Dự án Xây dựng Quốc lộ 3 mới đoạn Hà Nội - Thái Nguyên (giai đoạn 1): Tổng mức đầu tư cao, chất lượng thấp

(BKTO) - Dự án Xây dựng Quốc lộ 3 mới đoạn Hà Nội - Thái Nguyên (gọi tắt là Dự án) được hình thành để tạo nên một tuyến mới tăng cường năng lực giao thông cho Quốc lộ 3; tăng cường giao lưu kinh tế, chính trị, văn hóa giữa hai tỉnh thành nói riêng cũng như các tỉnh phía Bắc và cả nước nói chung. Với tổng mức đầu tư hơn 10.004 tỷ đồng, Dự án được thiết kế là đường cao tốc 100km/h, chạy qua địa phận các huyện Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn (TP. Hà Nội); thị xã Từ Sơn và huyện Yên Phong (tỉnh Bắc Ninh); huyện Phổ Yên, thị xã Sông Công và thành phố Thái Nguyên (tỉnh Thái Nguyên). Toàn bộ Dự án được thông xe vào tháng 01/2014, bàn giao hạng mục công trình hoàn thành ngày 31/7/2015. Mặc dù có tổng mức đầu tư lớn, được Chính phủ quan tâm, nhưng trong quá trình thực hiện, Dự án vẫn xảy ra hàng loạt sai phạm ảnh hưởng đến chất lượng và tiến độ công trình.



Qua quá trình kiểm toán, KTNN xác nhận, Dự án đã điều chỉnh tổng mức đầu tư tới 04 lần, từ hơn 3.522 tỷ đồng (năm 2005) lên thành 10.004 tỷ đồng (năm 2011) theo các quyết định của Bộ Giao thông vận tải (GTVT). Việc điều chỉnh này liên quan chủ yếu đến các phát sinh về khối lượng xây lắp, trượt giá và tiến độ thi công. Trong đó, tình trạng điều chỉnh nhiều lần về chi phí, tạm ứng hợp đồng sai quy định, áp dụng sai đơn giá, định mức, nghiệm thu thanh toán chưa chính xác, cũng như việc tiến độ không đảm bảo theo quyết định ban đầu đã ảnh hưởng rất lớn đến tính kinh tế, hiệu lực và hiệu quả của toàn Dự án.

Nhiều sai sót trong quá trình chuẩn bị

Theo KTNN, công tác lập dự toán xây dựng công trình của Dự án còn thiếu chính xác, sai đơn giá, sai đơn vị tính, ảnh hưởng đến giá trị thanh quyết toán công trình. Cụ thể: tại Gói thầu PK1-A, công tác thi công móng cột điện tính sai đơn giá 15,5 tỷ đồng; tính sai khối lượng trải vải địa kỹ thuật, gia tải bằng cát, đào dỡ gia tải cát hơn 329,6 tỷ đồng; sai đơn giá ca máy mảng chống thấm hơn 257 tỷ đồng. Tại Gói thầu PK2, khối lượng khe co giãn trên các đoạn cầu tính sai gần 125 tỷ đồng; tính sai khối lượng mặt đường bê tông 252,7 tỷ đồng, tính nhầm đơn vị từ m2 thành m3 hơn 361 tỷ đồng tại nút giao Phổ Yên; tính sai định mức đơn giá vận chuyển đất K95 và K98 hơn 892 tỷ đồng...

Việc lập bản vẽ thiết kế kỹ thuật không thể hiện chiều dày lớp đất mặt trồng cây, lập hồ sơ mời thầu không tính đơn giá cho phần vật liệu đất của lớp đất mặt 35cm phân cách giữa Gói thầu PK2 (chỉ tính nhân công và máy thi công), dẫn đến phải bổ sung dự toán, làm tăng chi phí của dự toán. Ban Quản lý dự án (QLDA) lập dự toán bổ sung đơn giá cho hạng mục rào ray tôn lượn sóng (gói thầu PK2) chưa đúng quy định; chưa kịp thời tổng hợp phê duyệt dự toán sau điều chỉnh để phục vụ công tác thi công, nghiệm thu, thanh toán (tại gói thầu PK1-C và PK2). Ban QLDA cũng lập dự toán chưa thống nhất giữa các lần trong việc đưa thuế GTGT vào dự toán: 3 lần đầu đều tính thuế, từ lần thứ 4 trở đi dự toán không còn tính thuế GTGT.

Đối với chi phí trượt giá của các gói thầu, việc xác định hệ số tỉ trọng không có bảng số liệu tính toán, do đó không đủ căn cứ xác định được tính đúng đắn của các hệ số. Việc thay đổi công thức trượt giá, chỉ số giá áp dụng cho công thức (từ chỉ số của Tổng cục Thống kê sang chỉ số giá xây dựng do Viện Kinh tế - Bộ Xây dựng xác định) chưa có văn bản chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ theo quy định tại Thông báo số 100/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ.

Chất lượng không đảm bảo vẫn được nghiệm thu, thanh toán

Qua quá trình kiểm tra thực tế, KTNN đã xác định: chất lượng vật liệu một số mẫu chưa đảm bảo yêu cầu theo tiêu chuẩn kỹ thuật của Dự án; thực hiện thi công đại trà mặt đường đá dăm khi chưa tiến hành thi công thử theo đúng quy định; kiểm tra chất lượng hồ sơ nghiệm thu, thanh toán còn sai khối lượng, sai định mức, sai đánh giá. Thực tế, Dự án đã được Hội đồng nghiệm thu cấp Bộ thuộc Bộ GTVT chấp thuận và đưa vào khai thác sử dụng, nhưng khi kiểm tra, một số đoạn vẫn còn hằn lún mặt đường (tại Km27, Km28, Km46, Km48). Ban QLDA đã phối hợp với đơn vị quản lý tuyến đường yêu cầu các nhà thầu khắc phục những đoạn trên.

