“Điểm sáng” tự chủ quốc gia trong ngành công nghiệp năng lượng

(BKTO) - Trải qua quá trình gần 7 năm xây dựng, Nhà máy Nhiệt điện (NMNĐ) Sông Hậu 1 do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) làm chủ đầu tư đã phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức và “đặc biệt” hơn nhiều dự án nhiệt điện khác, trở thành “điểm sáng” tự chủ quốc gia trong ngành công nghiệp năng lượng.

a2.jpg
Lễ Khánh thành Nhà máy Nhiệt điện (NMNĐ) Sông Hậu 1 có sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính

Dự án quan trọng quốc gia với nhiều điểm “đặc biệt”

Dự án NMNĐ Sông Hậu 1 có công suất 1.200 MW (2x600 MW), được khởi công xây dựng từ năm 2015 và đã hoàn thành đưa vào vận hành thương mại từ ngày 06/5/2022. Đây là dự án nhiệt điện than có công suất tổ máy lớn, công nghệ lò hơi kiểu lò than phun thông số siêu tới hạn. Nhà máy sử dụng than nhập khẩu với lượng tiêu thụ hằng năm hơn 3 triệu tấn.

Điểm “đặc biệt” đầu tiên - NMNĐ Sông Hậu 1 là một trong những dự án điện đầu tiên áp dụng cơ chế giá hợp đồng điều chỉnh theo Quyết định số 2414/QĐ-TTg, với những khó khăn trong cơ chế thanh toán, định mức, đơn giá, gây ảnh hưởng lớn đến tiến độ.

Tiếp đó, khi Dự án chuẩn bị bước vào giai đoạn cuối hoàn thành đã đối mặt với một khó khăn “đặc biệt” là đại dịch Covid-19. Trong giai đoạn đó, nguồn nhân lực, vật tư, thiết bị huy động khó khăn, chậm trễ ảnh hưởng đến tiến độ Dự án. Số lượng chuyên gia nước ngoài không đáp ứng nhu cầu cho công tác chạy thử hệ thống của nhà máy, chuyên gia trong nước khó huy động, tập trung do nhiều địa phương áp dụng biện pháp giãn cách xã hội…

Dự án NMNĐ Sông Hậu 1 đã nhận được sự quan tâm, hỗ trợ, tích cực tạo điều kiện kịp thời từ Chính phủ, các Bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương; sự quan tâm, chỉ đạo sát sao từ Petrovietnam; những cố gắng, nỗ lực của Ban Quản lý Dự án Điện lực Dầu khí Sông Hậu 1 (BQLDA), Tổng thầu LILAMA và các nhà thầu phụ cùng sự chung sức của hàng nghìn người lao động trên công trường.

Tại thời điểm dịch bệnh bùng phát nghiêm trọng, BQLDA Sông Hậu 1 cùng Tổng thầu LILAMA triển khai nhiều biện pháp phòng, chống dịch nghiêm ngặt như bố trí người lao động làm việc “3 tại chỗ” (ăn ở, sinh hoạt và làm việc cùng nhau 6 tháng liên tiếp trong cao điểm) hoặc “1 cung đường 2 điểm đến” nhằm giảm thiểu nguy cơ lây lan dịch bệnh, hoàn thành các mốc tiến độ quan trọng như đốt lửa lần đầu và hòa lưới đồng bộ các tổ máy.

Bên cạnh đó, nghiên cứu, điều chỉnh kế hoạch Dự án phù hợp, thay đổi tiến trình thi công các hạng mục, bảo đảm công việc trên công trường được triển khai; sử dụng nguồn nội lực thực hiện một số công việc thay cho các chuyên gia nước ngoài, giảm thiểu tác động của đại dịch đến tiến độ chung.

Điểm “đặc biệt” nữa là Dự án có chủ đầu tư và tổng thầu đều là các pháp nhân Việt Nam. Trong bối cảnh phải xử lý các vấn đề phát sinh, Petrovietnam đã chỉ đạo BQLDA phối hợp với Tổng thầu, các nhà thầu phụ để điều tiết khéo léo các công việc, đưa dự án NMNĐ Sông Hậu 1 hoàn thành xây dựng, đảm bảo chất lượng, an toàn, ổn định đồng thời tiết kiệm đến 500 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư dự kiến.

