Đồng Nai hướng tới công nghiệp xanh, công nghệ cao

(BKTO) - Sau khi sáp nhập, tỉnh Đồng Nai mới có quy mô diện tích, dân số, tiềm năng kinh tế vượt trội, mở ra cơ hội để phát triển mạnh mẽ các khu công nghiệp xanh, công nghệ cao. Đây được xem là hướng đi chiến lược giúp Đồng Nai trở thành trung tâm công nghiệp, logistics hiện đại và bền vững hàng đầu cả nước.

kcn-256.jpg
Sau hợp nhất với Bình Phước, tỉnh Đồng Nai mới có 52 KCN đang hoạt động, trở thành địa phương có số lượng KCN lớn nhất cả nước. Ảnh: TS

Địa thế thuận lợi để phát triển công nghiệp xanh

Tỉnh Đồng Nai mới được thành lập từ việc hợp nhất tỉnh Đồng Nai và Bình Phước, có diện tích hơn 12,7 ngàn km², dân số trên 4,4 triệu người, trở thành một trong những địa phương lớn nhất cả nước về cả quy mô dân số lẫn lãnh thổ. Sau sáp nhập, tỉnh còn trở thành địa phương có đường biên giới đất liền dài nhất Việt Nam (gần 260 km), tiếp giáp Vương quốc Campuchia. Đây là điều kiện thuận lợi để mở rộng giao thương biên giới, phát triển logistics xuyên quốc gia, tạo các hành lang kinh tế kết nối với Campuchia, Lào và Thái Lan.

Đồng Nai còn nằm ở trung tâm vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có hệ thống giao thông đa phương thức hiếm nơi nào sánh được: từ cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, Biên Hòa - Vũng Tàu, vành đai 3, 4; đến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu, cảng Phước An đang xây dựng và sân bay quốc tế Long Thành sắp hoàn thành giai đoạn 1 vào năm 2026. Đây chính là hạ tầng nền tảng để các khu công nghiệp (KCN) hiện hữu lẫn mới mở rộng bứt phá.

rung-ma-da(1).jpg
Một góc rừng Mã Đà, cơ hội để Đồng Nai có thể bán tín chỉ carbon. Ảnh: ST

Định hướng phát triển KCN xanh, thông minh, net zero

Đồng Nai từ lâu đã được xem là “thủ phủ công nghiệp” với 37 KCN (trước sáp nhập), trong đó 32 KCN đi vào hoạt động. Bình Phước trước đây cũng có 15 KCN, diện tích khoảng 6.000 ha. Sau hợp nhất, tỉnh Đồng Nai mới hiện có tới 52 KCN đang hoạt động, trở thành địa phương có số lượng KCN lớn nhất cả nước.

Theo quy hoạch đến năm 2030, tỉnh dự kiến phát triển 83 KCN, 63 cụm công nghiệp và Khu kinh tế (KKT) cửa khẩu Hoa Lư, tổng diện tích đất công nghiệp hơn 25.800 ha, mở ra dư địa lớn để tiếp tục thu hút các dự án mới. Tuy nhiên, điều đáng nói là Đồng Nai mới không chạy theo số lượng, mà hướng mạnh đến chất lượng, đặc biệt là mô hình KCN xanh, sinh thái, công nghệ cao, phù hợp với xu thế giảm phát thải, kinh tế tuần hoàn, thích ứng biến đổi khí hậu.

Hiện nay, KCN Amata tại TP. Biên Hòa đã đạt tiêu chuẩn cơ bản của KCN sinh thái, các doanh nghiệp ở đây thực hiện nghiêm các giải pháp tiết kiệm năng lượng, tuần hoàn nước thải. KCN Long Đức đang phát triển nền tảng dữ liệu KCN xanh thông minh, còn KCN Phước An được quy hoạch gắn với cảng biển để trở thành cụm logistics xanh, nâng cao hiệu quả vận chuyển hàng hóa.

Tỉnh đặt tầm nhìn đến năm 2050, Đồng Nai sẽ trở thành một trong bốn trung tâm công nghiệp xanh hàng đầu Việt Nam, hoàn thành mục tiêu net zero, đón đầu làn sóng chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu sang các địa điểm sản xuất xanh. Nhiều tập đoàn lớn đã tham gia như Amata (Thái Lan), Sojitz (Nhật Bản), Nestlé (Thụy Sĩ)… cùng các nhà đầu tư Việt Nam cũng đang mở rộng nhà máy theo tiêu chuẩn xanh, phát triển công nghệ cao.

