Điều tiết tiền tệ hợp lý, bám sát mục tiêu ổn định vĩ mô

(BKTO) - Trước những biến động khó lường của kinh tế thế giới, ngành ngân hàng sẽ luôn kiên định chủ trương điều tiết tiền tệ hợp lý, khéo léo, kiên trì mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô…



                
   

6 tháng đầu năm 2022, NHNN đã điều hành chủ động, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ để kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô. Ảnh:thoibaonganhang.vn

   

Người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) - Thống đốc Nguyễn Thị Hồng - khẳng định chủ trương trên tại Hội nghị Sơ kết hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022, ngày 15/7.

Tín dụng tăng 9,35%, hơn 1 triệu khách hàng được cơ cấu nợ

Các báo cáo tại Hội nghị cho thấy, 6 tháng đầu năm, NHNN đã điều hành chủ động, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác nhằm hỗ trợ phục hồi kinh tế nhưng không chủ quan với rủi ro lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.

Tỷ giá và thị trường ngoại tệ ổn định, thanh khoản thông suốt; các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ, trong đó có nhu cầu nhập khẩu xăng dầu và các mặt hàng thiết yếu.

Các mức lãi suất điều hành được giữ nguyên, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức tín dụng (TCTD) tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp, có điều kiện giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng phục hồi sản xuất kinh doanh.

NHNN đã định hướng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm là 14%. Đến ngày 30/6/2022, tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 11,42 triệu tỷ đồng, tăng 9,35% (cùng kỳ năm 2021 tăng 6,47%). Cơ cấu tín dụng tập trung theo đúng định hướng điều hành của NHNN. Tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro tiếp tục được kiểm soát.

NHNN đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 28/2022/NĐ-CP về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đồng thời phối hợp với Bộ, ngành, cơ quan chủ trì trong xây dựng, trình ban hành các chính sách thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Đến cuối tháng 6/2022, dư nợ tín dụng chính sách đạt gần 274.000 tỷ đồng, tăng 10,3% so với năm 2021. Trong đó, tín dụng phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh tạo sinh kế và việc làm chiếm 74,3% tổng dư nợ, tín dụng phục vụ đời sống chiếm 25,7% tổng dư nợ.

Đối với các nhiệm vụ tín dụng chính sách tại Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 43/2022/QH15, đến ngày 13/7, Ngân hàng Chính sách xã hội đã giải ngân các chương trình tín dụng theo Nghị quyết số 11/NQ-CP là 9.048 tỷ đồng.

Sau 2,5 năm triển khai, chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ đã góp phần tích cực hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, với giá trị nợ được cơ cấu lũy kế là gần 710.000 tỷ đồng cho hơn 1 triệu khách hàng.

Đối với chính sách hỗ trợ lãi suất 2% đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP và Thông tư số 03/2022/TT-NHNN, NHNN đã quán triệt, chỉ đạo các ngân hàng thương mại triển khai trong toàn hệ thống, đồng thời đề nghị cơ quan có liên quan trình cấp có thẩm quyền bổ sung vốn đầu tư công thực hiện chính sách hỗ trợ và đã phân bổ hạn mức hỗ trợ lãi suất dự kiến năm 2022 cho từng ngân hàng.

Không chủ quan trong điều hành chính sách tiền tệ

Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, những điểm sáng tích cực trong 6 tháng đầu năm 2022 tạo đà cho ngành ngân hàng triển khai nhiệm vụ trong thời gian tới. Tuy nhiên, việc điều hành chính sách tiền tệ không thể chủ quan vì 6 tháng cuối năm 2022 được nhận định là sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là những bất định khó lường của kinh tế thế giới.
                
   

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh: Việc điều hành chính sách tiền tệ cần phù hợp, khéo léo, bám sát diễn biến kinh tế thế giới. Ảnh:thoibaonganhang.vn

   

Trước những áp lực đó, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng yêu cầu toàn ngành bình tĩnh để có bước đi phù hợp, giữ vững mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, đảm bảo an toàn của hệ thống ngân hàng.

Với mục tiêu đó, Thống đốc yêu cầu 6 tháng cuối năm, toàn ngành ngân hàng tiếp tục bám sát các nhiệm vụ trọng tâm năm 2022 tại Chỉ thị số 01/CT-NHNN, theo dõi sát các diễn biến tình hình kinh tế vĩ mô trên thế giới để đưa ra giải pháp phù hợp, đặc biệt là điều tiết tiền tệ hợp lý, khéo léo.

Toàn ngành hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức 14% trong năm nay; triển khai hiệu quả chính sách hỗ trợ lãi suất 2% đối với DN theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP và Thông tư số 03/2022/TT-NHNN. “Đây là chương trình triển khai thực hiện theo Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ để phục hồi kinh tế - xã hội. Vì thế, ngành ngân hàng cần thể hiện vai trò, vị trí, uy tín và trách nhiệm của cả hệ thống” - Thống đốc nhấn mạnh.

Người đứng đầu ngành ngân hàng cũng đề nghị toàn ngành tập trung xây dựng kế hoạch tái cơ cấu, xử lý nợ xấu trong vòng 5 năm tới và triển khai các đề án xử lý ngân hàng 0 đồng, ngân hàng yếu kém.

Ngành ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số, đáp ứng nhu cầu các mô hình kinh doanh, sản phẩm dịch vụ mới trên nền tảng công nghệ thông tin, đồng thời tăng cường an toàn, an ninh cho hoạt động thanh toán số; thanh tra, giám sát toàn diện mọi mặt hoạt động của ngân hàng.

Công tác truyền thông cũng cần được đẩy mạnh để doanh nghiệp và người dân hiểu được quan điểm chính sách của Chính phủ và NHNN về tiền tệ và hoạt động ngân hàng…/.
THÀNH ĐỨC

Cùng chuyên mục
Điều tiết tiền tệ hợp lý, bám sát mục tiêu ổn định vĩ mô