Dự án Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và 4: Khẳng định bàn tay, khối óc người lao động LILAMA

(BKTO) - Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và 4 đang trong quá trình hoàn thiện để đốt lửa lần đầu vào cuối tháng 12/2024 và dự kiến bàn giao cho chủ đầu tư vào tháng 6/2025. Đây cũng là dự án nhiệt điện sử dụng nhiên liệu khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) đầu tiên tại Việt Nam, do liên danh nhà thầu Samsung C&T Corporation, Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (LILAMA) đảm nhiệm vai trò tổng thầu EPC.

Nhà máy nhiệt điện sử dụng nhiên liệu khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) đầu tiên tại Việt Nam

Đây là nhà máy do Tổng công ty Điện lực dầu khí Việt Nam (PV Power) làm chủ đầu tư, Liên danh nhà thầu Samsung C&T Corporation, Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (LILAMA) là đơn vị trúng thầu thực hiện Hợp đồng Thiết kế - Mua sắm - Xây dựng - Lắp đặt - Chạy thử và Nghiệm thu (Hợp đồng EPC).

dji_0026.jpg
Toàn cảnh Dự án Nhà máy Nhiệt điện Nhơn Trạch 3 và 4. Ảnh: Duy Tình 

Dự kiến Nhà máy Nhiệt điện Nhơn Trạch 3 sẽ đốt lửa lần đầu vào cuối tháng 12/2024 và bàn giao cho chủ đầu tư vào tháng 6/2025. Nhà máy Nhơn Trạch 4 sẽ đốt lửa lần đầu vào tháng 4/2025 và bàn giao trong tháng 9/2025.

Nhà máy nhiệt điện Nhơn Trạch 3 và 4 có tổng mức đầu tư 1,4 tỉ USD, tổng công suất hai nhà máy là 1.624 MW. Sau khi hoàn thành dự án có thể cung cấp từ 9-12 tỷ kWh điện/năm. Đặc biệt, đây là dự án nhiệt điện sử dụng nhiên liệu khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) đầu tiên tại Việt Nam.

Đại diện liên danh nhà thầu LILAMA cho biết, giá trị hợp đồng hơn 940 triệu USD (trong đó phần trong nước thực hiện chiếm 39%). Thiết bị chính gồm Tuabin khí, Tuabin hơi, Máy phát điện, Lò thu hồi nhiệt và Hệ thống điều khiển (DCS) do Nhà sản xuất hàng đầu thế giới là hãng General Electric (GE) cung cấp.

Tuabin khí của Dự án thuộc thế hệ H, có công nghệ tiên tiến, hiện đại bậc nhất thế giới vào thời điểm hiện nay. Đây là tổ hợp tổng thầu quốc tế có năng lực và kinh nghiệm, vừa phát huy nội lực, lợi thế nhà thầu trong nước đồng thời cũng phát huy được thế mạnh về công nghệ của nhà thầu quốc tế.

z6054768008553_973a727976387b5e68669f5d53370e4f.jpg
Tuabin khí của Dự án thuộc thế hệ H, có công nghệ tiên tiến, hiện đại bậc nhất thế giới vào thời điểm hiện nay. Ảnh: Nguyễn Duyên 

Trao đổi với phóng viên tại công trường nhà máy, ông Nguyễn Hồng Sỹ - Giám đốc Ban Dự án Điện Nhơn Trạch 3 & 4 - LILAMA cho biết: tính đến ngày 15/11/2024, khối lượng thực hiện tổng thể gói thầu EPC ước đạt 95%, trong đó công tác thiết kế: tiến độ ước đạt 98,6%; công tác mua sắm và chế tạo: tiến độ ước đạt 99,9%; công tác thi công lắp đặt thiết bị tiến độ ước đạt 97% và công tác chạy thử nghiệm (Commissioning) tiến độ ước đạt 18%.

