Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội lắng nghe ý kiến cử tri về tuổi nghỉ hưu đối với người lao động trong Bộ luật Lao động (sửa đổi)

(BKTO)- Ngày 9/10, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội đã tổ chức Hội thảo “Một số vấn đề về tuổi nghỉ hưu đối với người lao động trong Bộ luật Lao động (sửa đổi)”. Đồng chí Nguyễn Thị Bích Ngọc- Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND Thành phố chủ trì hội nghị.



Cùng dự có đồng chí Bùi Sỹ Lợi- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội; các đại biểu trong Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội và các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà hoạch định chính sách.
                
   

Đồng chí Nguyễn Thị Bích Ngọc- Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND Thành phố phát biểu tại Hội thảo- Ảnh: N.Ly

   
Phát biểu khai mạc Hội thảo, bà Bùi Huyền Mai- Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội cho biết, Bộ luật Lao động năm 2012 đã tạo được hành lang pháp lý cho các chủ thể tham gia thị trường lao động. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều quy định trong Bộ luật Lao động đã không còn phù hợp với thực tiễn. Vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung lần này nhằm giải quyết những chính sách lớn mà Đảng và Nhà nước mới ban hành

Đồng thời, việc sửa đổi, bổ sung Bộ Luật cũng thực hiện mục tiêu thể chế hóa Hiến pháp năm 2013, tạo nên sự đồng bộ trong hệ thống pháp luật nói chung; đáp ứng yêu cầu trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và thực hiện các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết.

Tham gia ý kiến tại Hội thảo, TS. Nguyễn Xuân Thu- Phó Giám đốc Học viện Tư pháp cho rằng, Việt Nam là một trong rất ít quốc gia có quy định tuổi nghỉ hưu của lao động nam- nữ khác nhau và có sự khác biệt khá lớn (5 tuổi). Thực tế cho thấy, quy định này đã trở nên lạc hậu so với xu hướng phát triển chung và việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu là thực sự cần thiết.

Theo TS. Nguyễn Xuân Thu, kết quả điều tra về mức sống hộ gia đình Việt Nam năm 2006 của Tổng cục Thống kê cho thấy, phụ nữ trong độ tuổi 50-59 không hề yếu hơn nam giới cùng tuổi, thậm chí trung bình mỗi năm phụ nữ ít báo ốm và ít phải nằm viện hơn nam giới cùng tuổi. Vì vậy, chúng ta cần bình đẳng tuổi hưu giữa lao động nam và nữ, vì phụ nữ có khả năng làm việc tương đương nam giới. Nếu lao động nữ nghỉ hưu sớm quá sẽ ảnh hưởng đến thu nhập, giảm cơ hội việc làm và thăng tiến của họ.

Còn theo PGS.TS Nguyễn Văn Định- nguyên Trưởng khoa Bảo hiểm, Đại học Kinh tế Quốc dân- lẽ ra tuổi nghỉ hưu phải được tăng từ năm 2010 bởi các quy định pháp luật thường có độ trễ, không thể nói là làm được ngay. Thực tiễn từ nhiều nước trên thế giới cho thấy, tăng tuổi nghỉ hưu có nhiều tác động tích cực đến các vấn đề kinh tế- xã hội, đặc biệt là vấn đề bình đẳng giới và rút ngắn khoảng thời gian lương hưu, mở rộng diện bao phủ trợ cấp xã hội cho người già.

Nêu quan điểm về việc cần phân biệt tuổi nghỉ hưu và tuổi làm việc, GS.TS Nguyễn Anh Trí- Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội cho rằng, những người về hưu không có nghĩa là không làm việc, thậm chí nhiều người làm việc còn nhiều hơn lúc đương chức. Cụ thể như: các bác sĩ giỏi dù đã về hưu nhưng thu nhập còn cao hơn so với khi còn làm Nhà nước bởi bản thân họ vẫn tiếp tục làm việc và nghiên cứu.

TS. Ngô Quỳnh An- Đại học Kinh tế Quốc dân nêu ý kiến: Quy định tuổi nghỉ hưu cố định sẽ khó phù hợp với nhiều nhóm người lao động, vì vậy chúng ta cần một chính sách nghỉ hưu linh hoạt hơn. Thực tế cho thấy, những lao động thuộc nhóm trí thức, đội ngũ giáo viên, bác sĩ… sau nghỉ hưu vẫn tiếp tục làm việc đến khoảng 65 tuổi. Đặc biệt lao động thuộc nhóm lực lượng vũ trang nghỉ hưu ở độ tuổi còn rất trẻ, khỏe; thậm chí nam giới mới 50 tuổi đã nghỉ hưu, hầu hết đều tìm kiếm việc làm thêm tùy thuộc trình độ, năng lực mỗi người.

Tại Hội thảo, các đại biểu cũng đã phân tích vấn đề về giới trong tăng tuổi nghỉ hưu, lộ trình nghỉ hưu, cơ chế khuyến khích cho những người tiếp tục làm việc; các vấn đề về sửa đổi, bổ sung tuổi nghỉ hưu trong Bộ luật Lao động… Các đại biểu cũng đề nghị nghiên cứu và cụ thể hóa từng đối tượng cần tăng tuổi nghỉ hưu và những đối tượng có thể giữ nguyên như hiện nay hoặc được về hưu sớm trước tuổi quy định….

Phát biểu kết thúc Hội thảo, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc nêu rõ: Xây dựng luật là một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng của Quốc hội. Trong xây dựng luật, trách nhiệm và tiếng nói của đại biểu Quốc hội có ý nghĩa quan trọng. Thực hiện trách nhiệm trước cử tri và nhân dân, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội tổ chức hội thảo để lắng nghe các ý kiến về những vấn đề lớn, còn ý kiến khác nhau.

Phó Bí thư Thành ủy đề nghị, sau Hội thảo, các đại biểu tiếp tục nghiên cứu, đưa ra các ý kiến đóng góp để xây dựng Luật. Các đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội cần nghiên cứu trên tinh thần quán triệt các mục đích, yêu cầu chung của việc sửa đổi Luật và các văn bản của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đồng thời lắng nghe thêm ý kiến cử tri về vấn đề này…

THÙY LÊ
Cùng chuyên mục
Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội lắng nghe ý kiến cử tri về tuổi nghỉ hưu đối với người lao động trong Bộ luật Lao động (sửa đổi)