Dồn tâm sức khắc phục nhanh nhất hậu quả thiên tai, khôi phục sản xuất và đời sống

(BKTO) - Chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đặc biệt nhấn mạnh tại Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10/2020 vừa diễn ra chiều tối nay (30/10).



                
   

Toàn cảnh Họp báo

   

Càng khó khăn càng có ý chí vượt khó

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, từ đầu tháng 10 đến nay, tình hình mưa lũ ở các tỉnh miền Trung diễn biến hết sức phức tạp, gây thiệt hại lớn về người và tài sản, ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống của người dân. Lần đầu tiên trong nhiều năm, lũ chồng lũ, bão chồng bão. Thiên tai đã làm hàng trăm người chết, mất tích, khoảng 112.000 ngôi nhà bị sập đổ, cuốn trôi, ngập và hư hỏng, tổng giá trị thiệt hại về tài sản do thiên tai gây ra trong tháng tính sơ bộ là hơn 2,7 nghìn tỷ đồng.

Thiên tai trong tháng 10 vừa qua là lịch sử, công tác chỉ đạo, điều hành ứng phó thiên tai, tìm kiếm cứu nạn cũng tập trung, chủ động, quyết liệt ở mức độ chưa từng có. Bão lũ lịch sử gây thiệt hại nặng nề nhưng càng khó khăn chúng ta càng thấy tình thương yêu, đùm bọc của đồng bào, đồng chí, sự đoàn kết, chung sức chung lòng của cả dân tộc, cả nước đã hướng về miền Trung ruột thịt. Chúng ta cũng thấy được, càng khó khăn dân tộc ta càng có ý chí vượt khó để đưa đất nước tiến lên.

Cùng với đó, chúng ta vẫn giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; nhiều mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của năm được giữ vững, an sinh xã hội được bảo đảm, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được củng cố. Tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 cơ bản bình thường trở lại và tiếp tục có sự cải thiện hơn so với các tháng trước, khi làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 2 đã được kiểm soát. Nền kinh tế nước ta đã qua đáy trong quý II và đang phục hồi theo hình chữ V trong quý III.

Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10/2020 tăng 0,09% so với tháng trước và so với tháng 12 năm trước, mức thấp nhất trong giai đoạn 2016-2020. Bình quân 10 tháng năm 2020, CPI chỉ tăng 3,71% so với cùng kỳ năm trước, dưới mức Quốc hội giao. Tốc độ giải ngân vốn đầu tư công là điểm sáng, tháng 10 và 10 tháng đều đạt mức cao nhất trong giai đoạn 2016-2020 (tháng 10 tăng 42,2%; 10 tháng tăng 34,4%). Tuy nhiên, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện giảm 2,5%; vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh, mua cổ phần giảm 19,4%.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên thế giới làm đứt gãy thương mại quốc tế, hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vẫn là một điểm sáng; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt hơn 439 tỷ USD, tăng 2,5%; xuất khẩu ước đạt gần 229 tỷ USD, tăng 4,5%; nhập khẩu ước đạt hơn 210 tỷ USD, tăng 0,4%. Xuất siêu kỷ lục hơn 18,7 tỷ USD. Chúng ta đã có 31 mặt hàng xuất khẩu đạt hơn 1 tỷ USD và 5 mặt hàng xuất khẩu hơn 10 tỷ USD.

Nông nghiệp tiếp tục thể hiện vai trò trụ đỡ của nền kinh tế. Giá cả nông sản cơ bản ổn định; an ninh lương thực quốc gia được bảo đảm. Sản xuất công nghiệp tháng 10 tiếp tục khởi sắc, mở ra hy vọng sớm phục hồi và tăng trưởng kinh tế trong những tháng cuối năm 2020; đặc biệt ngành chế biến, chế tạo với mức tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước. Thương mại dịch vụ trong tháng 10 tiếp tục xu hướng tăng; hàng hóa dồi dào, hoạt động kích cầu tiêu dùng nội địa được tích cực triển khai hiệu quả.

Số lượng DN thành lập mới tháng 10 khởi sắc, tăng 18,4% so với tháng trước. Số DN quay trở lại hoạt động tăng 10,4% so với cùng kỳ. 10 tháng qua có gần 111.200 DN thành lập mới. Công tác đối ngoại tiếp tục được đẩy mạnh, Thủ tướng Nhật Bản đã chọn Việt Nam làm nước công du đầu tiên sau khi nhậm chức và Ngoại trưởng Mỹ thăm Việt Nam. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục được quan tâm chỉ đạo.