Ông Nguyễn Hồng Sỹ cũng cho biết thêm, tại dự án này các hạng mục do LILAMA đảm nhiệm có 5 hệ thống. Trong đó, sân trạm 220 kV đã đi vào hoạt động dịch vụ cung cấp cho nhà máy; hệ thống xử lý nước đã tiến hành chạy thử và sẵn sàng cung cấp dịch vụ; hệ thống khí nén đã tiến hành chạy thử và sẵn sàng cung cấp dịch vụ; hệ thống xử lý nước thải đã tiến hành chạy thử và sẵn sàng dịch vụ và hệ thống nước làm mát tuần hoàn đã tiến hành chạy thử và sẵn sàng dịch vụ.

Samsung C&T đảm nhiệm các hệ thống còn lại của nhà máy. Tiến độ cụ thể các hạng mục này như sau: Hệ thống máy biến áp chính của nhà máy đã đi vào hoạt động; Hệ thống PEECC, LEC, LCI, nhà điện 3 và nhà CCB (nhà điều khiển trung tâm) đã đi vào hoạt động; Hệ thống Lube Oil (dầu bôi trơn và dầu nâng trục) đã chính thức vào hoạt động; Hệ thống Fuel Gas đã hoàn thành công tác nhận khí từ đơn vị cung cấp PV Gas; Hệ thống UPW, Dosing đã chạy thử và sẵn sàng dịch vụ; các hệ thống đang tiến hành công tác tiền chạy thử và chạy thử như: Lò hơi phụ, bơm BFP, bơm CEP…

Theo tiến độ đánh giá thực tế của dự án đến thời điểm hiện tại, Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 sẽ đốt lửa lần đầu vào cuối tháng 12/2024 và dự kiến bàn giao cho chủ đầu tư vận hành thương mại (COD) trong tháng 6/2025.

Ông Nguyễn Hồng Sỹ khẳng định: Để đạt được kết quả như hiện tại, tập thể cán bộ, kỹ sư, người lao động, hàng nghìn con người đã miệt mài lao động trên công trường bất kể nắng mưa. Cùng với đó là sự nỗ lực, cố gắng của các bộ, ngành liên quan và Ban quản lý dự án tháo gỡ dứt điểm các khó khăn, vướng mắc phát sinh.

Khẳng định bàn tay, khối óc của người thợ LILAMA

Dự án Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và 4 ghi nhận nhiều điểm mới so với các công trình khác, đồng thời cũng ghi dấu ấn sự trưởng thành của LILAMA qua mỗi công trình. Đây là đây là dự án nhiệt điện sử dụng nhiên liệu khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) đầu tiên tại Việt Nam. Tuabin khí của Dự án thuộc thế hệ H, có công nghệ tiên tiến, hiện đại bậc nhất thế giới vào thời điểm hiện nay.

Trao đổi với báo chí, Phó Giám đốc Ban Dự án Điện Nhơn Trạch 3 & 4 – LILAMA Lại Hải Triều cho biết: Đây là dự án nhà máy nhiệt điện sử dụng những công nghệ mới nhất, tiên tiên nhất tại Việt Nam cho đến hiện tại. Hạng mục quan trọng nhất của dự án chính là lắp tuabin máy phát - bộ phận được coi là “trái tim” của mỗi nhà máy nhiệt điện.

Ông Lại Hải Triều cho biết thêm: Trong các hạng mục lắp đặt này, “điểm găng” quan trọng nhất chính là công tác căn chỉnh tuabin máy phát. Riêng với Nhà máy nhiệt điện Nhơn Trạch 3 và 4 có điểm đặc biệt là đối với tuabin khí, phần trung áp và cao áp của tuabin tách thành hai khối riêng, nằm đồng trục trên một đường thẳng dài hơn 70 mét. Quá trình căn chỉnh trục này chỉ cho phép sai số 0,04mm từ điểm đầu đến điểm cuối. Chính vì thế, việc căn chỉnh phải cần thợ lành nghề và độ chính xác gần như tuyệt đối.

