Đề xuất Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực sớm hơn 6 tháng

(BKTO) - Theo hồ sơ thẩm định Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội do Bộ Tư pháp mới công bố, Chính phủ đề xuất cho phép Luật Nhà ở 2023 và Luật Kinh doanh bất động sản 2023 có hiệu lực từ ngày 01/7/2024, sớm hơn 6 tháng so với hiệu lực mà Quốc hội đã thông qua cuối năm ngoái.

bds.jpg
Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản có thể có hiệu lực sớm hơn 6 tháng. Ảnh minh họa: D.T

Theo Tờ trình của Bộ Xây dựng, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở là 2 đạo luật quan trọng trong đời sống chính trị, kinh tế xã hội, đặc biệt là trong thực thi chủ trương, chính sách đảm bảo an sinh xã hội của đất nước. Đây cũng là các luật giữ vai trò trung tâm trong hệ thống pháp luật về nhà ở và thị trường bất động sản, có tác động trực tiếp đến nhu cầu sinh sống của các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, có mối quan hệ chặt chẽ với nhiều luật khác có liên quan, trong đó có Luật Đất đai.

Thông qua các cơ chế, chính sách được ban hành sẽ tạo được hành lang pháp lý rõ ràng, minh bạch, thuận lợi, để thị trường nhà ở và kinh doanh bất động sản vận hành, hoạt động; góp phần thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Trong đó, Luật Nhà ở 2023 có nhiều nội dung mới mang tính đột phá quan trọng góp phần hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu quả quản lý và phát triển nhà ở.

Cụ thể, về nhà ở xã hội, Luật đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với nâng cao trách nhiệm của địa phương, thúc đẩy nguồn cung nhà ở xã hội, đảm bảo tính khả thi của các quy định khi áp dụng trên thực tế như: hình thức phát triển nhà ở xã hội; đất dành để phát triển nhà ở xã hội; đối tượng, điều kiện được hưởng chính sách nhà ở xã hội; ưu đãi dành cho chủ đầu tư dự án; xác định giá bán, giá thuê mua, giá thuê nhà ở xã hội…

Về phát triển nhà ở, Luật đã sửa đổi, bổ sung một số quy định về phát triển nhà ở thương mại, nhà ở công vụ, nhà ở tái định cư, nhà ở riêng lẻ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia phát triển nhà ở.

Về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, đã luật hóa một số quy định của nghị định hiện hành về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư để nâng cao hiệu lực pháp lý và bổ sung một số quy định đặc thù nhằm tạo hành lang pháp lý đầy đủ cho việc cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũng như khuyến khích các nhà đầu tư tham gia thực hiện dự án.

Trong khi đó, Luật Kinh doanh bất động sản 2023 cũng có nhiều nội dung mới mang tính đột phá nhằm tăng cường phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính gắn với kiểm soát, giám sát việc thực hiện, đảm bảo quản lý thống nhất từ Trung ương đến địa phương. Đồng thời, thiết lập công cụ kiểm soát quản lý thị trường bất động sản để thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh, bền vững.

Cụ thể, Luật quy định công khai thông tin về bất động sản, dự án bất động sản đưa vào kinh doanh; điều kiện đối với tổ chức, cá nhân khi kinh doanh bất động sản; chính sách về kinh doanh nhà ở, công trình xây dựng có sẵn và hình thành trong tương lai.

Luật cũng quy định về chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã có hạ tầng kỹ thuật trong dự án bất động sản cho cá nhân, tổ chức; quy định về chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản; hợp đồng trong kinh doanh bất động sản; sàn giao dịch bất động sản và môi giới bất động sản…

Đầu tháng 4 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các Bộ, ngành theo chức năng, nhiệm vụ được giao, tập trung xây dựng, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở, bảo đảm đủ điều kiện để báo cáo Chính phủ trình Quốc hội cho phép thi hành sớm 3 luật này.

Theo Bộ Xây dựng, việc có hiệu lực sớm của Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở sẽ góp phần kịp thời thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trong việc phát triển và quản lý chặt chẽ thị trường bất động sản; hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển lành mạnh, bền vững và vận hành thông suốt thị trường bất động sản. Đồng thời đảm bảo thị trường bất động sản phát triển ổn định, công khai, minh bạch.

Điều này cũng góp phần kịp thời khắc phục một số khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai chính sách phát triển nhà ở xã hội trên thực tế, cũng như đẩy mạnh nguồn cung nhà ở xã hội gắn với việc thực hiện Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030.

Hơn nữa, việc 2 luật này có hiệu lực sớm hơn 6 tháng cũng nhằm bảo đảm có hiệu lực đồng thời với Luật Đất đai 2024 hiện nay cũng đang được Chính phủ đề nghị Quốc hội chấp thuận cho phép có hiệu lực từ ngày 01/7/2024./.

Cùng chuyên mục
Đề xuất Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực sớm hơn 6 tháng