Đô thị hóa trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0 tại Việt Nam: Xu hướng đổi mới và điều kiện phát triển

(BKTO)- Đây là tên gọi của Hội thảo do Trường Đại học Kinh tế Quốc dân phối hợp với Cục Phát triển Đô thị, Bộ Xây dựng tổ chức ngày 20/3, tại Hà Nội.



Phát biểu tại Hội thảo, PGS,TS. Trần Thị Vân Hoa- Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân khẳng định: “Đô thị hóa đang diễn ra nhanh chóng tại Việt Nam. Bên cạnh những tác động tích cực, quá trình đô thị hóa đang đặt ra nhiều thách thức cho quản lý và phát triển đô thị như: khan hiếm tài nguyên thiên nhiên, ô nhiễm môi trường, sự quá tải của hệ thống cơ sở hạ tầng, năng lượng…”.
                
   

PGS,TS. Trần Thị Vân Hoa - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân phát biểu tại Hội thảo

   

Theo PGS,TS. Trần Thị Vân Hoa, tất cả những thách thức đó đã tạo áp lực buộc các nhà quản lý phải có những điều chỉnh tích cực và hiệu quả để tiến tới hình thành đô thị thông minh hơn.

Tại Hội thảo, nhiều vấn đề đã được các đại biểu tập trung trao đổi như: Đô thị hóa gắn với cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0); đô thị thông minh và bền vững; các giải pháp quản lý đô thị trong bối cảnh CMCN 4.0; tài chính trong phát triển đô thị; hạ tầng giao thông, nhà ở, y tế, giáo dục, môi trường đô thị; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý đô thị; hợp tác công tư trong quản lý đô thị; hiệu quả năng lượng trong các tòa nhà ở đô thị và tình hình bất động sản trong bối cảnh mới... Các đại biểu cũng đề cập đến vai trò của các Bộ, ngành, các cơ sở đào tạo đại học, học viện trong việc đào tạo, nghiên cứu giải pháp thúc đẩy sự phát triển của đô thị Việt Nam dưới tác động của cuộc CMCN 4.0.

Theo TS. Trần Ngọc Linh (Bộ Xây dựng), Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển đô thị thông minh, tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện được dự báo sẽ gặp nhiều thách thức. Điểm mấu chốt để triển khai thành công đô thị thông minh là khâu hoạch định chính sách, quy hoạch đô thị phải đảm bảo có tính kết nối, khoa học và có tầm nhìn dài hạn.
                
   

Đại biểu tham luận tại Hội thảo

   

TS. Nguyễn Thanh Bình- Phó Viện trưởng Viện Kinh tế- Xã hội Hà Nội trao đổi về tính “bền vững” của đô thị thông minh trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0; vấn đề hoạch định xây dựng các chính sách để tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng đô thị thông minh bền vững của Hà Nội. Theo ông Bình, thời gian qua, việc xây dựng đô thị tại Hà Nội đã đạt được những kết quả nhất định, tuy nhiên, trong xu thế đổi mới, vấn đề phát triển đô thị của Hà Nội vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết để hướng đến phát triển bền vững.

Nhiều đại biểu cũng cho rằng khi tiến hành xây dựng đô thị trong bối cảnh công nghệ số cần chú ý việc xây dựng chiến lược chuyển đổi số; xây dựng hạ tầng kết nối số và an ninh mạng; đào tạo nguồn nhân lực số; xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; cũng như vấn đề xây dựng nông nghiệp thông minh, du lịch thông minh....

Tin và ảnh: LÊ CHI
Cùng chuyên mục
Đô thị hóa trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0 tại Việt Nam: Xu hướng đổi mới và điều kiện phát triển