Ba KCN mới Long Đức 3, Bàu Cạn - Tân Hiệp và Xuân Quế - Sông Nhạn dự kiến khởi công cuối năm nay sẽ bổ sung hàng trăm ha đất công nghiệp. Các dự án này đều được quy hoạch ngay từ đầu theo hướng sinh thái, logistics xanh, áp dụng công nghệ quản lý thông minh để tiết giảm chi phí vận hành, nâng cao hiệu quả sản xuất.

Kiểm toán nhà nước (KTNN) đang thực hiện cuộc kiểm toán Chuyên đề Việc thực hiện các chính sách ưu đãi đầu tư tại KKT, KCN giai đoạn 2022-2024 tại 21 tỉnh, thành phố trong đó có tỉnh Đồng Nai.

Cuộc kiểm toán nhằm đánh giá thực trạng việc áp dụng và thực hiện các chính sách ưu đãi đầu tư; đánh giá việc tuân thủ quy định của pháp luật, tính hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý, tổ chức thực hiện các chính sách ưu đãi đầu tư; phát hiện các hạn chế, sai phạm và làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan để kiến nghị xử lý theo quy định của pháp luật; kiến nghị các cấp có thẩm quyền xem xét, sửa đổi, hoàn thiện cơ chế, chính sách còn bất cập...

KTNN kỳ vọng cuộc kiểm toán này sẽ có những kiến nghị thiết thực, gợi mở cơ chế, chính sách mới nhằm thúc đẩy phát triển các KKT, KCN, thu hút hiệu quả dòng vốn đầu tư trong nước và quốc tế, đặc biệt từ khối tư nhân.

Thu hút FDI xanh, tái cấu trúc KCN bền vững

Với tầm nhìn rõ ràng về phát triển công nghiệp xanh, thời gian qua Đồng Nai vẫn giữ sức hút mạnh mẽ với dòng vốn đầu tư chất lượng cao. Năm 2024, bất chấp khó khăn chung, tỉnh Đồng Nai (cũ) vẫn thu hút hơn 1,45 tỷ USD FDI, tăng 37% so với năm trước; Bình Phước (cũ) thu hút hơn 639 triệu USD FDI, vượt 160% kế hoạch. Chỉ trong 5 tháng đầu năm 2025, toàn tỉnh Đồng Nai mới đã thu hút trên 1,4 tỷ USD FDI, đứng thứ 4 cả nước. Đáng chú ý, phần lớn các dự án FDI mới tập trung vào sản xuất chất bán dẫn, linh kiện điện tử, cơ khí chính xác, công nghệ cao, không còn thu hút các ngành thâm dụng lao động, ô nhiễm môi trường.

Đồng Nai cũng đang tái cấu trúc không gian công nghiệp theo thế mạnh từng vùng. Vùng Đồng Nai (cũ) với lợi thế gần sân bay Long Thành, các tuyến cao tốc sẽ tiếp tục phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghệ cao, dịch vụ logistics. Trong khi đó, vùng Bình Phước (cũ) sẽ phát triển mạnh công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm, cơ khí phục vụ nông nghiệp, năng lượng tái tạo, tận dụng quỹ đất lớn và vùng nguyên liệu sẵn có.

Theo các chuyên gia, nếu chỉ cộng gộp hai quy hoạch cũ thì tiềm năng chỉ đạt mức 4-5 điểm; nhưng nếu thực hiện quy hoạch lại khoa học, phát huy đặc thù từng vùng, Đồng Nai mới có thể đạt 9-10 điểm, trở thành cực tăng trưởng có sức lan tỏa lớn trong vùng và cả nước.

Để hỗ trợ mục tiêu này, tỉnh Đồng Nai mới tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, tăng cường xúc tiến, đồng hành cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn về thủ tục, giải phóng mặt bằng. Đồng thời, tỉnh khuyến khích các dự án áp dụng công nghệ sạch, tiết kiệm năng lượng, sản xuất tuần hoàn, sử dụng năng lượng tái tạo. Đây chính là hướng đi tất yếu để xây dựng hệ sinh thái KCN xanh, thông minh, bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh./.

Cùng chuyên mục
Đồng Nai hướng tới công nghiệp xanh, công nghệ cao