Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam: Chuẩn bị kỹ lưỡng nhưng phải thực hiện nhanh, hiệu quả

(BKTO) - Đối với Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, Thường trực Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành phải rà soát kỹ lưỡng suất đầu tư phù hợp nhất để tính toán sơ bộ tổng vốn đầu tư chính xác nhất có thể, hạn chế việc vượt tổng mức đầu tư do yếu tố chủ quan và tránh tình trạng đội vốn khi triển khai; đồng thời rà soát, đánh giá các chỉ số kinh tế vĩ mô như nợ công, nợ nước ngoài…

11.jpg
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có tổng mức đầu tư khoảng 67,34 tỷ USD. Ảnh minh họa

Đề xuất ngân sách nhà nước là chủ đạo

Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam toàn tuyến với vận tốc thiết kế 350km/h đã được Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương Đảng thống nhất chủ trương đầu tư và giao Ban cán sự đảng Chính phủ, Đảng đoàn Quốc hội chỉ đạo các cơ quan khẩn trương hoàn thiện hồ sơ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 vào tháng 10/2024.

Bộ Tài chính sẽ cùng các cơ quan liên quan bàn bạc và lên các phương án khác nhau để đảm bảo đồng thời cả hai mục tiêu. Đó là an toàn nợ công, an toàn tài chính quốc gia và có phương án vốn khả thi để đáp ứng yêu cầu xây dựng dự án này. Bộ Tài chính đang cùng Bộ GTVT khẩn trương hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và các thủ tục để trình Quốc hội trong tháng 10/2024.

Ông Nguyễn Đức Chi - Thứ trưởng Bộ Tài chính

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) và các đơn vị liên quan đang khẩn trương xây dựng báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án, chuẩn bị trình tự, hồ sơ thủ tục để trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến vào kỳ họp tháng 10/2024. Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy cho biết, Dự án này được Bộ nghiên cứu trong hơn 18 năm qua. Theo đó, Dự án được kiến nghị tốc độ thiết kế 350 km/h; chiều dài khoảng 1.541km; đường đôi, khổ1.435 mm, điện khí hóa, đi qua 20 tỉnh, thành phố với 23 ga hành khách và 5 ga hàng hóa; tổng mức đầu tư khoảng 67,34 tỷ USD. Bộ GTVT kiến nghị đầu tư toàn tuyến với tiến độ dự kiến: Trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024). Đấu thầu lựa chọn tư vấn quốc tế, triển khai khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu khả thi trong năm 2025-2026; triển khai giải phóng mặt bằng, đấu thầu lựa chọn nhà thầu và khởi công cuối năm 2027. Phấn đấu hoàn thành xây dựng toàn tuyến năm 2035.

Bộ GTVT đề nghị áp dụng hình thức đầu tư công. Dự kiến nguồn vốn từ ngân sách trung ương bố trí theo các kỳ đầu tư công trung hạn để đầu tư hoàn thành dự án vào năm 2035, bố trí vốn trong khoảng 12 năm, mỗi năm bình quân khoảng 5,6 tỷ USD; đồng thời huy động vốn vay ODA, vốn huy động từ ngân sách các địa phương...

Về phương án tổ chức quản lý: Tổng công ty Đường sắt Việt Nam là đơn vị tiếp nhận quản lý, vận hành và khai thác kết cấu hạ tầng toàn tuyến; được giao toàn bộ phương tiện, thiết bị để khai thác và chịu trách nhiệm trả nợ chi phí đầu tư phương tiện, thiết bị...

Ông Nguyễn Ngọc Đông - nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT cho rằng - kinh nghiệm của các nước cho thấy, với dự án đường sắt mang tính công ích cao, hạ tầng lớn, hầu như Nhà nước giữ vai trò chủ đạo về đầu tư. Tuy nhiên, cần làm rõ vốn Trung ương thực hiện nhiệm vụ gì, vốn địa phương sẽ sử dụng cho việc gì? Chẳng hạn, Nhà nước đầu tư hạ tầng và cho thuê; doanh nghiệp tư nhân sẽ đầu tư đầu máy, toa xe và những gì gắn với dịch vụ vận tải; các địa phương dọc tuyến có thể khai thác quỹ đất, phát triển kinh tế, đô thị khu vực nhà ga nên địa phương phải có trách nhiệm đóng góp nhất định vào đầu tư tuyến, ít nhất là vốn cho giải phóng mặt bằng trên địa bàn...

Đề xuất cơ chế đặc thù, đặc biệt cho Dự án

Nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết của Trung ương và Kết luận của Bộ Chính trị về chủ trương đầu tư Dự án, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì họp Thường trực Chính phủ với các Bộ, ngành về chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam và tình hình triển khai các dự án đường sắt kết nối với Trung Quốc.

Thường trực Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương thực hiện Dự án nghiêm túc, hiệu quả; quá trình triển khai thực hiện cần tổ chức có hiệu quả tạo sự thống nhất cao về nhận thức trong hệ thống chính trị và sự đồng thuận trong xã hội; cần đổi mới cách nghĩ, cách làm với quan điểm: "Hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm; phân công rõ người, rõ tiến độ, rõ thời gian, rõ kết quả, sản phẩm; huy động mọi nguồn lực, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc; vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần; không nóng vội, không cầu toàn; với tinh thần chỉ bàn làm, không bàn lùi; công tác chuẩn bị phải chặt chẽ, kỹ lưỡng nhưng khi thực hiện phải nhanh, hiệu quả.

Thường trực Chính phủ yêu cầu bám sát chủ trương đầu tư toàn tuyến với tốc độ thiết kế 350km/h đã được Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương Đảng thông qua. Bộ GTVT phối hợp với Bộ Quốc phòng trong quá trình thiết kế, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh và có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết; kết hợp giữa kinh tế và quốc phòng - an ninh; phối hợp với Bộ Tài chính rà soát, đánh giá các chỉ số kinh tế vĩ mô (nợ công, nợ nước ngoài…).

Thường trực Chính phủ yêu cầu phải rà soát kỹ suất đầu tư phù hợp nhất để tính toán sơ bộ tổng vốn đầu tư chính xác nhất có thể; hạn chế việc vượt tổng mức đầu tư do yếu tố chủ quan và tránh tình trạng đội vốn khi triển khai… rà soát, bổ sung các cơ chế, chính sách đặc thù cần thiết nhằm huy động tối đa nguồn lực; bổ sung kiến nghị Quốc hội cho phép: "Đối với những cơ chế chính sách phát sinh sau khi Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư dự án, trường hợp chính sách phát sinh trong quá trình thực hiện thuộc thẩm quyền của Quốc hội giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định và trường hợp thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Chính phủ quyết định; các cơ quan báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại kỳ họp gần nhất". Đồng thời, huy động đa dạng nguồn lực, trong đó đầu tư công là chính (gồm: Ngân sách trung ương, địa phương, vốn vay, phát hành trái phiếu công trình, các nguồn vốn hợp pháp khác của Nhà nước…), nguồn vốn đầu tư BOT, BT (đổi đất lấy hạ tầng, nhất là các nhà ga, sân đỗ) và huy động từ các nguồn vốn hợp pháp khác ngoài nhà nước bằng các cơ chế đặc thù, đặc biệt…

Thường trực Chính phủ yêu cầu Bộ GTVT khẩn trương tiếp thu ý kiến, hoàn thiện hồ sơ, chậm nhất ngày 20/10/2024 phải có Tờ trình của Chính phủ gửi Quốc hội./.

Cùng chuyên mục
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam: Chuẩn bị kỹ lưỡng nhưng phải thực hiện nhanh, hiệu quả