Các hiệp hội, DN cần chủ động kế hoạch sản xuất, xuất khẩu qua biên giới, tránh để phát sinh ùn ứ và các tác động bất lợi khác. Ảnh: TTXVN
Khó tiên liệu thời gian ảnh hưởng đến giao thương
Vừa qua, Bộ Công Thương đã nhận được thông tin từ Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Quảng Tây (Trung Quốc) cho biết chính quyền tỉnh Quảng Tây đã quyết định kéo dài thời gian đóng cửa các chợ biên giới và tiếp tục tạm dừng hoạt động trao đổi hàng hóa cư dân biên giới, trước mắt là tới cuối tháng 02/2020. Chính quyền tỉnh Vân Nam hiện chưa có thông tin chính thức nhưng trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh nCoV, nhiều khả năng cũng sẽ đưa ra quyết định tương tự.
Dù Việt Nam đã có nhiều nỗ lực để chuyển đổi xuất khẩu sang hình thức chính ngạch nhưng xuất khẩu qua trao đổi cư dân tại các chợ biên giới vẫn là phương thức chủ yếu của một số loại nông sản, trong đó có thanh long và dưa hấu. Vì vậy, quyết định kéo dài thời gian đóng cửa các chợ biên giới và tiếp tục tạm dừng hoạt động trao đổi hàng hóa cư dân biên giới của chính quyền tỉnh Quảng Tây và có thể cả tỉnh Vân Nam sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới việc xuất khẩu các loại nông sản này.
Tuy nhiên, vấn đề này đã được Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) dự tính và liên tục cảnh báo trong những ngày qua. Theo khuyến nghị của 2 Bộ, các DN đã chủ động có các biện pháp điều tiết nên lượng thanh long và dưa hấu đưa lên biên giới để xuất khẩu theo hình thức trao đổi cư dân đã chậm lại đáng kể. Tính tới sáng 09/02/2020, tại Lạng Sơn chỉ tồn 173 xe thanh long, tại Lào Cai là 152 xe. Bên cạnh đó, các lô nông sản xuất khẩu chính ngạch, kể cả thanh long, vẫn được làm thủ tục thông quan bình thường, dù tiến độ chậm hơn do phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch bệnh.
Bộ Công Thương đã có văn bản đề nghị Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Quảng Tây và Vân Nam giao thiệp với chính quyền hai tỉnh để trao đổi các biện pháp nhằm giảm thiểu tác động của việc đóng cửa các chợ biên giới và dừng hoạt động trao đổi hàng hóa cư dân biên giới. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp và dự kiến còn kéo dài của dịch bệnh, khả năng hai bên có thể sớm đưa ra những biện pháp hữu hiệu là không cao.
Trong khi xuất khẩu nông sản của Việt Nam đang gặp khó thì ở chiều ngược lại, việc nhập khẩu nguyên liệu đầu vào cho sản xuất của một số ngành hàng cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ. Tại cuộc họp của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) với các hiệp hội ngành hàng, các đại biểu đã chỉ rõ một số tác động có thể xảy ra, như: kéo dài thời gian giao hàng, thông quan do phải thực hiện kiểm dịch y tế nghiêm ngặt; giao thương qua đường bộ, đường sắt, đường hàng không giữa hai nước bị hạn chế; nhu cầu nhập khẩu phục vụ tiêu dùng và sản xuất của Trung Quốc giảm. Về nhập khẩu vào Việt Nam, một số khó khăn có thể xảy ra khi nguồn hàng từ Trung Quốc giảm, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, xuất khẩu sang các thị trường thứ ba. Về cân đối cung cầu, có thể xảy ra tình trạng thiếu/thừa một số loại hàng hóa nhất định.
Nỗ lực vào cuộc tháo gỡ khó khăn
Nhận định rõ tình hình dịch bệnh sẽ tác động mạnh đến hoạt động xuất nhập khẩu, ngày 05/02, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có ý kiến chỉ đạo: Việc xuất nhập khẩu, vận chuyển hàng hóa qua biên giới tiếp tục thực hiện theo quy định; bảo đảm công tác phòng chống dịch, không làm gián đoạn, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN. Người điều khiển phương tiện vận chuyển chuyên chở hàng hóa qua biên giới, tổ bay, thủy thủ đoàn từ vùng có dịch được xuất nhập khẩu qua biên giới, nhưng phải được áp dụng các biện pháp phòng chống dịch, quản lý, giám sát y tế chặt chẽ, nghiêm ngặt; chỉ được đi đến điểm giao nhận hàng hóa, điểm cách ly tại khu vực cửa khẩu, không được phép đi sâu vào trong nội địa; bảo đảm loại trừ hoàn toàn các rủi ro có thể lây nhiễm dịch bệnh.
Cũng trong ngày 05/02, Cục Xuất nhập khẩu đã có công văn yêu cầu Sở Công Thương các tỉnh, thành phố, các hiệp hội, DN… phải theo dõi sát tình hình, cập nhật thông tin diễn biến giao nhận hàng hóa, động thái mới từ phía địa phương Trung Quốc giáp biên có khả năng tác động đến hoạt động giao nhận, thông quan, xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam; phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương điều phối hoạt động xuất khẩu nông sản, trái cây. Các hiệp hội, DN cần chủ động kế hoạch sản xuất, xuất khẩu qua biên giới, tránh để phát sinh ùn ứ và các tác động bất lợi khác.
Đối với các loại nông sản đang dựa mạnh vào xuất khẩu theo hình thức trao đổi cư dân (như thanh long và dưa hấu), Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh đề nghị các DN và người dân có biện pháp điều tiết sản lượng, hạn chế đưa hàng lên biên giới, trừ trường hợp đưa lên để xuất khẩu theo hình thức chính ngạch; liên hệ với chủ hàng để đàm phán chuyển đổi sang hình thức chính ngạch và chủ động áp dụng các biện pháp để sẵn sàng chuyển đổi sang hình thức chính ngạch như: thay đổi bao bì, nhãn mác hàng hóa, dán tem truy xuất nguồn gốc… Bộ sẽ chỉ đạo các phòng cấp phép tại các địa phương ưu tiên cấp Giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) cho những lô hàng sẵn sàng chuyển sang hình thức chính ngạch.
Để đảm bảo chất lượng nông sản, trái cây xuất khẩu tại biên giới, ông Lê Duy Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội DN logistics Việt Nam - cho biết, Hiệp hội đã khuyến nghị các DN logistics giảm 10 - 20% phí lưu kho lưu bãi, đặc biệt là kho lạnh, để hỗ trợ cho các trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị thu mua nông sản cho nông dân.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, Bộ đang phối hợp với Bộ NN&PTNT nỗ lực tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới, trong đó có việc chỉ đạo toàn bộ hệ thống Thương vụ và Tham tán nông nghiệp tại nước ngoài tham gia tìm kiếm và giới thiệu khách hàng mới, góp phần thúc đẩy chuyển hướng tiêu thụ nông sản trong giai đoạn hiện nay.
Sau khi thay đổi phương thức cho xe Trung Quốc sang giao nhận hàng tại bãi xe ở Việt Nam, năng lực thông quan tại cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn) đã tăng gấp đôi, riêng ngày 11/02, đã có 110 xe nông sản được thông quan; một tuần qua đã có gần 500 xe được thông quan. |
PHÚC KHANG