Khẩn trương khôi phục sản xuất và đời sống, triển khai các lĩnh vực ưu tiên nhằm đạt mục tiêu cao nhất cả năm

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, nhận định khó khăn, thách thức trong thời gian tới còn rất lớn, tiềm ẩn nhiều rủi ro, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xác định: Trước hết, các Bộ, ngành, địa phương cần tập trung, dồn cả tâm sức khắc phục nhanh nhất hậu quả thiên tai nặng nề tại các tỉnh miền Trung, nhanh chóng ổn định cuộc sống người dân. Có phương án chạy đua với thời gian, cứu người là ưu tiên cao nhất, không để người dân bị đói, rét, màn trời chiếu đất. Khẩn trương khôi phục lại cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động sản xuất và đời sống của người dân; hỗ trợ người dân về giống và vốn để phục hồi sản xuất; nhanh chóng đưa học sinh trở lại trường, có giải pháp hỗ trợ tốt nhất cho học sinh, sinh viên, các địa phương bị ảnh hưởng mưa lũ, bảo đảm duy trì chương trình, nội dung học tập, không để các em thiếu sách vở đồ dùng học tập; hết sức chú ý phương án chủ động ứng phó với các đợt bão lũ, thiên tai có thể tiếp tục xảy ra.

Cùng với đó, Chính phủ đã xác định những lĩnh vực ưu tiên cụ thể tập trung triển khai thực hiện trong 2 tháng cuối năm 2020 nhằm đạt cao nhất mục tiêu của cả năm. Cụ thể là các giải pháp về chính sách tiền tệ, tài khóa; hỗ trợ mạnh mẽ hơn cho DN, người dân, nhất là nhóm bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19; tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các chương trình, dự án ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài.

Cùng với đó là các giải pháp khơi thông các luồng vốn tín dụng, đầu tư tư nhân, kích cầu tiêu dùng mạnh mẽ hơn; tận dụng các hiệp định thương mại, trong đó có Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) mới có hiệu lực, tiếp tục khơi thông xuất khẩu vào các thị trường trọng điểm, đặc biệt giải pháp xuất khẩu nông sản chế biến, mang lại giá trị gia tăng cao; đẩy mạnh tăng trưởng thương mại điện tử.

Tại Họp báo, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cùng đại diện các Bộ, ngành đã trả lời câu hỏi của các nhà báo về nhiều vấn đề được dư luận xã hội quan tâm thời gian gần đây như: quy định của pháp luật hiện nay đối với vấn đề tiền lương tại các trường đại học cũng như tại Đại học Tôn Đức Thắng; nguyên nhân, giải pháp cho vấn đề xử lý nợ xấu tại các ngân hàng, đặc biệt trong bối cảnh Thông tư số 01/2020/TT-NHNN sắp hết hạn; giải pháp đưa giá nhà về giá trị thật của thị trường; đánh giá tác động của con người đối với mưa lũ tại miền Trung vừa qua…

Liên quan đến vấn đề giải ngân vốn đầu tư công, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, theo báo cáo kết quả tháng 10 và 10 tháng, giải ngân vốn đầu tư công có cải thiện trên 68% kế hoạch giao, cao hơn 14 điểm % so với cùng kỳ năm ngoái và cao hơn 10 điểm % so với 9 tháng. Điều này thể hiện kết quả một loạt giải pháp, chính sách của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thực hiện từ đầu năm là đúng. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã kiến nghị Chính phủ tiếp tục thực hiện các giải pháp đã đề ra. Chúng ta đã giải ngân được 68%, còn 2 tháng để thực hiện giải ngân 32%. Bộ Kế hoạch và Đầu tư kỳ vọng năm 2020 sẽ đạt tỷ lệ giải ngân cao.

Về các nguyên nhân khách quan, khu vực miền Trung, một vùng kinh tế trọng điểm lớn của đất nước đã chịu ảnh hưởng nặng nề do thiên tai vừa qua, nhiều cơ sở hạ tầng, tiến độ thi công các dự án đầu tư công khu vực này bị ảnh hưởng nhiều, gây tác động đến kết quả giải ngân của vùng và cả nước. Tuy nhiên, Thứ trưởng Phương tin tưởng, với kết quả khả quan trong 10 tháng qua, những tháng cuối năm, với quyết tâm lớn của các Bộ, ngành, địa phương, tiến độ giải ngân sẽ đạt kết quả khả quan./.

Tin và ảnh: HỒNG NHUNG
Cùng chuyên mục
Dồn tâm sức khắc phục nhanh nhất hậu quả thiên tai, khôi phục sản xuất và đời sống