

Để KTTN trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế như kỳ vọng, TS. Nguyễn Minh Phong cho rằng: Nhà nước cần có nhiều đột phá mới, táo bạo, tạo điều kiện cho DN được tự do kinh doanh theo pháp luật, bình đẳng, cùng có lợi; coi trọng định hướng, hỗ trợ, kiểm tra, kiểm soát đối với KTTN bằng chính sách, thông tin thị trường và khuyến khích quá trình tái cơ cấu kinh tế. Trước mắt, cần tập trung giải quyết các khó khăn về nợ đọng, nợ xấu, mặt bằng sản xuất kinh doanh, nguồn vốn, năng lực khoa học công nghệ và thị trường; mở rộng, phát triển đồng bộ và nâng cao chất lượng các dịch vụ hỗ trợ DN, nhất là cung cấp thông tin thị trường, đối tác, cơ hội và kinh nghiệm kinh doanh; thông tin về môi trường đầu tư và các dịch vụ xúc tiến thương mại.

Nhà nước cũng nên khuyến khích phát triển các dịch vụ hỗ trợ tư pháp, nhất là về đăng ký và xử lý tranh chấp thương hiệu, tư vấn kế toán, thuế, thủ tục xuất nhập khẩu; các dịch vụ tài chính - ngân hàng, thanh toán, bảo hiểm và bảo lãnh tín dụng; xây dựng và triển khai hiệu quả những chương trình giáo dục, đào tạo riêng, thích hợp nhằm bồi dưỡng kiến thức cho các giám đốc DN cũng như người lao động trong khu vực KTTN. “Điều quan trọng không phải là ban cho KTTN những đặc quyền, đặc lợi mà là tạo môi trường thực sự bình đẳng, công bằng giữa DN tư nhân với các khu vực DN khác, kể cả trong đấu thầu” - TS. Nguyễn Minh Phong khuyến nghị.

Về phía DN, TS. Nguyễn Minh Phong cho rằng, các DN cần chủ động tự điều chỉnh, bám sát và đáp ứng tốt hơn nhu cầu thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh và quản trị rủi ro. DN đảm bảo tuân thủ luật pháp nhưng vẫn chủ động phản biện, nêu rõ các vướng mắc và cụ thể hóa yêu cầu, kiến nghị, góp phần hoàn thiện luật pháp kinh doanh, tìm kiếm các biện pháp để tháo gỡ khó khăn.

Đồng quan điểm trên, TS. Hoàng Đức Long khuyến nghị: Chính phủ cần chỉ đạo các Bộ, ngành tiếp tục đẩy nhanh cải cách thủ tục hành chính, tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, đảm bảo quyền tự do kinh doanh, quyền bình đẳng trong tiếp cận các nguồn lực, thông tin, chính sách, quy hoạch và cơ hội kinh doanh. DN cần tăng hiệu quả sử dụng nguồn vốn và tốc độ quay vòng vốn… để củng cố, tăng cường nguồn lực của mình; tập trung phát triển thương hiệu và chú trọng đến việc đa dạng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm, hiệu quả kinh doanh, năng lực quản lý cũng như tăng cường khả năng liên kết, hợp tác… Đặc biệt, trong bối cảnh công nghệ phát triển mạnh mẽ, các DN cần nhanh nhạy trong việc bắt kịp xu thế của thời đại, nâng cao năng lực đổi mới công nghệ, ứng dụng công nghệ hiện đại trong hoạt động sản xuất kinh doanh…

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng: Việt Nam đã thành công trong việc chuyển đổi sang kinh tế thị trường, nhưng quá trình này vẫn còn rất nhiều việc phải làm để thiết lập nền tảng vững chắc. Trong đó, nguyên tắc quan trọng nhất là tự do cạnh tranh trên nền tảng của một môi trường thực sự bình đẳng, lành mạnh giữa các DN thuộc các thành phần kinh tế khác nhau.
         
Việt Nam phấn đấu đến năm 2025 có hơn 1,5 triệu DN và có ít nhất 2 triệu DN vào năm 2030; tốc độ tăng trưởng KTTN cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế; tỷ trọng đóng góp của khu vực KTTN đạt khoảng 55% GDP năm 2025; 60 - 65% GDP năm 2030 và 65 - 70% GDP năm 2040.

THÙY LÊ
Cùng chuyên mục
Để kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế