Đề xuất cho phá sản công ty nông lâm nghiệp yếu kém

(BKTO) - Ngày 21/8, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức tọa đàm về mô hình sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp.



                
   

Quang cảnh buổi Tọa đàm- Ảnh: chinhphu.vn

   
Tham dự tọa đàm có Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ- Trưởng Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp; lãnh đạo Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội, các công ty nông lâm nghiệp, cùng nhiều chuyên gia kinh tế.

Tọa đàm đánh giá việc sắp xếp và phát triển các công ty nông lâm nghiệp trong danh mục 256 doanh nghiệp mà Thủ tướng đã phê duyệt theo 4 hình thức: Tiếp tục duy trì, củng cố, phát triển công ty 100% vốn Nhà nước ở vùng biên giới, khó khăn gắn với đảm bảo an ninh, quốc phòng; cổ phần hóa; thành lập công ty TNHH 2 thành viên trở lên nhằm gắn kết phát triển vùng nguyên liệu của công ty và của người dân trong vùng với phát triển công nghiệp chế biến và thị trường; giải thể các công ty nông, lâm nghiệp.

Thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ, cả nước đã có 160 công ty hoàn thành sắp xếp, chuyển sang hoạt động theo mô hình mới (chiếm 62,5%). Dự kiến năm nay có 69 công ty sẽ hoàn thành sắp xếp, chuyển sang hoạt động theo các mô hình mới.

Theo báo cáo của các địa phương, đến 30/6/2019, còn 27 công ty chưa thực hiện hiện sắp xếp, chiếm 10,54% tổng số công ty phải sắp xếp theo phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ. Bước đầu đã có một số công ty phát triển được sản xuất và hiệu quả kinh doanh. Ví dụ, Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam, trước khi sắp xếp có vốn chủ sở hữu là 2.306 tỷ đồng thì nay tăng 190% lên 4.387 tỷ đồng, lợi nhuận tăng từ 164 tỷ đồng lên 834 tỷ đồng.

Tổng công ty Cao su Việt Nam, mặc dù mới bán ít vốn Nhà nước, nhưng chuyển đổi thành công ty niêm yết. Vốn chủ sở hữu tăng từ 18.915 tỷ đồng lên 21.851 tỷ đồng sau 4 năm thực hiện sắp xếp. Doanh thu tăng từ 15.537 tỷ đồng lên 22.686 tỷ đồng, lợi nhuận tăng từ 3.696 lên 3.800 tỷ đồng.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn cho biết, mô hình nào cũng có lợi ích và hạn chế nhất định. Đơn cử khi sắp xếp, chuyển thành công ty cổ phần thì Nhà nước vẫn nắm giữ cổ phần chi phối, nên khó thu hút vốn đầu tư của tư nhân. Nếu Nhà nước không nắm giữ cổ phần chi phối thì khó thực hiện bảo vệ rừng và gắn kết hài hoà tổ chức sản xuất và ổn định hộ gia đình nhận khoán đất.

Không chỉ vậy, công ty thực hiện chuyển đổi ít vốn cũng khó thực hiện như ở Yên Bái. “Trong 4 công ty lâm nghiệp của tỉnh thì công ty có vốn cao nhất là 5,3 tỷ đồng, không đầu tư chế biến được. Đất rừng thì chỉ quản lý được 70%, còn lại vẫn giáp ranh, nên hay xảy ra tranh chấp. Giờ bán cổ phần cho cán bộ nhân viên theo quy định thì cũng còn hơn 1 tỷ vốn Nhà nước, cũng không mở rộng sản xuất kinh doanh được và cũng không kêu gọi được nhà đầu tư chiến lược được khi vốn Nhà nước dưới 51%”, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Đỗ Đức Duy bày tỏ khó khăn.
Cùng chuyên mục
Đề xuất cho phá sản công ty nông lâm nghiệp yếu kém