Việc hoàn thành dự án NMNĐ Sông Hậu 1 vừa là minh chứng cho sự trưởng thành vượt bậc của Petrovietnam trong vai trò chủ đầu tư các dự án năng lượng trọng điểm quốc gia vừa là “điểm sáng” trong việc xử lý các dự án khó khăn.

Với quá trình vượt cam go hoàn thành dự án đã góp phần khẳng định người Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn làm chủ các công nghệ, hoàn thành các dự án lớn.

a1.jpg
Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1 - Dự án quan trọng quốc gia với nhiều điểm "đặc biệt"

Đóng góp hơn 10 tỷ kWh cho lưới điện quốc gia

Sau hơn 1 năm đi vào vận hành thương mại (từ ngày 01/7/2023 đến nay), Chi nhánh Phát điện Dầu khí (PVPGB) đã chính thức tiếp nhận quản lý, vận hành NMNĐ Sông Hậu 1. Đồng thời, NMNĐ Sông Hậu 1 cũng được Bộ Công Thương đánh giá là Nhà máy điện mới tốt nhất năm 2023.

Trong suốt thời gian qua, tập thể lãnh đạo và cán bộ, người lao động NMNĐ Sông Hậu 1 đã chung sức đồng lòng, phát huy tinh thần “Một đội ngũ, Một mục tiêu”, khắc phục các khó khăn, vướng mắc, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ kế hoạch sản xuất kinh doanh của từng năm.

Từ đó, góp phần đáp ứng nhu cầu cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia, giảm sức ép thiếu điện do nhu cầu điện ngày càng tăng cao theo chương trình các dự án điện cấp bách của Chính phủ, đồng thời góp phần giảm thiếu hụt cho khu vực miền Nam và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Công tác bảo dưỡng sửa chữa tại Nhà máy luôn được thực hiện tốt và thường xuyên cập nhật thêm các nội dung, hạng mục công việc dựa trên kinh nghiệm vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa thực tế. Kết quả 2 kỳ bảo dưỡng sửa chữa định kỳ 2023 và 2024, Nhà máy đều hoàn thành sớm hơn kế hoạch được duyệt, góp phần tăng hiệu suất, công suất, sản lượng điện của Nhà máy.

Tính đến thời điểm 02h25 phút ngày 18/5/2024, Nhà máy đã đạt mốc sản lượng 10 tỷ kWh điện, dự kiến đến hết năm 2024 Nhà máy đạt 13,55 tỷ kWh điện.

Ước đến hết tháng 10/2024, Nhà máy đã hoàn thành vượt mức kế hoạch được giao về các chỉ tiêu sản lượng, doanh thu so với kế hoạch năm được duyệt. Dự kiến đến hết năm 2024, sản lượng điện của Nhà máy sẽ vượt kế hoạch khoảng 15%; tổng doanh thu vượt kế hoạch 19%.

Từ khi vận hành thương mại đến 31/12/2024, NMNĐ Sông Hậu 1 đóng góp nguồn thu ngân sách nhà nước ước đạt 924,29 tỷ đồng, góp phần vào sự phát triển kinh tế xã hội. Nhà máy đã tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa bàn tỉnh Hậu Giang và các tỉnh thành lân cận như Vĩnh Long, Cần Thơ, Sóc Trăng.

Petrovietnam

Việc đưa NMNĐ Sông Hậu 1 vào hoạt động có ý nghĩa quan trọng, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng; đảm bảo 1 trong 5 cân đối lớn của nền kinh tế; nhất là việc chủ đầu tư, các đơn vị đã vượt qua nhiều khó khăn để có dòng điện hòa vào hệ thống điện Quốc gia.

Đặc biệt, dự án NMNĐ Sông Hậu 1 đã trở thành “điểm sáng” trong việc thí điểm hiệu quả một số cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, chủ động tích cực hội nhập sâu rộng, hiệu quả.

Từ thành công của NMNĐ Sông Hậu 1, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: “Nhà máy đi vào hoạt động có ý nghĩa quan trọng, góp phần vào đảm bảo an ninh năng lượng, nhất là việc chủ đầu tư, các đơn vị đã vượt qua nhiều khó khăn để có dòng điện hòa vào hệ thống điện quốc gia, góp phần đưa Việt Nam trở thành một trong những nước đứng đầu ASEAN trong cung cấp nguồn điện”./.

Cùng chuyên mục
“Điểm sáng” tự chủ quốc gia trong ngành công nghiệp năng lượng