
Nâng tầm vị thế của nhà điều hành Việt
Sự thành công của Dự án phát triển mỏ Đại Hùng giai đoạn 3 nói riêng và của cả dự án mỏ Đại Hùng nói chung có đóng góp rất quan trọng, khẳng định sự tự lực, tự tin, tự cường của người Việt Nam, của Petrovietnam để cùng đất nước bước vào kỷ nguyên mới.
Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh khi dự lễ đón dòng dầu đầu tiên Dự án phát triển mỏ Đại Hùng giai đoạn 3, Lô 05-1(a)
Để tiếp tục điều hành hoạt động khai thác mỏ Đại Hùng, tháng 10/2003, theo đề nghị của Petrovietnam, Chính phủ đã quyết định giao quyền trực tiếp tiến hành hoạt động dầu khí tại mỏ Đại Hùng cho Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) thuộc Petrovietnam với trách nhiệm vận hành mỏ an toàn và đạt hiệu quả cao nhất. Và người điều hành là Công ty Dầu khí Đại Hùng, tiền thân của Chi nhánh Điều hành Dầu khí trong nước (PVEP-POC) - đơn vị thành viên của PVEP.
Giai đoạn đầu PVEP-POC tiếp nhận mỏ Đại Hùng gặp rất nhiều khó khăn do đặc thù của mỏ cũng như có lúc giá dầu chỉ còn có trên 10 USD/thùng, hầu như chỉ khai thác cầm cự, thậm chí những lúc có ý định ngừng hoạt động.
Tuy nhiên, ở vào thế không thể lùi được nữa, PVEP-POC đã khẩn trương triển khai các hoạt động như khoan thăm dò thẩm lượng thêm các giếng mới, hoàn thiện các giếng đang khai thác, đưa mỏ Đại Hùng khai thác trở lại từ đầu năm 2005 với sản lượng khai thác đã được nâng lên đáng kể sau khi kết nối thêm các giếng khai thác mới.
Cùng với đó là quá trình tối ưu chi phí, đội ngũ cán bộ công nhân viên nhanh chóng trưởng thành dần thay thế các chuyên gia nước ngoài, giúp tiết giảm chi phí. Công tác phát huy sáng kiến, sáng chế được đẩy mạnh giúp tối ưu hóa vận hành, bảo dưỡng, giảm giá thành sản phẩm và đặc biệt là giá dầu phục hồi dần, nên việc khai thác mang lại hiệu quả.

Gần đây, sản lượng khai thác bình quân hằng năm của mỏ Đại Hùng khoảng 2,6-2,8 triệu thùng dầu. Tính đến hết năm 2024, doanh thu đạt trên 4 tỷ USD, nộp ngân sách Nhà nước trên 600 triệu USD, đóng góp tích cự cho việc phát hiện và phát triển các mỏ lân cận, là cột mốc chủ quyền vững chắc của quốc gia.
Petrovietnam
Dấu ấn đặc biệt tại mỏ Đại Hùng giai đoạn 3
Trong quá trình khai thác, phát triển mỏ Đại Hùng đến nay, có một dấu ấn rất lớn là PVEP POC đã phát triển thêm được khu vực Đại Hùng 02, đặc biệt gần đây là dự án phát triển mỏ Đại Hùng giai đoạn 3 để bổ sung vào sản lượng khai thác.
Việc thành công trong việc phát triển giai đoạn 3 của mỏ, hoàn toàn bằng nội lực, là minh chứng cho sự trưởng thành vượt bậc về năng lực kỹ thuật, tổ chức và quản trị dự án quy mô lớn. Đây cũng là kết quả của sự kết nối hiệu quả giữa các đơn vị trong hệ sinh thái Petrovietnam nơi tinh thần “kết nối sức mạnh - kiến tạo tương lai” không chỉ là khẩu hiệu mà đã được chuyển hóa thành kết quả thực tiễn.

Dự án Phát triển mỏ Đại Hùng giai đoạn 3 là dự án đóng vai trò then chốt trong việc duy trì sản lượng khai thác tại mỏ Đại Hùng, nâng cao hệ số thu hồi, gia tăng hiệu quả kinh tế. Đồng thời, Dự án cũng mở ra cơ hội tiếp tục thăm dò, mở rộng tại Lô 05.1(a) và các lô lân cận - một chiến lược dài hơi trong đảm bảo an ninh năng lượng và chủ quyền biển đảo quốc gia.
Dự án mỏ Đại Hùng giai đoạn 3 được triển khai hoàn toàn bằng nguồn lực trong nước, với 100% cán bộ, kỹ sư và chuyên gia người Việt Nam từ các đơn vị chủ lực của Petrovietnam như Liên doanh Vietsovpetro, Tổng Công ty Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC), Tổng Công ty Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (PV Drilling), điều hành là Công ty PVEP-POC.
Việc một dự án phát triển mỏ ngoài khơi xa, có độ sâu hơn 110m, được thực hiện toàn bộ bởi người Việt là một bước tiến mang tính lịch sử, khẳng định năng lực làm chủ các công trình dầu khí lớn - lĩnh vực vốn yêu cầu trình độ kỹ thuật cao, sự phối hợp chặt chẽ và khả năng ứng phó với điều kiện vận hành khắc nghiệt.

