Đổi mới hoạt động kiểm toán: Thời cơ và thách thức

(BKTO) - Tại Hội thảo góp ý 14 Dự thảo Chuẩn mực KTNN (CMKTNN) diễn ra vào tháng 11/2015, Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Hữu Vạn đã yêu cầu toàn ngành phải tiến tới đổi mới hoạt động kiểm toán theo hướng chuyên nghiệp hơn, tiệm cận hơn những chuẩn mực và thông lệ quốc tế. Một lần nữa, chỉ đạo này của “Tư lệnh” ngành đã khơi thêm quyết tâm đổi mới để nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán của KTNN.




Hoạt động kiểm toán nhà nước ngày càng hiệu quả hơn, tiệm cận hơn với những chuẩn mực và thông lệ quốc tế. Ảnh: ĐÔNG SƠN

Khẳng định sự cần thiết phải đổi mới hoạt động kiểm toán của KTNN, Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Hữu Vạn đã nêu lên những lý do quan trọng. Thứ nhất, năm 2015 là năm Việt Nam đã ký kết một loạt các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA), hoàn tất đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và cùng với các nước ASEAN xúc tiến thành lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC). Đất nước đã hội nhập thì mọi lĩnh vực đều phải hội nhập. Thứ hai, hơn 20 năm xây dựng và phát triển, KTNN đã đạt được những thành tựu quan trọng, nhất là trong 2 năm vừa qua. Cụ thể, Hiến pháp năm 2013 đã hiến định địa vị pháp lý của KTNN. Nhằm cụ thể hóa quy định này trong Hiến pháp, Luật KTNN đã được sửa đổi, thông qua tại kỳ họp thứ IX, Quốc hội khóa XIII và chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2016. Do đó, việc đổi mới hoạt động kiểm toán để đảm bảo thực thi Luật KTNN (sửa đổi) là vấn đề cần thiết.

Ở thời điểm này, cùng với nỗ lực triển khai thi hành Luật KTNN (sửa đổi), KTNN cũng đang trong quá trình khẩn trương hoàn thiện việc xây dựng và ban hành hệ thống CMKTNN, góp phần tạo dựng cơ sở pháp lý vững chắc cho hoạt động kiểm toán. Một trong những yêu cầu quan trọng đối với quá trình xây dựng hệ thống CMKTNN đó là các quy định trong chuẩn mực phải góp phần đổi mới hoạt động kiểm toán.

Tuy nhiên, bàn về vấn đề trên, hiện vẫn còn có những quan điểm khác nhau. Nhiều ý kiến đồng tình với chủ trương đổi mới hoạt động kiểm toán của KTNN. Theo đó, KTNN phải thay đổi cách tiếp cận, xác định đổi mới hoạt động kiểm toán dựa trên tuân thủ chuẩn mực quốc tế (ISSAI). Hơn nữa, Cộng đồng AEC được thiết lập cũng đặt ra những yêu cầu về hội nhập trong hoạt động kế toán, kiểm toán; do đó nếu KTNN cứ “kỳ cạch” mãi cách làm cũ thì khó có thể hội nhập một cách sâu rộng. Song, có ý kiến lại cho rằng, một số quy định liên quan đến đổi mới hoạt động kiểm toán trong các dự thảo CMKTNN chưa mang tính khả thi nên nếu được ban hành sẽ khó áp dụng trong thực tiễn hoạt động kiểm toán. Chẳng hạn, đối với khâu lập Kế hoạch kiểm toán của cuộc kiểm toán tài chính (CMKTNN 1300), quy định lập Kế hoạch kiểm toán chi tiết đồng thời với lập Kế hoạch kiểm toán tổng quát trước khi xuống đơn vị được kiểm toán là khó thực hiện vì khi đó, Tổng Kiểm toán Nhà nước chưa quyết định cụ thể sẽ kiểm toán đơn vị nào. Hơn nữa, việc làm này chỉ có thể áp dụng với những đơn vị được kiểm toán ít đầu mối, còn với những đơn vị nhiều đầu mối, KTNN sẽ không có đủ thời gian và nhân lực để thực hiện. Do vậy, ở thời điểm này, nên chăng, vẫn thực hiện việc lập Kế hoạch kiểm toán theo cách truyền thống. Hay đối với vấn đề giải trình bằng văn bản (CMKTNN 1580), có ý kiến cho rằng, quy định đơn vị được kiểm toán cung cấp các giải trình bằng văn bản theo yêu cầu của KTNN là xác đáng. Nhưng trên thực tế, quy định này sẽ rất khó khăn trong quá trình thực hiện. Do đó, để đảm bảo tính khả thi, Ban soạn thảo cần tính toán và cân nhắc kỹ khi đưa quy định này vào Dự thảo CMKTNN 1580.

