Định hướng phát triển Thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk bằng một số cơ chế, chính sách đặc thù

(BKTO) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đang lấy ý kiến rộng rãi đối với Dự thảo “Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk” do Bộ chủ trì xây dựng.



                
   

Định hướng phát triển Thành phố Buôn Ma Thuột trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên. Ảnh: TTXVN

   

Để tạo điều kiện cho Thành phố Buôn Ma Thuột phát triển, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 60-KL/TW ngày 27/11/2009 với các nhóm giải pháp, chính sách phân cấp mạnh hơn cho Thành phố và cho phép Thành phố thực hiện thí điểm một số cơ chế mới đối với những vấn đề mà thực tiễn Thành phố đặt ra.

Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận số 60-KL/TW ngày 27/11/2009 của Bộ Chính trị khóa XII nêu rõ, Thành phố Buôn Ma Thuột đã đạt được một số mục tiêu đề ra và có sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế - xã hội, từng bước khẳng định vai trò đô thị trung tâm của vùng Tây Nguyên với mức tăng trưởng tương đối nhanh, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, thu ngân sách tăng khá dẫn đến sự gia tăng của quy mô nền kinh tế.

Buôn Ma Thuột đã trở thành đô thị loại I trực thuộc tỉnh Đắc Lắk với nhiều chỉ tiêu đạt và vượt các tiêu chí đặt ra, cùng với các đô thị khác như Đà Lạt, Pleiku, Kon Tum, Gia Nghĩa trở thành chùm đô thị hạt nhân của vùng Tây Nguyên.

Thành phố đã huy động được nhiều và đa dạng các nguồn vốn, nhất là các nguồn vốn ngoài ngân sách cho đầu tư phát triển đô thị, đặc biệt là cho đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; lĩnh vực văn hóa và xã hội có bước phát triển khá, trong đó các hoạt động khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, y tế, thể dục và thể thao từng bước được nâng lên…

Tuy nhiên, Thành phố Buôn Ma Thuột vẫn chưa thực sự đóng vai trò là đô thị trung tâm mang đặc sắc riêng của vùng Tây Nguyên; chưa thực sự trở thành một cực tăng trưởng với những tác động lan tỏa tích cực tới các tỉnh khác trong Vùng.

Định hướng phát triển Thành phố Buôn Ma Thuột đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bộ Chính trị đã đề ra mục tiêu: “Xây dựng và phát triển Thành phố Buôn Ma Thuột trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên trên cơ sở khai thác và phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế của Thành phố, nhất là tài nguyên thiên nhiên, các giá trị văn hóa, lịch sử, vị trí địa lý trung tâm vùng, tam giác Lào - Việt Nam - Campuchia. Tiếp tục duy trì tăng trưởng kinh tế cao và bền vững, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển công nghiệp chế biến, công nghiệp phần mềm, năng lượng sạch; phát triển dịch vụ, du lịch theo hướng xanh, sinh thái, thông minh và bản sắc riêng vùng Tây Nguyên; phát triển nông nghiệp đô thị, sinh thái, ứng dụng công nghệ cao; chú trọng ứng dụng khoa học và công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; thúc đẩy đổi mới sáng tạo; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực”.

Để đạt được mục tiêu nêu trên, việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Buôn Ma Thuột là cần thiết nhằm khai thác hiệu quả các tiềm năng và thế mạnh, giúp Thành phố thực hiện được các mục tiêu tại Kết luận số 67-KL/TW ngày 16/12/2019 của Bộ Chính trị.

Bộ KH&ĐT cho biết, Dự thảo Nghị quyết gồm 8 Điều. Căn cứ 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đã được Bộ Chính trị đề ra tại Kết luận số 67-KL/TW và theo đề xuất của tỉnh Đắk Lắk, Bộ KH&ĐT trình Chính phủ dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định thí điểm 05 chính sách đặc thù thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội khác với quy định hiện hành hoặc chưa có quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật.

Cụ thể, 05 chính sách đặc thù thuộc các lĩnh vực: quản lý tài chính - NSNN (02 chính sách); ưu đãi thu hút đầu tư (01 chính sách); phân cấp quản lý nhà nước trong lĩnh vực quy hoạch (01 chính sách); ưu đãi đối với chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt (01 chính sách).

Lưu ý về chính sách đầu tư, Bộ KH&ĐT cho biết, hiện nay, Luật Đầu tư và Luật Đầu tư công đã đẩy mạnh phân cấp cho các địa phương. Hội đồng nhân dân, UBND các cấp được quyết định chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án, cấp và điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư các dự án lên đến quy mô nhóm A, bao gồm cả các dự án sử dụng vốn đầu tư công.

Toàn bộ kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm của các địa phương cũng do Hội đồng nhân dân địa phương quyết định phương án phân bổ; việc thu hút vốn FDI và vốn đầu tư tư nhân cũng do địa phương hoàn toàn chủ động và quyết định./.
QUỲNH ANH

Cùng chuyên mục
Định hướng phát triển Thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk bằng một số cơ chế, chính sách đặc thù