Dự án được triển khai từ cuối năm 2022, vượt qua hàng loạt khó khăn như biến động địa chính trị, khủng hoảng chuỗi cung ứng vật tư - thiết bị, ảnh hưởng kéo dài của đại dịch Covid-19, điều kiện thời tiết phức tạp và khoảng cách xa bờ (cách Vũng Tàu khoảng 265 km). Tuy vậy, tập thể cán bộ, kỹ sư của các đơn vị trong Hệ sinh thái Petrovietnam đã cùng nhau nỗ lực không ngừng, tối ưu hóa thiết kế và thi công, đảm bảo các chỉ tiêu về An toàn - Chất lượng - Tiến độ.
Dự án mỏ Đại Hùng giai đoạn 3 là minh chứng rõ nét cho tinh thần đoàn kết, trí tuệ và bản lĩnh của người lao động Petrovietnam. Qua đó chứng minh rằng, người Việt hoàn toàn có thể làm chủ và vận hành những dự án dầu khí có độ phức tạp cao mà trước đây từng phải phụ thuộc vào chuyên gia nước ngoài.
Hiệu quả kinh tế - kỹ thuật ấn tượng
4 bài học kinh nghiệm từ dự án phát triển mỏ Đại Hùng giai đoạn 3 là: năng lực kỹ thuật, năng lực điều hành dự án, năng lực quản lý dự án và năng lực quản trị doanh nghiệp. Petrovietnam nói chung, các đơn vị thành viên nói riêng cần triển khai các công trình, dự án tiếp theo bằng nội lực của Petrovietnam, để tiếp tục hoàn thành mục tiêu tăng trưởng, phát triển trong bối cảnh mới.
Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Lê Mạnh Hùng
Dự án Đại Hùng giai đoạn 3 có quy mô gồm một giàn đầu giếng WHP-DH01 được lắp đặt ở độ sâu hơn 110m, kết nối với giàn xử lý trung tâm FPU hiện hữu thông qua hệ thống đường ống mềm dài 5,2 km. Các mốc chính như khởi công giàn đầu giếng (23/11/2022), hạ thủy chân đế (16/4/2024), lắp đặt biển (6-8/2024), đón dòng dầu kỹ thuật (22/10/2024), đón dòng dầu thương mại (07/5/2025, vượt tiến độ 20 ngày) đều được hoàn thành đúng và vượt tiến độ.

Dòng dầu thương mại đầu tiên đạt lưu lượng 6.000 thùng/ngày, góp phần quan trọng vào việc duy trì và gia tăng sản lượng tại mỏ Đại Hùng - một trong những mỏ chiến lược của Petrovietnam. Đến nay, toàn mỏ đã khai thác gần 75 triệu thùng dầu, đóng góp nguồn thu lớn cho ngân sách Nhà nước và tạo việc làm cho hàng nghìn lao động trong các giai đoạn phát triển.
Dự kiến, doanh thu toàn mỏ sau khi đưa vào khai thác giai đoạn 3 sẽ đạt khoảng 160.000 tỷ đồng đến năm 2034, đóng góp thêm khoảng 76 triệu thùng dầu vào tổng sản lượng khai thác của Petrovietnam.
Không chỉ mang lại hiệu quả tài chính, dự án còn đóng vai trò nền tảng cho các chiến lược mở rộng thăm dò và phát triển các cấu tạo mới tại lô 05-1(a) cũng như các khu vực lân cận, góp phần dài hạn vào mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Thành công của Dự án mỏ Đại Hùng giai đoạn 3 nói riêng và Mỏ Đại Hùng nói chung là minh chứng cụ thể của sức mạnh chuỗi liên kết của các đơn vị trong Hệ sinh thái Petrovietnam, sẵn sàng chia sẻ, hỗ trợ, cùng nghiên cứu, tìm tòi và áp dụng nhiều giải pháp thi công, quyết tâm đảm bảo kế hoạch dự án, đánh dấu một cột mốc phát triển mới về trình độ khoa học, kỹ thuật và quản lý dự án quy mô lớn trong lĩnh vực công nghiệp năng lượng.
Đây là một trong những điểm sáng, đặc biệt trong bối cảnh Petrovietnam đang đẩy mạnh công tác tìm kiếm - thăm dò nhằm gia tăng trữ lượng và sản lượng khai thác. Với chiến lược đúng đắn, tinh thần tự chủ và lòng quyết tâm, người Việt Nam có thể làm được những điều tưởng chừng không thể.
Sau vô vàn gian khó, Dự án phát triển mỏ Đại Hùng giai đoạn 3 chính thức đón dòng dầu thương mại đầu tiên (FO) vào lúc 18 giờ 50 phút ngày 7/5/2025. Ghi nhận dấu mốc quan trọng này, tối 16/5/2025, tại TP. Hồ Chí Minh, Petrovietnam đã tổ chức Lễ đón dòng dầu đầu tiên của Dự án phát triển mỏ Đại Hùng giai đoạn 3, Lô 05-1(a).