Sáng 29/8, Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “55 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong các cơ quan Trung ương (1969 - 2024)”.
Ủy viên Bộ Chính trị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gửi lẵng hoa chúc mừng Hội thảo. Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.
Đồng chủ trì Hội thảo có các đồng chí: GS,TS. Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; TS. Nguyễn Văn Thể - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương; TS. Bùi Văn Cường - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; PGS,TS. Vũ Trọng Lâm - Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật; ThS. Phạm Thanh Hà - Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước.
Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Doãn Anh Thơ tham dự Hội thảo. Tham dự Hội thảo có hơn 600 đại biểu là các Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, đại diện lãnh đạo các ban Đảng Trung ương và Văn phòng Trung ương Đảng; đại diện lãnh đạo: Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương; các chuyên gia, nhà khoa học; các đảng viên và đoàn viên, thanh niên xuất sắc, tiêu biểu trong các cơ quan Trung ương.
Thực hiện Di chúc của Người là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài
Khai mạc Hội thảo, GS,TS. Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh, Hội thảo là hoạt động để chúng ta tưởng nhớ, tri ân công lao trời biển và những cống hiến vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc Việt Nam; khơi dậy ý chí, tinh thần quyết tâm toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, trong đó có cán bộ, đảng viên các cơ quan Trung ương thực hiện thành công ước nguyện cao cả của Người.
GS,TS. Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh: Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một văn kiện lịch sử vô cùng quý giá ở tầm cương lĩnh của Đảng - một bảo vật quốc gia, kết tinh tình cảm và tâm huyết suốt cả cuộc đời hoạt động cách mạng cao cả, tận trung Tổ quốc, với Đảng, tận hiếu với nhân dân; hội tụ trí tuệ lỗi lạc, thể hiện sâu sắc tư tưởng, đạo đức, phong cách mẫu mực, trái tim nhân ái bao la của một lãnh tụ cách mạng vĩ đại, một bậc đại trí, đại nhân, đại dũng.
55 năm đã qua, Di chúc vẫn vẹn nguyên giá trị thời đại, là “ngọn đuốc” soi đường cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta. Tất cả những lời căn dặn của Người trong Di chúc đều hướng tới “mong muốn cuối cùng” là: “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.
“Thực hiện Di chúc của Người và học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên và lâu dài, là trách nhiệm của các tổ chức đảng, các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan, đơn vị và từng cán bộ, đảng viên trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, xây dựng văn hóa, con người Việt Nam “sánh vai với các cường quốc năm châu” như Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong muốn” – GS,TS. Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh.
Triển khai toàn diện, đồng bộ, sâu sắc công tác xây dựng Đảng
Phát biểu tại Hội thảo, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ: 55 năm qua, tư tưởng và Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đồng hành cùng dân tộc, soi rọi, dẫn dắt toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta luôn kiên định và trung thành với sự nghiệp, lý tưởng cách mạng của Người, kế tục xuất sắc sự nghiệp cách mạng vĩ đại mà Người đã trọn đời cống hiến và hy sinh.
Tiếp tục thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Quốc hội đề nghị thời gian tới, các cơ quan Trung ương thường xuyên bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư để triển khai toàn diện, đồng bộ, sâu sắc công tác xây dựng Đảng, giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ, phát huy vai trò lãnh đạo, hạt nhân chính trị của tổ chức đảng, trước hết tập trung thực hiện tốt công tác chính trị tư tưởng, đấu tranh phản bác những luận điểm sai trái, thù địch, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng.
Tiếp tục phát huy mạnh mẽ vai trò, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, tập trung lãnh đạo cán bộ, đảng viên tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị. Phát huy tinh thần trách nhiệm và tính tiên phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu.
Thực hiện nghiêm các nghị quyết, kết luận của Trung ương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá".
Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của cấp ủy và tổ chức đảng; lựa chọn vấn đề trọng tâm, then chốt, khâu đột phá để ban hành các nghị quyết chuyên đề và lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện đạt hiệu quả. Đồng thời, tiến hành tổng kết thực tiễn, nghiên cứu hoàn thiện mô hình tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của tổ chức đảng trong các cơ quan Trung ương, xây dựng tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát định kỳ và đột xuất của các cấp ủy, tổ chức đảng và ủy ban kiểm tra các cấp; thường xuyên đôn đốc việc tổ chức thực hiện các nghị quyết, kết luận của Đảng; kịp thời phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm, ngăn ngừa vi phạm và kiên quyết xử lý sai phạm, giải quyết tốt các vấn đề phức tạp ngay từ cơ sở.
Bế mạc Hội thảo, Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương Nguyễn Văn Thể tiếp tục khẳng định Di chúc Di chúc là văn kiện lịch sử vô cùng quý giá, kết tinh tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; nêu bật các vấn đề phát triển kinh tế văn hóa, giáo dục, quốc phòng chăm lo nâng cao đời sống, phúc lợi cho nhân dân. Đây là văn kiện soi đường cho cách mạng Việt Nam, đặc biệt trong công cuộc đổi mới đất nước.
Đồng chí Nguyễn Văn Thể cho biết, Hội thảo đã nhận được sự tham gia tích cực của nhiều nhà lãnh đạo, quản lý, nhà khoa học, nhà nghiên cứu, đảng ủy các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương với gần 110 bài tham luận. Đã có 9 tham luận trực tiếp tại Hội thảo.
Các tham luận tập trung phân tích, làm rõ hơn các nội dung, tầm vóc và giá trị của Di chúc; thể hiện sự trăn trở, tâm huyết về các giải pháp làm thế nào để vận dụng hiệu quả bài học kinh nghiệm sau 55 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở các cơ quan Trung ương; qua đó, tiếp tục khẳng định giá trị lý luận và thực tiễn trường tồn của Di chúc, góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và sức mạnh thời đại, nhằm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh./.