Rõ ràng, đổi mới hoạt động kiểm toán trong bối cảnh hiện nay không hề đơn giản bởi thực tế cho thấy, hoạt động này còn nhiều khó khăn, thách thức. Nhưng suy cho cùng, không riêng gì KTNN, có lĩnh vực nào mà công cuộc đổi mới chỉ trải toàn “thảm đỏ” và “hoa hồng”? Nhìn lại lịch sử, việc triển khai chính sách “khoán hộ” trong nông nghiệp những năm 1966-1968 ở Vĩnh Phúc từng gặp nhiều rào cản. Nhưng thời gian đã minh chứng những lợi ích tốt đẹp mà chính sách này mang lại cho người nông dân để rồi sau đó, “khoán hộ” không chỉ “nổ” ra ở Vĩnh Phúc mà còn lan tỏa tới Phú Thọ, Hải Phòng… Ở thời điểm này, trước những yêu cầu đặt ra từ hội nhập ngày càng khắt khe, không ít chuyên gia lại bày tỏ khát khao Việt Nam sẽ có thêm những chính sách đột phá như “khoán 10” dành cho các DN để đưa ngành Công nghiệp Việt Nam vươn tới những tầm cao mới. Hay nhìn sang ngành Giáo dục, công cuộc đổi mới thi cử, đổi mới cách thức dạy học trong nhà trường thời gian qua đã chịu nhiều “sức nặng” của “búa rìu” dư luận. Nhưng nhìn một cách công tâm, những đổi mới ấy đã phần nào giảm bớt được bất cập của việc thi cử, dạy học trước đây. Dù quá trình đổi mới giáo dục vẫn còn nhiều tồn tại nhưng những nỗ lực đổi mới của ngành Giáo dục thời gian qua đã được Chính phủ ghi nhận. Như vậy, lịch sử và hiện tại đều đã phần nào minh chứng: Đổi mới là con đường đầy chông gai. Chấp nhận đổi mới là xác định đương đầu với trở lực, trở ngại, có thành công và cũng không ít rủi ro. Trong mọi hoàn cảnh, công cuộc đổi mới ở bất kỳ ngành nào, lĩnh vực nào cũng cần lắm ở những người được giao trọng trách một tấm lòng dũng cảm, sự kiên định và bản lĩnh để đương đầu giông gió.

Đất nước đã bước sang năm 2016. Mọi ngành, mọi lĩnh vực đều đang nỗ lực, tích cực chuẩn bị cho công cuộc đổi mới, hội nhập sâu rộng hơn vào “sân chơi” khu vực cũng như quốc tế, dẫu biết rằng muôn vàn thử thách đang chờ đợi ở “sân chơi” đó. Hòa cùng với khí thế của đất nước, dân tộc, trên con đường mở rộng và tăng cường hợp tác quốc tế, KTNN Việt Nam cũng đã sẵn sàng trong vai trò là Chủ tịch Uỷ ban Kế hoạch chiến lược của Tổ chức các Cơ quan Kiểm toán tối cao các nước Đông Nam Á (ASEANSAI) và Chủ tịch Tổ chức các Cơ quan kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI) giai đoạn 2018-2021. Bởi vậy, đây chính là thời cơ để KTNN chuyển mình để hoạt động kiểm toán nhà nước ngày càng chuyên nghiệp hơn, tiệm cận gần hơn với những chuẩn mực và thông lệ quốc tế.

THÀNH ĐỨC
Cùng chuyên mục
Đổi mới hoạt động kiểm toán: Thời cơ và thách thức