Tập trung tín dụngvào lĩnh vực ưu tiên
Ngay từ đầu năm, trên cơ sở mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2019 là 6,8% và lạm phát bình quân dưới 4% được Quốc hội và Chính phủ đặt ra, NHNN đã xây dựng chỉ tiêu định hướng tăng trưởng tín dụng cả năm 2019 khoảng 14%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. Với chỉ tiêu này, NHNN đã có Công văn chỉ đạo định hướng tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống và thông báo chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với từng tổ chức tín dụng (TCTD); trong đó, ưu tiên chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức cao hơn đối với TCTD thực hiện trước thời hạn các quy định về tỷ lệ an toàn vốn tại Thông tư số 41/2016/TT-NHNN. Đồng thời chỉ đạo các TCTD nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung phân bổ tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận vốn tín dụng của DN và người dân; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán, dự án xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT), xây dựng - chuyển giao (BT) giao thông...
Với những giải pháp trên, tín dụng đã tăng ngay từ đầu năm. Báo cáo của NHNN cho biết, tính đến ngày 25/3, tín dụng đối với nền kinh tế tăng khoảng 2,28% so với cuối năm 2018 và tương đương mức tăng cùng kỳ năm 2018 (tăng 2,78%). Hơn nữa, tín dụng cũng được tập trung cho sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên. Nhờ đó, tín dụng đối với ngành kinh tế đều tăng, trong đó tín dụng đối với ngành công nghiệp tăng 2,57%, ngành xây dựng tăng 1,08%, ngành thương mại và dịch vụ tăng 1,97%... Đặc biệt, tín dụng đối với hầu hết các lĩnh vực ưu tiên tăng khá. Cụ thể, tín dụng đối với lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tăng 3,44%; lĩnh vực xuất khẩu tăng 5,4%; tín dụng đối với DN ứng dụng công nghệ cao tăng 2,79%; đối với DN nhỏ và vừa giảm 1,64%; tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tăng 2,23% so với cuối năm 2018, chiếm tỷ trọng khoảng 25% tổng dư nợ đối với nền kinh tế.
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng khẳng định, định hướng tăng trưởng tín dụng thấp hơn so với năm trước phù hợp mục tiêu chung của Chính phủ là ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát. Theo đó, các chính sách điều hành tỷ giá, lãi suất, tín dụng… phải phối hợp nhuần nhuyễn với nhau để phục vụ mục tiêu này.
Chú trọng chất lượngtín dụng
Mới đây, khi công bố nâng hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn cho Việt Nam, Tổ chức Xếp hạng tín nhiệm quốc tế Standard & Poors (S&P) cũng đưa ra những đánh giá tích cực trong điều hành chính sách tiền tệ của NHNN. Theo S&P, quy mô dư nợ tín dụng của Việt Nam so với GDP là tương đối lớn so với các quốc gia khác, tuy nhiên, cùng với việc NHNN kiểm soát chặt chẽ dòng vốn tín dụng, tín dụng của hệ thống ngân hàng đã tăng trưởng chậm lại đáng kể trong năm 2018, đồng thời, xu thế này nhiều khả năng tiếp tục được duy trì trong những năm tới, góp phần tích cực trong việc củng cố sự ổn định của hệ thống ngân hàng.
Các chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng nhận định: Với việc giảm tốc độ tăng trưởng GDP và kiểm soát chặt chẽ hơn tín dụng trong các lĩnh vực có rủi ro cao như bất động sản, tăng trưởng tín dụng trong năm 2019 sẽ được duy trì dưới mức 14% của năm ngoái.
Trên cơ sở những kết quả tích cực trong điều hành tín dụng những tháng đầu năm, NHNN xác định giải pháp điều hành trọng tâm trong thời gian tới là kiểm soát quy mô tín dụng phù hợp với chỉ tiêu định hướng đi đôi với nâng cao chất lượng, tập trung tăng trưởng tín dụng lành mạnh vào lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực sản xuất kinh doanh, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và hạn chế phân bổ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Từ định hướng này, ngày 09/4, Thống đốc NHNN đã có Văn bản yêu cầu các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố xây dựng và triển khai kế hoạch tín dụng năm 2019 phù hợp với giải pháp điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng, hoạt động ngân hàng của Chính phủ và NHNN, góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Theo đó, các TCTD cần tuân thủ đúng quy định của pháp luật, các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của TCTD; thường xuyên đánh giá về tình hình tín dụng theo ngành, lĩnh vực để điều chỉnh kế hoạch tín dụng phù hợp với chỉ tiêu định hướng, diễn biến tình hình thực tế; mở rộng tín dụng có hiệu quả đi đôi với nâng cao chất lượng tín dụng; tập trung tín dụng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ.
Cùng với việc thực hiện các chương trình tín dụng đối với ngành, lĩnh vực theo chủ trương của Chính phủ thuộc lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, hỗ trợ nhà ở và nhà ở xã hội…, các TCTD kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, tín dụng tiêu dùng, tín dụng đối với khách hàng/nhóm khách hàng có dư nợ lớn; tăng cường công tác thanh tra, giám sát hoạt động tín dụng, đặc biệt là tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, cho vay phục vụ đời sống/tiêu dùng của các TCTD, công ty tài chính đảm bảo sử dụng vốn vay đúng mục đích, an toàn, hiệu quả; có giải pháp tín dụng phù hợp đáp ứng nhu cầu hợp pháp của người dân, góp phần hạn chế tín dụng đen…
ĐĂNG KHOA
Theo Báo Kiểm toán số 15 ra ngày 11-4-2019