Đến năm 2030, đóng góp GDP của các ngành kinh tế biển sẽ tăng lên 23,5 tỷ USD

(BKTO) - Đến năm 2030, đóng góp GDP của các ngành kinh tế biển sẽ tăng lên 23,5 tỷ USD, tương đương 538.000 tỷ đồng nếu áp dụng kịch bản “phát triển bền vững” hay còn gọi là “xanh lam”.



                
   

Quang cảnh buổi công bố Báo cáo “Kinh tế biển xanh Việt Nam hướng đến kịch bản phát triển bền vững kinh tế biển”. Ảnh: VGP

   

Con số trên được đưa ra trong Báo cáo “Kinh tế biển xanh Việt Nam hướng đến kịch bản phát triển bền vững kinh tế biển” do Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) và Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) công bố sáng 12/5.

Đây là hoạt động trong khuôn khổ “Hội nghị quốc tế về Kinh tế đại dương bền vững và Thích ứng với biến đổi khí hậu”.

Báo cáo là một trong những nghiên cứu đầu tiên ở Việt Nam về phát triển kinh tế biển sử dụng khái niệm kinh tế biển xanh. Báo cáo chỉ rõ, kinh tế biển xanh đang là xu hướng phát triển của thế giới, đặc biệt là các quốc gia có biển.

Báo cáo đưa ra các kịch bản phát triển kinh tế biển cho Việt Nam gồm 6 lĩnh vực kinh tế biển chủ chốt: Ngư nghiệp, năng lượng tái tạo, dầu khí, du lịch, giao thông vận tải, môi trường và hệ sinh thái.

Một số kịch bản đến năm 2030 đã được phát triển cho từng ngành, lĩnh vực bao gồm kịch bản cơ sở và kịch bản "phát triển bền vững" hay còn gọi là "xanh lam", phù hợp và bám sát khái niệm kinh tế xanh và kinh tế biển xanh.

Trong đó, kịch bản xanh lam mang lại lợi ích vượt trội về sự đóng góp Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), Tổng thu nhập quốc dân (GNI) của các ngành kinh tế biển và thu nhập bình quân đầu người cho các lao động nghề biển.

Báo cáo cho thấy, khi kịch bản xanh lam được áp dụng, GDP sẽ tăng trưởng hơn kịch bản cơ sở 296.000 tỷ đồng (tương đương 12,9 tỷ USD) vào năm 2025 và 538.000 tỷ đồng (tương đương 23,5 tỷ USD) vào năm 2030.

Đồng thời, GNI trên đầu người vượt hơn kịch bản cơ sở. Theo đó, đến năm 2025, GNI bình quân đầu người khi áp dụng kịch bản xanh lam là 230 triệu đồng (kịch bản cơ sở là 147 triệu đồng) và năm 2030 sẽ là 290 triệu đồng (kịch bản cơ sở là 163 triệu đồng).

Để đạt được các mục tiêu tăng trưởng kinh tế biển xanh và bền vững, Báo cáo đã đưa ra các khuyến nghị chính sách dựa trên ngành để đạt được quỹ đạo kịch bản xanh ở các ngành, lĩnh vực gồm: Thủy sản, dầu khí, năng lượng tái tạo biển, du lịch, vận tải hàng hải.

Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam - bà Caitlin Wiesen - nhấn mạnh, để đạt được mức độ tăng trưởng nói trên, điều quan trọng là đẩy nhanh quy hoạch không gian biển và các chính sách là cần thiết để khai thác tiềm năng to lớn của ngành kinh tế biển.

Trong khi tiềm năng của các ngành đánh bắt và nuôi trồng thủy sản, năng lượng tái tạo biển - đặc biệt là gió ngoài khơi, các dịch vụ hệ sinh thái đa dạng sinh học và du lịch của Việt Nam rất lớn thì điều cốt yếu là phải cân bằng sự tăng trưởng của các lĩnh vực liên kết chặt chẽ này, vì sự phát triển của một ngành có thể tác động đến những ngành khác.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam - ông Tạ Đình Thi - đánh giá: Báo cáo đưa ra một số khuyến nghị quan trọng để thúc đẩy kinh tế biển xanh tại Việt Nam, góp phần thực hiện thành công Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc, trong đó có mục tiêu SDG14 về bảo tồn và sử dụng bền vững các đại dương, biển và tài nguyên biển./.
HỒNG NHUNG



Cùng chuyên mục
Đến năm 2030, đóng góp GDP của các ngành kinh tế biển sẽ tăng lên 23,5 tỷ USD