Đôn đốc thu hồi nợ thuế và hạn chế phát sinh nợ mới

(BKTO) - Tổng số tiền thuế nợ vẫn đang có chiều hướng gia tăng. Hiện có 47/63 địa phương có nợ thuế tăng so với thời điểm 31/12/2023, trong đó 11/47 đơn vị có nợ thuế tăng trên 50%. Ngành thuế đang rà soát, đôn đốc, cưỡng chế doanh nghiệp còn nợ đọng tiền thuế nộp đầy đủ các nguồn thuế vào ngân sách và hạn chế phát sinh nợ mới.

anh-thu-19113.jpeg
Chú thích ảnh: Ước tính đến ngày 31/10/2024, tổng số tiền thuế nợ do ngành thuế quản lý tăng 16,2% so với thời điểm ngày 31/12/2023, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm 2023. Ảnh minh họa

10 tháng, thu được trên 58 nghìn tỷ đồng nợ thuế, tăng 33%

Tổng cục Thuế cho biết, lũy kế đến cuối tháng 10/2024, ước toàn ngành thu được 58.143 tỷ đồng, bằng 61,1% chỉ tiêu thu nợ được giao năm 2024, tăng 33% so với cùng kỳ. Có 39/63 địa phương có số thu nợ 10 tháng tăng so với cùng kỳ, trong đó có 18 địa phương có số thu nợ tăng trên 50%; có 24/63 địa phương có số thu nợ 10 tháng giảm so với cùng kỳ.

Ước tính đến ngày 31/10/2024, tổng số tiền thuế nợ toàn ngành thuế quản lý là 197.565 tỷ đồng, giảm 3,9% so với ngày 30/9/2024, tăng 16,2% so với thời điểm ngày 31/12/2023, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm 2023. Nợ có khả năng thu ước tính là 104.268 tỷ đồng, giảm 8,8% so với thời điểm ngày 30/9/2024, tăng 13,6% so với thời điểm ngày 31/12/2023.

Về cơ cấu nợ thuế, tiền thuế nợ khó thu chiếm 17,4%; tiền phạt vi phạm hành chính về thuế và tiền chậm nộp chiếm 17,3%; nợ tiền thuế có khả năng thu chiếm 52,8%; tiền thuế nợ đang xử lý chiếm 5,5%; tiền thuế nợ đang khiếu nại, khiếu kiện chiếm 7,0% trên tổng số tiền thuế nợ.

Tỷ lệ tổng nợ trên tổng dự toán thu năm 2024 tính đến cuối tháng 10/2024 là 13,7%, trong đó tỷ lệ tiền thuế nợ có khả năng thu trên tổng dự toán thu năm 2024 là 9,6%. Có 40/63 địa phương tỷ lệ tổng nợ trên dự toán thu ngân sách trên 8%, trong đó một số đơn vị có tỷ lệ cao; có 23/63 địa phương có tỷ lệ tổng nợ trên dự toán thu ngân sách đảm bảo dưới 8%.

Theo phản ánh từ các địa phương, số nợ tăng một phần do doanh nghiệp vẫn còn gặp khó khăn về nguồn tài chính nên chưa có nguồn nộp các khoản thuế, một phần do doanh nghiệp được gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất nhưng do khó khăn nên chưa nộp kịp thời các nguồn thuế được gia hạn. Ngoài ra, do sự phối hợp giữa các ngành chức năng với cơ quan quản lý thu có lúc, có nơi chưa thường xuyên, chặt chẽ, thiếu tích cực trong việc thu hồi nợ đọng thuế, dẫn đến tình trạng nợ thuế trên địa bàn một số địa phương còn khá cao.

Sau 10 tháng của năm 2024, Cục thuế Đồng Nai đã thu hồi được trên 7,6 nghìn tỷ đồng nợ thuế, trong đó có 1,3 nghìn tỷ đồng nợ cũ của năm 2023 chuyển sang và trên 6,3 nghìn tỷ đồng nợ thuế phát sinh trong năm 2024. Nguyên nhân là do doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 vẫn chưa phục hồi nên đã phát sinh nợ thuế kéo dài. Bên cạnh đó, khá nhiều khoản thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất chậm nộp còn do chủ đầu tư gặp vướng mắc về thủ tục đất đai khiến dự án chưa thể triển khai. Ngoài ra, còn có doanh nghiệp cố tình chây ỳ nợ thuế.

