Đồng Nai triển khai các nhiệm vụ trọng tâm về chuyển đổi số

(BKTO) - Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Đồng Nai vừa ban hành Kế hoạch chuyển đổi số (CĐS) tỉnh Đồng Nai năm 2024.

dn-262.jpg
Kế hoạch chuyển đổi số của tỉnh Đồng Nai nêu rõ 5 giải pháp chính để nâng cao hiệu quả CĐS. Ảnh: ST

Kế hoạch hướng tới hoàn thiện chính sách phục vụ cho hoạt động CĐS và công nghiệp công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin các cơ quan nhà nước và địa phương phục vụ cho việc khai thác, sử dụng các ứng dụng số và nền tảng số…

Kế hoạch còn tiếp tục triển khai ứng dụng có hiệu quả các nhiệm vụ thuộc đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ CĐS quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh.

Kế hoạch CĐS tỉnh Đồng Nai năm 2024 đề ra các mục tiêu cụ thể về phát triển dữ liệu số, chính quyền số, kinh tế số, xã hội số và an toàn thông tin. Trong đó, phấn đấu trong năm 2024, hình thành kho dữ liệu dùng chung và dữ liệu mở của tỉnh; tỷ lệ dân số có hồ sơ sức khỏe điện tử đạt 80%; tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến trên tổng số hồ sơ đạt tối thiểu 80% ở cấp sở, 40% tại cấp huyện và 30% tại cấp xã…

Kế hoạch nêu rõ 5 giải pháp chính được đề ra để nâng cao hiệu quả CĐS trên địa bàn gồm: đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, kỹ năng số, tăng cường tương tác với người dân, doanh nghiệp; phát triển các mô hình kết hợp giữa các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp về hoạt động CĐS; các giải pháp về nghiên cứu, hợp tác để làm chủ, ứng dụng hiệu quả các công nghệ; thu hút nguồn lực công nghệ thông tin; tăng cường hợp tác quốc tế…

UBND tỉnh giao Sở TT-TT làm đầu mối hướng dẫn, đôn đốc các sở, ngành, đơn vị, địa phương thực hiện các dự án CĐS theo yêu cầu, tiến độ đề ra, đảm bảo an toàn, an ninh mạng, bảo mật thông tin theo quy định.

Các sở, ngành liên quan, nhất là Sở KH-ĐT cần tham mưu UBND tỉnh hướng dẫn các đơn vị, địa phương quy trình, trình tự, thủ tục, cơ quan thực hiện, thời gian thực hiện các bước triển khai đầu tư dự án CĐS sử dụng nguồn vốn đầu tư công và nguồn vốn sự nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng đã ban hành bộ chỉ số đánh giá CĐS của các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, thành phố thuộc tỉnh. Trong đó, Bộ chỉ số đánh giá CĐS cấp sở, ban, ngành thuộc tỉnh gồm 10 chỉ số chính, 40 chỉ số thành phần theo thang điểm 1.000. Đối với UBND cấp huyện, thành phố trong tỉnh, bộ chỉ số đánh giá CĐS gồm 8 chỉ số chính, 64 chỉ số thành phần theo thang điểm 1.000.

Về cách tính, xác định điểm đánh giá, điểm chỉ số CĐS là tổng điểm các chỉ tiêu. Tổng điểm bộ chỉ số đánh giá CĐS của các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, thành phố thuộc tỉnh là 1.000 điểm. Xếp hạng các đơn vị theo thứ tự từ cao đến thấp.

Định kỳ theo quý, 6 tháng, các đơn vị thực hiện báo cáo số liệu để phục vụ đánh giá theo hướng dẫn của Sở TT-TT. Kết quả năm sẽ báo cáo UBND tỉnh để đánh giá xếp hạng. Sở TT-TT sẽ công bố kết quả đánh giá, xếp hạng trên Cổng thông tin CĐS của tỉnh (chuyendoiso.dongnai.gov.vn)./.

Cùng chuyên mục
Đồng Nai triển khai các nhiệm vụ trọng tâm về chuyển đổi số