Các khác mời thảo luận tại Hội thảo |
Trên thế giới đã có nhiều bài học thành công trong việc xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo để hỗ trợ các startup và DNNVV mở rộng quy mô, ứng dụng giải pháp sáng tạo và khoa học công nghệ với tác động kinh tế, tập trung các công ty công nghệ tỷ đô và hàng chục ngàn việc làm chất lượng cao.
Điển hình là Singapore xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp (Chương trình vườn ươm Block 71, Trung tâm khởi nghiệp Đại học quốc gia NUS); Thành phố truyền thông số tại Seoul, Hàn Quốc; Trung Quân thôn tại Bắc Kinh, Trung Quốc hay CyberSpark tại Beer Sheva, Israel chuyên về an ninh mạng...
Tại Việt Nam, Chính phủ xác định Việt Nam cần có chiến lược và những hành động cụ thể để nhanh chóng nắm bắt cơ hội từ xu hướng CMCN 4.0 và tiếp thu bài học thành công của các quốc gia trên thế giới (như Đề án tái cơ cấu kinh tế gắn với CMCN 4.0, Chiến lược quốc gia về CMCN 4.0, Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia... giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng). Đây được xem là hạt nhân cho việc thúc đẩy phát triển kinh tế dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) sẽ là trung tâm nghiên cứu ứng dụng công nghệ đổi mới sáng tạo ở Việt Nam, áp dụng triệt để các kinh nghiệm quốc tế, huy động tư nhân hoặc chuyên gia nước ngoài điều hành, thể chế thuận lợi, có thể cạnh tranh với các quốc gia khác trên thế giới. NIC sẽ ưu tiên 5 lĩnh vực: nhà máy thông minh, nội dung số, an ninh mạng, đô thị thông minh, công nghệ môi trường.
Những nội dung này được kỳ vọng trở thành hạt nhân cho việc thúc đẩy phát triển kinh tế của Việt Nam trong dài hạn. Việc chuyển hướng kinh tế mang hàm lượng khoa học công nghệ nhiều hơn và xã hội hóa sẽ là quá trình dài và khó khăn, đòi hỏi các chương trình thí điểm và có sự phối hợp, hỗ trợ của nhiều bên liên quan: các Bộ, ngành, địa phương cũng như tổ chức hiệp hội, nhà đầu tư, ngân hàng, công ty, tổ chức giáo dục...
Chia sẻ kết quả khảo sát “Thách thức tăng trưởng của DNNVV” được thực hiện vào cuối năm 2018 trên toàn cầu và nhiều cuộc phỏng vấn sâu tại Anh, Malaysia và Việt Nam, ông Sharath Martin - Tư vấn chính sách ACCA Khu vực ASEAN, Úc và New Zealand, cho biết: “Để mở rộng quy mô hiệu quả, DNNVV cần xây dựng mục tiêu, tầm nhìn và chiến lược tăng trưởng. Theo đó, chiến lược tăng trưởng sẽ được xây dựng trên 3 lĩnh vực chính là dự báo triển vọng, cơ cấu tổ chức và hành vi”.
Thông qua khảo sát, ACCA đã giới thiệu bộ công cụ các DNNVV có thể sử dụng để tối đa hóa cơ hội mở rộng quy mô kinh doanh, gọi vốn thành công, đồng thời đề xuất chi tiết các việc DNNVV cần làm ngay, đó là: xây dựng văn hoá tăng trưởng, thiết lập khung quản trị, phát triển đội ngũ quản lý, tích hợp tài chính vào chiến lược tăng trưởng, áp dụng công nghệ mới, tận dụng nguồn vốn và tư vấn bên ngoài.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Tăng Ngọc Trường An- Tổng giám đốc Ibosses Việt Nam đánh giá: “DNNVV khởi nghiệp đang đứng trước cơ hội lớn khi có sự đồng hành của Chính phủ, sự quan tâm của các nhà đầu tư - định chế tài chính, sự hỗ trợ của hệ sinh thái khởi nghiệp dần lớn mạnh. Tuy nhiên, thành công chỉ đến với những DN quản trị bài bản theo chuẩn quốc tế và minh bạch tài chính.
Cũng tại sự kiện này, Tổng giám đốc Ibosses Việt Nam đã giới thiệu Chương trình iStart - chương trình tăng tốc DN, dựa trên nền tảng hệ sinh thái của iBosses, do Bộ Kế hoạch & Đầu tư cùng iBosses Việt Nam phối hợp thực hiện. Mục đích của chương trình là chuyên nghiệp hóa các DNNVV, các startup hoạt động hiệu quả trong kỷ nguyên số, đồng thời giúp kết nối đầu tư trong nước và quốc tế.
THÙY LÊ