Ngày 13/11, tại TP. HCM, Ban Tổ chức Triển lãm Hàng hải châu Á Thái Bình Dương (APM) phối hợp cùng các ngành và DN hàng hải Việt Nam tổ chức Hội thảo “Tương lai của tàu, giải pháp cho ngày mai". Đây là dịp để các chuyên gia, nhà nghiên cứu trong lĩnh vực hàng hải, nhiên liệu, động cơ diesel cùng các DN vận tải đường biển trong nước và quốc tế trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm ngành công nghiệp tàu biển và những tác động ảnh hưởng đến ngành hàng hải Việt Nam.
Quang cảnh Hội thảo - Ảnh: CTV |
Theo đánh giá của các chuyên gia, ngành vận tải biển Việt Nam tiếp tục đạt được sự tăng trưởng ổn định với lượng hàng hóa được vận chuyển bởi đội tàu của Việt Nam đạt hơn 81 triệu tấn trong 6 tháng đầu năm 2019, tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái. Thống kê của Cục hàng hải Việt Nam cũng cho thấy, trong nửa đầu năm 2019, lưu lượng hàng hóa thông quan cảng biển Việt Nam đạt 308,8 triệu tấn, tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhiều chuyên gia đánh giá, những diễn biến kinh tế mới trên toàn cầu có thể tiếp tục thúc đẩy sự tăng trưởng này tại Việt Nam, tuy nhiên cần phải có những chuyển biến trong chính các DN hàng hải để bắt kịp với xu thế và yêu cầu của thị trường. Đơn cử như: Quy định về giới hạn lưu huỳnh 2020 của Tổ chức Hàng hải quốc tế IMO- một yêu cầu kỹ thuật cao đối với các chủ tàu- sẽ có hiệu lực từ tháng 01/2020. Theo đó, giới hạn lưu huỳnh 2020 sẽ mang đến nhiều thay đổi lớn trong ngành vận tải biển, làm tăng chi phí vận hành và quản lý do chi phí nhiên liệu tăng. Chính vì vậy, các quốc gia có truyền thống đóng tàu lớn như: Nhật Bản, EU và Hoa Kỳ đã và đang tìm cách sử dụng nhiên liệu hóa lỏng để giảm chi phí. Đây cũng là thời cơ thích hợp để Việt Nam học hỏi từ những cường quốc hàng hải toàn cầu trong khi vẫn phải phụ thuộc vào việc nhập khẩu nhiên liệu sạch hơn trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, các chủ tàu Việt Nam đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn như đội tàu lạc hậu và khả năng tiếp cận vốn hạn chế gây cản trở việc hiện đại hóa. Tổng Thư ký Hiệp hội Chủ tàu Việt Nam Bùi Văn Trung chia sẻ, đội tàu Việt Nam chủ yếu bao gồm các tàu cũ, lạc hậu, trong đó có rất nhiều tàu có tuổi đời từ 15 năm trở lên. Chính vì vậy, chúng ta phải đối mặt với rất nhiều bất lợi từ những tàu nước ngoài mới và hiện đại hơn. Mặc dù hiện đại hóa là điều bắt buộc để tồn tại nhưng nó cũng là một thách thức lớn đối với các công ty vận tải vốn phải đối mặt với lợi nhuận thấp và khó khăn trong việc huy động vốn. Sự thiếu hụt nhân lực hàng hải lành nghề cũng là một vấn đề nan giải đối với các chủ tàu.
Trước những hạn chế trên, vào cuối năm 2018, Cục Hàng hải Việt Nam đã chính thức kêu gọi các chủ tàu và các bên liên quan đẩy nhanh việc áp dụng các công nghệ 4.0 trong lĩnh vực hàng hải. Các chuyên gia quốc tế cũng nhận định, dù khó khăn nhưng hiện nay, ngành hàng hải Việt Nam đã có một số dấu hiệu tích cực. Đặc biệt là các nhà cung cấp thiết bị và phụ tùng quốc tế đang hướng tới ngành công nghiệp đóng tàu Việt Nam nhằm phát huy tiềm năng phát triển rộng lớn. Đây là thời điểm mà ngành công nghiệp đóng tàu Việt Nam cần tăng tốc để đón nhận các cơ hội và phát huy tiềm năng sẵn có.
LÊ HÒA