Đối với công tác nghiệm thu thanh toán, KTNN đã chỉ rõ tình trạng tính toán khối lượng nghiệm thu không chính xác, chưa giảm trừ các hạng mục chiếm chỗ, không thanh toán theo đơn giá đã được điều chỉnh, áp nhầm đơn giá giữa các hạng mục. Nghiệm thu, thanh toán vượt khối lượng đã được Bộ GTVT phê duyệt, cụ thể như: trải vải địa kỹ thuật vượt 2.870m, gia tải bằng cát vượt 3.657m3, đào dỡ gia tải cát vượt 10.487m3. Thanh toán sai khối lượng, đơn giá, tính vượt quá yêu cầu thiết kế, thay đổi thiết kế thi công hạng mục rào của gói thầu PK2 làm tăng giá trị hợp đồng gần 31 tỷ đồng nhưng tác dụng không thay đổi...

Thế nhưng, khi lý giải nguyên nhân của tình trạng trên, đơn vị lại báo cáo là do đã nghiệm thu, thanh toán theo dự toán chưa được Bộ GTVT phê duyệt (!?). Một số nội dung nghiệm thu chưa chính xác so với bản vẽ hoàn công làm tăng giá trị nghiệm thu, thanh toán (đắp nền đường K95, bê tông kết cấu loại E, cốt thép thanh, cọc tre). Bên cạnh đó, đến thời điểm kiểm toán, Ban QLDA vẫn chưa thu hồi hết tiền tạm ứng tại gói thầu PK1-A là hơn 8,2 tỷ đồng, mặc dù khối lượng hoàn toàn đã đạt 80% giá trị hợp đồng; không gia hạn tiền bảo lãnh hợp đồng của gói thầu PK1-A, PK1-C khi chưa thu hồi hết tạm ứng.

Ngoài những hạn chế nêu trên, Dự án còn xảy ra tình trạng chậm tiến độ tại nhiều gói thầu. Gói thầu PK1 bàn giao chậm 23 tháng so với hợp đồng gốc và 19 tháng so với thời hạn được gia hạn. Gói thầu PK2 bàn giao chậm 13 tháng so với hợp đồng. Tính đến 18/01/2014, Dự án được thông xe, nhưng một số hạng mục phụ trợ, đường gom, đường ngang dân sinh… vẫn chưa được hoàn thành. Theo KTNN, nguyên nhân chậm tiến độ là do sự phối hợp chưa tốt giữa các cơ quan liên quan trong việc giải phóng mặt bằng, kéo dài thời gian thi công. Hơn nữa, năng lực thi công của một số nhà thầu chính còn yếu, không thi công và sửa chữa một số hạng mục để hoàn thành Dự án. Ban QLDA đã phải chỉ định nhà thầu phụ thực hiện, kéo dài thời gian đưa công trình vào khai thác sử dụng, làm tăng chi phí trượt giá một số công việc, phần nào làm giảm tính hiệu quả trong quản lý và sử dụng vốn.

Cần chấn chỉnh sai sót và xem xét trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan

Từ những sai sót nêu trên, KTNN đã có nhiều kiến nghị cụ thể đối với từng đơn vị liên quan:

Về xử lý tài chính, KTNN đề nghị Ban QLDA thực hiện thu hồi nộp NSNN 155,5 triệu đồng (Gói thầu dịch vụ tư vấn); giảm thanh toán lần sau hơn 26,8 tỷ đồng, trong đó Gói thầu PK1-A hơn 1,1 tỷ đồng và Gói thầu PK2 hơn 25,7 tỷ đồng; các kiến nghị khác liên quan đến Gói thầu PK2 là 30,8 tỷ đồng.

Đối với công tác quản lý Dự án, Ban QLDA cần chấn chỉnh công tác lập, thẩm định, phê duyệt việc điều chỉnh Dự án, điều chỉnh giá trị hợp đồng các gói thầu; chấn chỉnh công tác thi công, nghiệm thu, thanh toán khối lượng hoàn thành còn nhiều sai sót về định mức, đơn giá; chấm dứt việc thanh toán bổ sung chi phí vật liệu lớp đất màu 35cm dải phân cách giữa; dừng thanh toán chi phí trượt giá tại tất cả các hạng mục, vật liệu,… Ngoài ra, Ban QLDA cũng cần xem xét trách nhiệm tập thể, cá nhân trong việc mặt đường bị hằn lún sau khi nghiệm thu, đưa vào sử dụng.

KTNN đề nghị Bộ GTVT báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc thay đổi công thức trượt giá, chỉ số áp dụng cho công thức so với hợp đồng gốc theo đúng ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải về tình hình thực hiện Dự án. Bộ cũng cần xem xét trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan đến sai phạm trong việc phê duyệt dự toán bổ sung chi phí vật liệu lớp đất màu 35cm dải phân cách giữa Gói thầu PK2; phê duyệt thanh toán chi phí trượt giá các gói thầu xây lắp không tuân thủ theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; chỉ đạo Ban QLDA xác định nguyên nhân và khắc phục các đoạn bị hằn lún, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng theo đúng quy định của Dự án.

THỦY LÊ
Theo Đặc san Kiểm toán số 69 ra tháng 3/2018
Cùng chuyên mục
Dự án Xây dựng Quốc lộ 3 mới đoạn Hà Nội - Thái Nguyên (giai đoạn 1): Tổng mức đầu tư cao, chất lượng thấp