6 tháng năm 2021, doanh thu vận tải đường sắt giảm mạnh - Ảnh minh họa: TTXVN |
Từ cuối năm 2019 đến nay, hoạt động vận tải đường sắt bị ảnh hưởng nghiêm trọng, doanh thu sụt giảm, sản xuất, kinh doanh thua lỗ. Sang năm 2021, dịch Covid-19 bùng phát vào cao điểm Tết Nguyên đán, nghỉ Lễ 30/4 - 1/5 nên doanh thu vận tải 6 tháng năm 2021 của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam chỉ đạt 77,8% so cùng kỳ năm 2020 và chỉ bằng 54,4% so với năm 2019 khi chưa có dịch.
Để gỡ khó cho DN vận tải đường sắt, năm 2020, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và các công ty vận tải đã có văn bản đề xuất gửi các ngân hàng. Đến nay, Công ty Cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội đã nhận được văn bản chấp thuận điều chỉnh giảm lãi suất vay của một số ngân hàng với số tiền 1,8 tỷ đồng trên tổng dư nợ vay 101 tỷ đồng.
“Chi phí lãi vay là khoản có tỷ trọng cao trong giá thành. Khi DN gặp khó khăn, khoản lãi vay trở thành một gánh nặng do mất dòng tiền. Do vậy, Ngân hàng Nhà nước cần chỉ đạo các ngân hàng thương mại có chính sách hỗ trợ, giảm lãi vay sâu hơn trong thời gian tới” - Cục Đường sắt Việt Nam kiến nghị.
Đáng chú ý, Cục Đường sắt Việt Nam kiến nghị phê duyệt đề án cơ cấu lại Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và phê duyệt phương án thoái vốn của các đơn vị thành viên trực thuộc. Tiếp tục áp dụng chính sách giảm phí sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư theo Thông tư 12/2021 của Bộ Tài chính cho các năm tiếp theo. Cụ thể mức thu phí sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt được xác định là 4% trên doanh thu kinh doanh vận tải đường sắt, thay vì 8% như trước.
Đồng thời đề xuất các địa phương cần thống nhất áp dụng các chính sách ưu đãi sử dụng đất dành cho đường sắt; giải quyết thủ tục đất đai, miễn tiền thuế sử dụng đất đối với diện tích đất trụ sở điều hành sản xuất của các đơn vị đầu máy, toa xe và đất các công trình phụ trợ khác cần thiết phục vụ trực tiếp cho việc tổ chức chạy tàu.
LÊ HÒA