Đồng bằng sông Cửu Long trước thách thức sụt lún, xâm nhập mặn

(BKTO) - Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh lương thực và phát triển kinh tế của nước ta. Tuy nhiên, sụt lún, sạt lở, xâm nhập mặn đang là những thách thức đe dọa sự sống còn của khu vực này.



Diễn biến ngày một phức tạp

Theo Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường) và Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), ĐBSCL đang đối diện với những thách thức về tình hình xâm nhập mặn và sạt lở bờ sông, bờ biển. Trong những năm gần đây, do biến đổi khí hậu và nguồn nước thượng lưu sông Mê Công về ĐBSCL đã thay đổi quy luật tự nhiên bởi việc xây dựng, vận hành các hồ chứa thủy điện thượng lưu, nên xâm nhập mặn có những thay đổi lớn, gây khó khăn trong việc cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt. Cụ thể, thời gian xâm nhập mặn có xu hướng xuất hiện sớm hơn trước đây từ 1 đến 1,5 tháng. Phạm vi xâm nhập mặn tăng so với trước đây, ranh mặn 4g/l trước đây chỉ vào sâu nhất đến 60 km ở các cửa sông Cửu Long ở những năm bị xâm nhập cao, còn nay xảy ra thường xuyên hơn, điển hình đợt xâm nhập mặn kỷ lục năm 2016, chiều sâu xâm nhập mặn cao nhất lên tới 90 km.

Ông Hoàng Văn Bẩy - Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước - cho biết, đến năm 2018, ĐBSCL có 562 vị trí bờ sông, bờ biển bị sạt lở với tổng chiều dài 786 km. Trong đó, 42 vị trí sạt lở đặc biệt nguy hiểm (dài 149 km). Tình trạng này không chỉ diễn ra vào mùa mưa mà còn xuất hiện cả mùa khô, ở các tuyến sông chính cho đến các hệ thống kênh rạch, với mức độ ngày càng nhiều. Điểm nguy hiểm nhất thuộc tỉnh Cà Mau với tổng chiều dài 14 km, dải bờ biển dài 200 km qua Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre, Tiền Giang cũng bị sạt lở nghiêm trọng.

Theo các chuyên gia, nguyên nhân sạt lở được xác định gồm: suy giảm bùn cát do tác động của hồ chứa ở thượng nguồn và khai thác cát quá mức trên các triền sông; gia tải lên bờ sông, bờ biển do xây dựng, nâng cấp nhà ở, công trình ven sông, trên sông và ven biển; tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng; suy giảm diện tích rừng phòng hộ đầu nguồn và ngập mặn ven biển; gia tăng hoạt động của tàu, thuyền gây tác động lên bờ sông và nền địa chất yếu của ĐBSCL….

Nâng cấp cơ sở hạ tầng, lập bản đồ phân vùng lún

Xác định rõ thực trạng trên, ngày 17/11/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 120/NQ-CP về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, trong đó đặc biệt coi trọng công tác phòng, chống, khắc phục sụt lún, sạt lở bờ sông, bờ biển. Thời gian qua, các địa phương vùng ĐBSCL đã tập trung nguồn lực triển khai các dự án cấp bách ứng phó với sạt lở bờ sông, bờ biển như: xây kè chống sạt lở kiên cố ở các điểm sạt lở đặc biệt nguy hiểm; kè phá sóng và trồng rừng phòng hộ chắn sóng để phòng chống sạt lở; di dời, ổn định sinh kế người dân vùng bị sạt lở, sụt lún. Kết quả, mùa mưa lũ năm 2018 không gây thiệt hại về người do thiên tai.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành, để ứng phó với lũ và xâm nhập mặn, cốt lõi là cần củng cố nâng cấp cơ sở hạ tầng kiểm soát lũ, mặn; không tiếp tục mở rộng các khu vực canh tác 3 vụ ở vùng ngập sâu; tiếp tục xây dựng hợp lý các cụm tuyến dân cư vượt lũ, công trình hạ tầng kết hợp với sơ tán dân đảm bảo không bị ngập khi có lũ lớn tương đương lũ năm 2000. Để thích ứng với giảm dòng chảy kiệt, gia tăng xâm nhập mặn, bên cạnh các giải pháp phi công trình (chuyển đổi mô hình canh tác, mùa vụ, giống...), cần kết hợp các giải pháp công trình để trữ - giữ nước trên hệ thống kênh, ô bao, các công trình kiểm soát xâm nhập mặn sâu trên nội đồng.

Bên cạnh đó, để đảm bảo sinh kế cho người dân, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng kiến nghị cần tăng cường nghiên cứu và đầu tư các biện pháp trữ nước ngọt cho toàn vùng như: đầu tư các hồ chứa nước ngọt ở các vùng phù hợp; đầu tư mở rộng, nạo vét hệ thống kênh, rạch trong các vùng nội đồng để trữ nước mưa, nước lũ. Đối với vấn đề sụt lún, theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, cần lập bản đồ phân vùng lún cho toàn vùng (chi tiết đến cấp xã) trên cơ sở sử dụng công nghệ ảnh viễn thám qua các thời kỳ và tích hợp cùng với bản đồ ngập mặn do tác động của nước biển dâng toàn vùng, làm cơ sở để các Bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện các giải pháp thích nghi, ứng phó với nguy cơ ngập mặn do tác động kép của nước biển dâng, sụt lún đất.

HOÀNG LONG
Theo Báo Kiểm toán số 26 ra ngày 27-6-2019
Cùng chuyên mục
Đồng bằng sông Cửu Long trước thách thức sụt lún, xâm nhập mặn