Dịch vụ công trực tuyến: Giản tiện, tiết kiệm, góp phần quan trọng tạo lập xã hội số

(BKTO) - Từ chỗ các giao dịch chủ yếu sử dụng giấy tờ, gây tốn kém, lãng phí cũng như mất nhiều thời gian công sức, nay, nhờ việc tích hợp liên thông điện tử, người dân lẫn cơ quan phục vụ gặp nhiều thuận lợi hơn trong thực hiện các giao dịch. Đây chính là động lực thôi thúc các cơ quan cần đẩy nhanh và nâng cao mức độ trực tuyến của các dịch vụ công.



                
   

Đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến giúp giảm áp lực cho cán bộ giải quyết, cũng như giúp tiết kiệm, giản tiện cho người dân. Ảnh: N.LỘC

   

Mang lại nhiều tiện ích

Nhớ lại cách đây mấy năm, khi gia đình sinh con đầu lòng, để làm thủ tục khai sinh cho con, anh Nguyễn Văn H. (trú tại phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội) phải đi lại nhiều lần, tốn kém thời gian, với nhiều giấy tờ lỉnh kỉnh. Đến lần sinh bé thứ hai, thay vì phải đi và thực hiện nhiều thủ tục tại bộ phận một cửa, anh H. chỉ việc ngồi nhà, thực hiện vài thao tác click chuột trên máy tính trong ít phút đã hoàn thành thủ tục cấp giấy khai sinh cho con.

"Đó thực sự là bước đột phá, cuộc cách mạng trong cải cách thủ tục hành chính mà mỗi người dân đều được hưởng lợi" - anh H. chia sẻ.

Trường hợp của anh H. chỉ là một trong số hàng triệu người dân đang được thụ hưởng lợi ích từ việc chuyển đổi số, với việc ứng dụng dịch vụ công trực tuyến đang ngày càng rộng rãi trên khắp cả nước hiện nay.

Theo Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính (Bộ Nội vụ) Phạm Minh Hùng, việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến đã cải thiện đáng kể thủ tục hành chính từng được cho là quá rườm rà. Giải pháp này không chỉ tiết kiệm thời gian công sức cho toàn xã hội mà còn tạo ra tính công khai minh bạch của thủ tục hành chính. “Với việc khai thác dịch vụ công trực tuyến, người dân có thể ngồi nhà gửi hồ sơ, nộp lệ phí và nhận kết quả mà không phải đi lại như trước đây, trong khi cơ quan giải quyết giảm tải được áp lực hồ sơ, giấy tờ” - ông Hùng nói.

Theo đại diện Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06), Bộ Công an, đến nay, Bộ đã hoàn thành 11/11 dịch vụ công mức độ 3, 4; đồng thời, mở rộng thực hiện 187/227 nhóm dịch vụ công khác của lực lượng, trong đó việc cấp hộ chiếu qua mạng, phân cấp đăng ký ô tô, xe máy về cấp huyện, cấp xã, được người dân ủng hộ, đánh giá cao. Trong khi đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã triển khai đăng ký dự thi trực tuyến cho gần 1 triệu thí sinh (đạt tỷ lệ 93,1%), qua đó giúp tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng cho người dân, xã hội.

Đáng chú ý, việc triển khai một số ứng dụng của thẻ căn cước công dân (CCCD) gắn chip điện tử đạt kết quả bước đầu tích cực như: Sử dụng thẻ CCCD tích hợp thông tin thẻ bảo hiểm y tế phục vụ người dân đi khám bệnh tại các cơ sở y tế (53,1% cơ sở y tế đã thực hiện); thay vì phải xuất trình thẻ bảo hiểm và căn cước công dân, người dân chỉ cần sử dụng CCCD tích hợp để khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Thí điểm xác thực danh tính qua thẻ CCCD tại các quầy giao dịch của một số ngân hàng, thí điểm sử dụng thẻ CCCD thay thẻ ATM tại TP. Hà Nội và tỉnh Quảng Ninh...

PGS.TS. Tô Văn Hòa – Phó Hiệu trưởng Trường Đại Học Luật Hà Nội, chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng pháp luật hành chính cho biết, trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang tác động mạnh mẽ, việc xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, xã hội số sẽ tạo ra những nền móng vững chắc cho việc chuyển đổi số toàn diện trong giai đoạn 2021-2030.

“Việc ứng dụng dịch vụ công trực tuyến đã khẳng định được vai trò quan trọng, then chốt trong tiến trình cải cách hành chính và triển khai Chính phủ điện tử, xã hội điện tử” - PGS,TS. Tô Văn Hòa đánh giá.