Ông Triều cũng chia sẻ, so với các dự án trước đây LILAMA đã đảm nhận, dự án này có nhiều điểm khó. Với các thiết bị chính, sẽ có các chuyên gia của nước ngoài sang hướng dẫn công tác lắp đặt. Tuy nhiên, người lao động của LILAMA phải trực tiếp lắp đặt, căn chỉnh, phía cung cấp thiết bị sẽ giám sát và nghiệm thu theo từng bước. Đây là các thiết bị hoàn toàn mới so với các nhà máy nhiệt điện trước đây nên những người thợ của LILAMA cũng đã dần từng bước tiếp cận và làm chủ việc lắp đặt thiết bị khó này.

lilama-4.jpg
Các kỹ sư, công nhân của LILAMA ngày đêm nghiên cứu bản vẽ, tài liệu tại công trường, đảm bảo tiến độ dự án.
Ảnh: Nguyễn Duyên 

Trong quá trình làm, có một số thiết bị còn mới mẻ nên kỹ sư, công nhân của LILAMA phải mất khá nhiều thời gian nghiên cứu để có thể thích nghi. Các chuyên gia hướng dẫn lắp đặt thiết bị chỉ làm việc 8 tiếng tại công trường, nhưng những người lao động của LILAMA nhiều đêm phải “sáng đèn” tại công trường để tiếp tục mày mò nghiên cứu, vừa xem tài liệu hướng dẫn, đọc bản vẽ vừa xem từng chi tiết trong kết cấu máy để lắp đặt. Nhưng cũng qua những dự án này, người lao động LILAMA vừa nâng cao được kiến thức, tay nghề và dần tiến tới từng bước làm chủ công nghệ.

“Bài toán” giữ nguồn nhân lực tay nghề cao

Ông Lại Hải Triều cho biết, vào thời kỳ cao điểm, trên công trường Dự án Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và 4, LILAMA có khoảng 3.200 người lao động và khoảng 1.500 - 2.000 lao động vào thời kỳ thấp điểm. Và bài toán giữ chân nhân lực có tay nghề cao cũng là một trăn trở của LILAMA từ nhiều năm nay.

Anh Lại Hải Triều cho biết thêm, không chỉ riêng tại dự án này mà còn ở tất cả các dự án khác của LILAMA, những người thợ lành nghề, đảm nhiệm hạng mục công việc khó như căn chỉnh trục tuabin, máy phát, thợ hàn tay nghề cao... nếu không có một cơ chế riêng đặc thù hoặc bồi dưỡng đào tạo thêm thì trong tầm 5-10 năm nữa sẽ hao hụt dần nguồn nhân lực làm công việc này. Hiện tại những người thợ lành nghề trong lĩnh vực này đều đã trên 40 tuổi, thậm chí có những người thợ đã 60 tuổi vẫn đang làm công việc này. Nhiều người thợ lành nghề của LILAMA đã và đang kèm cặp, truyền kinh nghiệp cho lớp trẻ. Tuy nhiên, nhiều thế hệ thợ trẻ khi bắt đầu có chút kinh nghiệm, có thể họ lại “nhảy việc” sang các nơi khác trả lương cao hơn. Chính vì thế, bài toán cơ chế nào để giữ người lao động có tay nghề cao vẫn là một thách thức với LILAMA nhiều năm qua.

lilama-1.jpg
Kỹ sư Hồ Văn Hiền (ngoài cùng bên trái) đang nghiên cứu tài liệu lắp đặt thiết bị tại khu vực lắp đặt tuabin máy phát của Nhà máy. Ảnh: Nguyễn Duyên 