Quyết liệt thu nợ, hạn chế phát sinh nợ mới

Để giảm số nợ thuế, Tổng cục Thuế đã chỉ đạo cục thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung triển khai quyết liệt các biện pháp để thu hồi nợ thuế; rà soát, phân loại nợ thuế đảm bảo theo đúng tính chất của khoản nợ và có đầy đủ hồ sơ; trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ thì phải kịp thời thực hiện phân loại lại theo đúng tính chất khoản nợ. Đồng thời, theo dõi, hạch toán đầy đủ, chính xác các khoản nợ của người nộp thuế vào ứng dụng quản lý thuế tập trung (TMS), tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện điện tử hóa quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế.

Đối với người nộp thuế có khoản tiền thuế nợ đã quá 30 ngày, cơ quan thuế ban hành thông báo tiền thuế nợ theo mẫu gửi người nộp thuế bằng phương thức điện tử qua tài khoản giao dịch thuế điện tử (etax). Trường hợp người nộp thuế chưa có tài khoản giao dịch thuế điện tử nhưng có đăng ký địa chỉ email thì cơ quan thuế hỗ trợ gửi thông báo qua email và qua ứng dụng eTax Mobile.

Cùng với đó, Tổng cục Thuế yêu cầu các cục thuế tiếp tục duy trì hoạt động có hiệu quả của Ban Chỉ đạo chống thất thu và thu hồi nợ đọng thuế đảm bảo định kỳ tổ chức làm việc trực tiếp với các đơn vị nợ lớn trên địa bàn để đôn đốc, thu hồi nợ thuế; chủ động tham mưu, kiến nghị ủy ban nhân dân các cấp chỉ đạo và phối hợp với các cơ quan liên quan trên địa bàn như: Kho bạc Nhà nước, ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng, kế hoạch và đầu tư, tài chính, tài nguyên và môi trường, công an, tòa án... trong việc thực hiện các biện pháp đôn đốc, cưỡng chế để thu hồi tiền thuế nợ vào ngân sách nhà nước. Ngoài ra, Tổng cục Thuế cũng yêu cầu các cục thuế tạm hoãn xuất cảnh theo quy định đối với người nộp thuế có khoản tiền thuế nợ quá hạn...

Thực hiện chỉ đạo của Tổng cục Thuế, trong những tháng cuối năm, cơ quan thuế các địa phương đang dồn lực thực hiện quyết liệt các biện pháp đôn đốc, cưỡng chế theo đúng quy trình quản lý nợ để thu hồi các nguồn thuế nợ vào ngân sách nhà nước. Cục Thuế Đồng Nai sẽ triển khai quyết liệt các giải pháp như theo dõi sát sao các khoản thuế, phí được gia hạn để đôn đốc người nộp thuế nộp đầy đủ, kịp thời, tránh phát sinh nợ mới và tiền chậm nộp.

Cục Thuế Thái Bình vừa ban hành 23 quyết định cưỡng chế trích tiền từ tài khoản ngân hàng, tài khoản Kho bạc Nhà nước để thu hồi tiền thuế nợ. Trong 2 tháng cuối năm, Cục Thuế Thái Bình tập trung rà soát, đôn đốc thu đối với các khoản thuế, tiền thuê đất đã hết thời hạn gia hạn nộp thuế theo các nghị định của Chính phủ; tập trung nguồn lực phân tích chi tiết các khoản nợ, trên cơ sở đó, quyết liệt áp dụng các biện pháp thu nợ nhằm giảm tỷ lệ nợ thuế, hạn chế nợ mới phát sinh; ban hành các công văn, chỉ đạo tiếp tục triển khai toàn diện các biện pháp đôn đốc, cưỡng chế thu hồi nợ.../.

Cùng chuyên mục
Đôn đốc thu hồi nợ thuế và hạn chế phát sinh nợ mới