Dẫn chứng về việc sử dụng mã quét để khai báo y tế, lưu thông trong thời gian kiểm soát phòng, chống dịch bệnh Covid-19, TS. Dương Quang Tung - nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học tổ chức nhà nước cho biết, nhờ sử dụng công nghệ, dữ liệu điện tử kết nối giúp đảm bảo các giao dịch, hoạt động được thông suốt, trong bối cảnh hạn chế tiếp xúc để tránh lây lan dịch bệnh

“Sử dụng dịch vụ công trực tuyến giúp giảm thời gian, chi phí cho việc gửi hồ sơ và nhận kết quả của các tổ chức, cá nhân; tăng tính công khai, minh bạch của thủ tục hành chính; nâng cao trách nhiệm, trình độ của công chức, từ đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội” - TS. Dương Quang Tung nói.

Cần nâng mức độ trực tuyến của các dịch vụ công

Theo Vụ Cải cách hành chính, các dịch vụ công trực tuyến của Việt Nam hiện nay đang được phân chia thành 4 mức độ, trong đó dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 - mức độ cao nhất - là dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và cho phép người sử dụng thanh toán lệ phí được thực hiện trực tuyến. Việc trả kết quả có thể được thực hiện trực tuyến, gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến người sử dụng.

Xác định vai trò và lợi ích quan trọng mà dịch vụ công trực tuyến mang lại, việc nâng cao mức độ trực tuyến của các dịch vụ công là yêu cầu cấp thiết. Đến nay, các Bộ, ngành đã cơ bản đã hoàn thành, đưa 21/25 dịch vụ thiết yếu thực hiện trên môi trường điện tử.

Trao đổi thêm về những kết quả này, ông Nguyễn Mạnh Tuyền (Vụ Cải cách hành chính) cho biết, hiện nay cơ sở hạ tầng đã sẵn sàng, nhưng việc ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết thủ tục hành chính vẫn đang trong trong lộ trình thực hiện, đòi hỏi cần có thời gian nhất định để đồng bộ giữa các ngành, từ Trung ương đến địa phương. “Tính đến hết tháng 6/2022, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến đủ điều kiện đưa lên mức độ 4 là 97,3%, chiếm 53,56% tổng số thủ tục hành chính. Đây là những cơ sở nền tảng quan trọng để mở rộng thực hiện các dịch vụ công trực tuyến” - ông Tuyền cho biết.

Trong khi đó, các chuyên gia trong lĩnh vực cải cách hành chính cho rằng, bên cạnh nhiệm vụ đảm bảo hạ tầng, phục vụ liên thông trực tuyến, các cơ quan cũng cần đẩy mạnh tuyên truyền để thay đổi thói quen của công dân trong việc sử dụng dịch vụ công, dần dần từ bỏ phương thức liên hệ kiểu cũ.

Muốn mọi việc thông suốt thì đòi hỏi phải có thời gian, có lộ trình và cần phải có đầu tư, tập huấn, tuyên truyền để người dân, tổ chức hiểu. Đặc biệt, rất cần có sự kiên quyết trong lãnh đạo, chỉ đạo của lãnh đạo các cấp, ngành, địa phương - các chuyên gia lưu ý.
                
   

Lực lượng công an đang nỗ lực đẩy nhanh việc cấp thẻ CCCD gắn chíp điện tử cho người dân. Ảnh: N.LỘC

   

Nhấn mạnh việc xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đóng vai trò vô cùng quan trọng để thúc đẩy xây dựng Chính phủ điện tử, cũng như triển khai các dịch vụ công trực tuyến, đại diện C06 cho biết, Bộ Công an đã vận hành chính thức Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; đồng thời, Bộ đang đẩy mạnh triển khai thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025. Trong đó, trọng tâm là việc đẩy nhanh cấp thẻ CCCD gắn chip điện tử cho người dân, bởi đây là những điều kiện quan trọng giúp đẩy nhanh mục tiêu nâng cao mức độ trực tuyến của dịch vụ công.
         
Theo Bộ Nội vụ, từ khi khai trương (11/2019) đến nay, Cổng Dịch vụ công quốc gia đã cung cấp 3.657 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4; hơn 2 triệu tài khoản đăng ký; hơn 120 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái; hơn 3,9 triệu hồ sơ trực tuyến thực hiện từ Cổng; hơn 978 nghìn giao dịch thanh toán trực tuyến với số tiền hơn 2 nghìn tỷ đồng…
NGUYỄN LỘC

Cùng chuyên mục
Dịch vụ công trực tuyến: Giản tiện, tiết kiệm, góp phần quan trọng tạo lập xã hội số