Tuy nhiên, cũng tại những công trình của LILAMA trên khắp cả nước, chúng tôi cũng gặp rất nhiều những kỹ sư, công nhân trẻ có tâm huyết và cống hiến hết mình cho LILAMA, cho công việc lắp máy. Trên công trường Dự án Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và 4, chúng tôi đã gặp rất nhiều người như thế, từ những kỹ sư trẻ, đến những kỹ sư, công nhân năm nay đã ở tuổi 60 vẫn hết mình cống hiến. Điển hình như kỹ sư Hồ Văn Hiền, sinh năm 1965 - gần “ngấp nghé” tuổi hưu đã gắn bó với LILAMA từ ngày ra trường từ thời trai trẻ đến hiện tại, cùng đi qua hàng chục công trình lớn nhỏ khác nhau. Tại Dự án này, ông Hồ Văn Hiền đảm nhiệm một trong những công việc khó, đòi hỏi kinh nghiệm và sự tỉ mỉ, khéo léo nhất đó chính là chính công tác lắp đặt căn chỉnh tuabin ga, máy phát và tuabin hơi. Hạng mục này cũng có nhiều điểm khác biệt so với các công trình nhà máy nhiệt điện khác. Đây cũng là Dự án đầu tiên của Việt Nam có tuabin ga, máy phát và tuabin hơi đơn trục với độ dài nhất và chỉ số sai số ít nhất (dài hơn 70 mét và sai số 0,04mm). Tức là phải căn chỉnh làm sao cho trục đơn của tuabin dài hơn 70 mét này đi theo một đường thẳng, chỉ được phép sai số 0,04mm mà thôi. Việc căn chỉnh này mất thời gian khoảng 20 ngày và đòi hỏi phải thực sự có kinh nghiệm lành nghề mới có thể đảm đương được.

Trong quá trình làm việc, đặc biệt với những hạng mục công việc khó, kỹ sư Hồ Văn Hiền luôn rút ra những kinh nghiệm và “cầm tay chỉ việc” cho các bạn trẻ ngay tại công trường. Cũng nhờ đó, những người thợ trẻ của LILAMA học hỏi và trưởng thành hơn.

lilama3.jpg
Những người thợ của LILAMA ngày càng học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm và trưởng thành hơn qua mỗi công trình. Ảnh: Nguyễn Duyên 

Trên công trường có dấu chân của những người thợ LILAMA, chúng tôi còn gặp rất nhiều những kỹ sư, công nhân trẻ tuổi nhưng rất tâm huyết với nghề. Như kỹ sư trẻ Nguyễn Duy Dũng 36 tuổi đến từ Công ty CP LILAMA 18 - Phó Chỉ huy của LILAMA 18 tại Dự án. Nguyễn Duy Dũng đã có 12 năm gắn bó với LILAMA và đây cũng là công trình thứ 6 của chàng kỹ sư trẻ này từ khi gắn bó với nghề lắp máy. Dũng chia sẻ, đây là dự án này đòi hỏi tay nghề, chuyên môn cao nhất trong các dự án của LILAMA từ trước đến nay. Tuy nhiên, được sự hỗ trợ của các bác, các anh có kinh nghiệm, đã làm những dự án tương đương, đến hỗ trợ và chỉ bảo, những kỹ sư trẻ như Dũng cũng đã học hỏi được nhiều và dần tiếp cận, làm chủ được công nghệ.

Chia sẻ thêm về lý do gắn bó với LILAMA, kỹ sư Dũng cho biết, rất nhiều người lao động vẫn gắn bó lâu dài với LILAMA là vì công việc ổn định, nhiều dự án “gối đầu” nên người lao động tại LILAMA luôn được yên tâm công tác, được đào tạo, có thêm kinh nghiệm và mức thu nhập ổn định, lâu dài. Đây cũng là một trong những thế mạnh giúp LILAMA giải bài toán giữ chân người lao động trong thời điểm khan hiếm nguồn nhân lực chất lượng cao như hiện nay.

Cùng chuyên mục
Dự án Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và 4: Khẳng định bàn tay, khối óc người lao động LILAMA