Đề xuất 111 dự án ưu tiên triển khai đạt phát thải ròng bằng 0

(BKTO) - Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho biết, 111 dự án đã được phía Việt Nam và Nhật Bản đề xuất nhằm ưu tiên triển khai Sáng kiến Cộng đồng phát thải ròng bằng 0 châu Á (AZEC) thông qua hoạt động của Nhóm công tác Việt Nam - Nhật Bản.

0.jpg
Phát thải ròng bằng 0 là mục tiêu hướng tới của các nước châu Á và thế giới. Ảnh minh họa

Cụ thể, phía Nhật Bản đề xuất danh mục 82 dự án và phía Việt Nam đề xuất danh mục 29 dự án.

Đồng chủ trì Phiên họp rà soát các hoạt động trong khuôn khổ AZEC và kế hoạch triển khai Nhóm công tác thúc đẩy AZEC (do Bộ Công Thương chủ trì nằm trong khuôn khổ Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản được bắt đầu triển khai vào tháng 3/2024), Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long cho biết, Nhóm Công tác thúc đẩy AZEC được triển khai với vai trò là đầu mối tham vấn giữa Chính phủ Việt Nam và khu vực công - tư Nhật Bản nhằm thúc đẩy chuyển dịch năng lượng và tăng trưởng xanh tại Việt Nam.

Trước đó, vào tháng 9/2023, Bộ Công Thương đã thống nhất với phía Nhật Bản thành lập Nhóm công tác thúc đẩy AZEC với 03 Tiểu nhóm: Tiểu Nhóm 1 - Chuyển đổi năng lượng/Chuyển đổi xanh tại các nhà máy phát điện; Tiểu Nhóm 2 - Sản xuất điện năng lượng tái tạo; Tiểu Nhóm 3 - Hệ thống điện, Thị trường điện.

Hai Bên đã nhanh chóng phối hợp, triển khai các công việc liên quan để đẩy nhanh các hoạt động trong khuôn khổ Nhóm công tác một cách thực chất, hiệu quả. Nhờ sự nỗ lực của các thành viên, Nhóm công tác đã đạt được những kết quả bước đầu, như thiết lập được Kế hoạch hành động của các Tiểu Nhóm công tác trong ngắn hạn và trung hạn.

db.jpg
Các đại biểu tham dự Phiên họp rà soát các hoạt động trong khuôn khổ AZEC và kế hoạch triển khai Nhóm công tác thúc đẩy AZEC. Ảnh: CT

Trong năm 2024, Việt Nam đã hoàn thiện các cơ chế, chính sách quan trọng trong lĩnh vực năng lượng như Nghị định số 80/2024/NĐ-CP về Cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn (DPPA); Nghị định số 135/2024/NĐ-CP quy định cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ; Luật Điện lực 2024.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long cho biết, phía Việt Nam ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến đóng góp tích cực, khách quan từ phía Nhật Bản trong quá trình xây dựng và hoàn thiện các văn bản này.

Tại phiên họp, hai bên đã thảo luận về các lĩnh vực hợp tác năng lượng mà cả hai nước cùng quan tâm như phát triển các dự án điện khí LNG, phát triển năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió ngoài khơi, điện sinh khối, điện rác, điện hạt nhân, các vấn đề liên quan đến hệ thống điện và thị trường điện…

Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long, Nhật Bản luôn là đối tác quan trọng của Việt Nam trên mọi mặt kinh tế - xã hội và bày tỏ kỳ vọng Nhật Bản sẽ là đối tác lớn của Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Ghi nhận các nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc ban hành nhiều cơ chế, chính sách mới nhằm thúc đẩy phát triển ngành năng lượng, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam ITO Naoki cũng đánh giá cao những kết quả đã đạt được của Nhóm Công tác thúc đẩy AZEC.

Thông qua việc rà soát và đề xuất danh mục dự án ưu tiên triển khai của Nhóm Công tác (phía Nhật Bản đề xuất danh mục 82 dự án, phía Việt Nam đề xuất danh mục 29 dự án), Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long và Đại sứ ITO Naoki đã giao nhiệm vụ cho hai bên tiếp tục phối hợp chặt chẽ để cụ thể hoá các mục tiêu, chương trình hợp tác và sàng lọc các dự án khả thi, tiêu biểu để ưu tiên triển khai ngay.

Đây là bước tiến quan trọng trong hợp tác năng lượng song phương, do đó, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long chỉ đạo phía Việt Nam cần tiếp tục kiện toàn, mở rộng thành viên Nhóm công tác đảm bảo đủ thành phần, thiết thực, hoạt động hiệu quả./.

Cùng chuyên mục
Đề xuất 111 dự án ưu tiên triển khai đạt phát thải ròng bằng 0