“Đi đến cùng” kết quả giám sát việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

(BKTO) - Với phương châm giám sát phải “đến nơi đến chốn” nhằm tạo chuyển biến tích cực trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK, CLP), Nghị quyết của Quốc hội về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về THTK, CLP đã đề ra các giải pháp, nhiệm vụ cụ thể, trong đó nhấn mạnh việc tiếp tục theo dõi, giám sát, đôn đốc việc xử lý các công trình, dự án được xác định là lãng phí, không hiệu quả…

3-.jpg
Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí Ảnh: TTXVN

“Điểm danh” những công trình, dự án gây lãng phí

Khẳng định tầm quan trọng của việc giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách pháp luật về THTK, CLP giai đoạn 2016-2021, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, THTK, CLP là lĩnh vực rất lớn, quốc gia nào cũng chú ý, nhất là nước có nguồn lực còn hạn chế như chúng ta. “Trong điều kiện đất nước còn khó khăn mà không tiết kiệm thì có lỗi với dân. Nhiều khi thiệt hại do lãng phí còn lớn hơn hậu quả tham nhũng” - Chủ tịch Quốc hội nói và kỳ vọng THTK, CLP cùng với phòng, chống tham nhũng và tiêu cực là “hai mũi giáp công” sẽ giải quyết được những tồn tại trong việc huy động, phân bổ, sử dụng hiệu quả nguồn lực quốc gia cho phát triển nhanh và bền vững.

Với tinh thần đó, kết quả giám sát đã chỉ rõ nhiều hạn chế trong công tác THTK, CLP với những con số hết sức cụ thể, chỉ ra nhiều nguyên nhân cũng như quy rõ trách nhiệm của các hạn chế. Tại Nghị quyết số 74/2022/QH15 về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về THTK, CLP (Nghị quyết số 74) vừa được Chủ tịch Quốc hội ký ban hành sau Kỳ họp thứ 4 đã xác định rõ danh mục các công trình, dự án gây thất thoát, lãng phí. Cụ thể gồm: 51 dự án, cụm dự án sử dụng vốn đầu tư công và vốn nhà nước khác không hiệu quả hoặc lãng phí; 13 dự án, chuỗi dự án trọng điểm trong lĩnh vực điện, than, dầu khí chậm tiến độ; 19 dự án chậm triển khai, có khó khăn, vướng mắc để đất đai hoang hóa, lãng phí; 880 dự án, công trình không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm đưa đất vào sử dụng. Trong đó, có những dự án đã kéo dài nhiều năm với tình trạng đội vốn, chậm tiến độ như: Dự án tuyến đường sắt đô thị TP. Hà Nội (tuyến 2) đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo và Dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP. Hà Nội, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội; Dự án tuyến đường sắt số 1: Bến Thành - Suối Tiên và Dự án tuyến đường sắt số 2: Bến Thành - Tham Lương (TP. Hồ Chí Minh)…

Do đó, Quốc hội giao Ủy ban Tài chính - Ngân sách chủ trì, phối hợp các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đôn đốc các cơ quan tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết này và giám sát việc xử lý các công trình, dự án nêu trên cũng như những hạn chế được Đoàn giám sát chỉ ra trong Báo cáo giám sát. Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục tăng cường công tác giám sát các nội dung liên quan đến việc thực hiện chính sách, pháp luật về THTK, CLP trong kế hoạch giám sát hằng năm; nghiên cứu lồng ghép một số nội dung giám sát chuyên sâu việc thực hiện chính sách, pháp luật về THTK, CLP vào kế hoạch, nội dung các cuộc giám sát chuyên đề theo kế hoạch của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2023.

Những giải pháp trên cho thấy quyết tâm tiếp tục đổi mới mạnh mẽ trong công tác giám sát của Quốc hội. Cùng với việc lựa chọn “trúng và đúng” vấn đề giám sát, Quốc hội đã chú trọng đến khâu hậu giám sát, đi đến cùng vấn đề giám sát nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát.

Đẩy nhanh thu hồi tài sản thất thoát theo kiến nghị thanh tra, kiểm toán

Cùng với việc xác định cụ thể và theo dõi đến cùng việc xử lý các công trình, dự án gây lãng phí, thất thoát, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, tại Nghị quyết số 74, Quốc hội giao Chính phủ chỉ đạo thực hiện nghiêm các kết luận, kiến nghị của các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán; thu hồi triệt để các dự án treo và đẩy nhanh việc thu hồi các tài sản, đất đai nhà nước bị thất thoát, vi phạm theo các kết luận, kiến nghị của các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán.

Trước đó, Đoàn giám sát chỉ rõ, tỷ lệ thực hiện các kết luận, kiến nghị sau thanh tra, kiểm tra, kiểm toán của các Bộ, ngành, địa phương đạt thấp, nhiều vấn đề kéo dài nhiều năm chưa thực hiện. Bên cạnh việc chậm thực hiện kiến nghị xử lý tài chính, thu hồi đất đai, còn tình trạng chậm sửa đổi, khắc phục các vướng mắc ở các văn bản quy phạm pháp luật hoặc văn bản quản lý do các đơn vị ban hành theo thẩm quyền, làm kéo dài tác động của các vướng mắc, điểm nghẽn dẫn đến lãng phí, thất thoát nguồn lực tài chính công, tài sản công.

Quan tâm đến vấn đề này, đại biểu Nguyễn Đại Thắng (Đoàn Hưng Yên) đề nghị, cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo để thực hiện nghiêm túc các kết luận, kiến nghị của cơ quan thanh tra, kiểm tra, Kiểm toán nhà nước, làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm minh những tổ chức, cá nhân không nghiêm túc thực hiện các kết luận thanh tra, kiểm toán; kịp thời chuyển các vụ việc có dấu hiệu tội phạm trong quá trình thanh tra, kiểm tra, kiểm toán sang cơ quan điều tra để điều tra theo thẩm quyền. “Trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán cần kịp thời phát hiện những vướng mắc, bất cập trong hoạt động quản lý nhà nước để kiến nghị cấp có thẩm quyền hoàn thiện các chính sách, pháp luật để tăng cường công tác quản lý nhà nước, góp phần nâng cao hiệu quả công tác THTK, CLP” - đại biểu Thắng kiến nghị.

Đại biểu Trần Thị Hoa Ry (Đoàn Bạc Liêu) cũng đề nghị Quốc hội và các đại biểu Quốc hội cần tăng cường hơn nữa việc giám sát, chấp hành các kiến nghị trong Báo cáo thẩm tra hằng năm của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, cũng như những kiến nghị trong báo cáo kiểm toán của Kiểm toán nhà nước, để các vụ việc liên quan đến THTK, CLP đã được các cơ quan chỉ ra phải được thực hiện “đến nơi, đến chốn”./.

Cùng chuyên mục
“Đi đến cùng” kết quả giám sát việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí