Thứ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Phạm Anh Tuấn phát biểu |
Diễn đàn “Đổi mới đào tạo báo chí, truyền thông trong kỷ nguyên số” là hoạt động tiếp theo khởi động cho những sáng kiến mới trong khuôn khổ “Dự án phát triển Báo chí Việt Nam giai đoạn 2020-2024” năm 2021.
Dự Diễn đàn có các đồng chí: Lê Quốc Minh - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân kiêm Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Trần Thanh Lâm - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Anh Tuấn cùng đại diện lãnh đạo một số đơn vị chức năng thuộc Bộ TT&TT; các trường đại học, học viện đào tạo chuyên ngành báo chí và 200 đại biểu tại các địa phương…
Tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Anh Tuấn cho biết, thực hiện Dự án “Phát triển báo chí Việt Nam giai đoạn 2020-2024” năm 2021, Bộ TT&TT đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành tổ chức Diễn đàn “Đổi mới đào tạo báo chí, truyền thông trong kỷ nguyên số” nhằm trao đổi, đánh giá thực trạng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ báo chí, truyền thông; những mô hình đào tạo báo chí, truyền thông trên thế giới; những cơ hội và thách thức của báo chí trong thời đại công nghiệp 4.0; đưa ra thông điệp và giải pháp về đào tạo báo chí, truyền thông thời đại 4.0.
Dự án “Phát triển báo chí Việt Nam giai đoạn 2020-2024” góp phần đào tạo, bồi dưỡng, phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực báo chí, phục vụ chuyển đổi số vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, sự nghiệp đổi mới, hội nhập và phát triển đất nước trong xu thế công nghệ mới. Đây được coilà chương trình hành động nhằm thực hiện sáng kiến của Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng với mục tiêu sự hỗ trợ phát triển của báo chí cách mạng Việt Nam, hòa nhập với sự phát triển của báo chí thế giới, góp phần thực hiện tốt vai trò xây dựng khát vọng về một Việt Nam hùng cường.
Sự phát triển của công nghệ trong kỷ nguyên số đã mang lại cơ hội cũng như thách thức và đang làm thay đổi cách thức, mô hình việc làm của nhiều lực lượng lao động trong đó có báo chí, truyền thông.
Thực tế, nguồn lực báo chí, truyền thông hiện nay chủ yếu được đào tạo theo hình thức truyền thống nhưng nay phải “gồng mình” để làm báo chí, truyền thông trong môi trường của thời đại công nghệ số. Do đó, công tác đào tạo nguồn lực báo chí truyền thông cần đổi mới phù hợp với xu hướng phát triển của kỷ nguyên số.
Quang cảnh Diễn đàn "Đổi mới đào tạo báo chí, truyền thông trong kỷ nguyên số". Ảnh: mic.gov.vn |
Theo TS. Nguyễn Minh Phong - nguyên Phó Trưởng Ban Tuyên truyền lý luận, Thư ký Hội đồng khoa học nghiệp vụ Báo Nhân dân, trong thời đại bùng nổ thông tin, tác nghiệp trong cơ chế thị trường với nhiều sức ép, nền tảng quan trọng đối với các nhà báo là cần phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức nghề nghiệp trong sáng, trách nhiệm xã hội và năng lực nghề nghiệp cao, hiểu biết và tuân thủ pháp luật.
PGS,TS. Nguyễn Trường Giang - Phó Giám đốc Học viện Báo chí Tuyên truyền - cho rằng, chương trình đào tạo ảnh hưởng lớn đến chất lượng truyền thông. Việc đổi mới báo chí cần gắn lý thuyết với thực tiễn, ngoài ra cần có sự kết nối cơ quan quản lý nhà nước vào quá trình đào tạo, bồi dưỡng cho sinh viên.
PGS,TS. Đinh Thị Thúy Hằng - Giám đốc Trung tâm bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí (Hội Nhà báo Việt Nam) - cũng đưa ra một số giải pháp nâng cao chất lượng bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí, đặc biệt là việc cần mở rộng kỹ năng đào tạo chuyên sâu, bồi dưỡng cho người làm báo kỹ năng làm báo hiện đại, mô hình tòa soạn đa phương tiện, ứng dụng công nghệ mới trong kỷ nguyên số…
Phát biểu tại Diễn đàn, Tổng Biên tập Báo Nhân dân Lê Quốc Minh cho biết, việc chuyển đổi số không chỉ là đầu tư công nghệ, trước hết là việc chuyển đổi tư duy, vận hành của đội ngũ lãnh đạo báo chí đến đội ngũ phóng viên, biên tập viên. Vì thế, việc đổi mới đào tạo báo chí, truyền thông trong kỷ nguyên số không chỉ hạn chế trong môi trường nhà trường mà còn cần thực hiện đào tạo thường xuyên ngay trong các cơ quan báo chí, liên tục cập nhật xu hướng báo chí của thế giới./.
THÙY ANH