Du lịch bứt phá mạnh mẽ

(BKTO) - Dù chịu ảnh hưởng của nhiều tác động xấu, song ngành du lịch vẫn đạt được kết quả ấn tượng, từng bước hiện thực hóa mục tiêu đón 17-18 triệu lượt khách quốc tế trong năm nay. Kết quả này thể hiện sự nỗ lực đổi mới của toàn ngành du lịch khi tiếp cận đúng thị trường để có giải pháp xúc tiến, quảng bá, thu hút du khách phù hợp, hiệu quả.

16.jpg
Ngành du lịch hướng đến mục tiêu thu hút 18 triệu lượt khách quốc tế năm 2024. Ảnh minh họa

Phục hồi ngoạn mục

Là một trong những lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi cơn bão số 3, khi cơ sở hạ tầng du lịch bị tàn phá, song đến nay, ngành du lịch tỉnh Quảng Ninh đã nỗ lực tăng tốc để thực hiện mục tiêu đón 19 triệu lượt khách năm nay. Lũy kế 10 tháng, du lịch Quảng Ninh đón trên 16,7 triệu lượt khách, tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, điểm nhấn nổi bật là sự kiện đón 3 triệu khách quốc tế - mức kỷ lục của du lịch Quảng Ninh kể từ năm 2020 đến nay. Tổng doanh thu từ du lịch của tỉnh đạt trên 40.100 tỷ đồng, tăng 38% so với cùng kỳ.

Tính chung trong 10 tháng năm 2024, Việt Nam đã đón hơn 14 triệu lượt khách quốc tế, tăng 41,3% so với cùng kỳ năm 2023; phục vụ trên 100 triệu lượt khách nội địa. Doanh thu từ du lịch đạt gần 700.000 tỷ đồng.

Kết quả đạt được của ngành du lịch tỉnh Quảng Ninh là minh chứng cho nỗ lực của toàn ngành những tháng qua, trong bối cảnh chịu tác động của thiên tai, xung đột trên thế giới. “Dù khó khăn chồng chất, song ngành du lịch vẫn bứt phá mạnh mẽ và được đánh giá là điểm sáng thời gian qua” - Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Phạm Văn Thủy cho biết. Theo thống kê của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, trong số khách quốc tế đến Việt Nam, 80% đến từ châu Á. Riêng 4 thị trường lớn ở Đông Bắc Á gồm: Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản đóng góp gần 60%. Xét về số lượng, Hàn Quốc đóng góp lượng khách đến Việt Nam đông nhất với hơn 3,7 triệu lượt trong 10 tháng (chiếm 26,4%); trong khi Trung Quốc xếp ở vị trí thứ 2, đạt 3,0 triệu lượt (chiếm 21,3%) và là thị trường có mức tăng trưởng cao nhất 10 tháng qua so với cùng kỳ năm ngoái… Đây cũng là các động lực chính cho sự tăng trưởng khách quốc tế tại Việt Nam, sau nhiều năm thị trường bị “đóng băng” do đại dịch Covid-19.

Các chuyên gia du lịch cho rằng, việc chuyển hướng thu hút khách tại thị trường khu vực gần với Việt Nam như Đông Bắc Á thể hiện hướng tiếp cận phù hợp với tình hình mới, khi xung đột giữa một số khu vực, quốc gia chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. “Việc xác định đúng thị trường có ý nghĩa rất quan trọng để đề ra giải pháp thu hút du khách phù hợp” - chuyên gia du lịch Chu Khánh Linh lưu ý.

16b.jpg
Du khách tham quan đỉnh Fansipan, nơi được mệnh danh là "nóc nhà Đông Dương". Ảnh: TTXVN

Theo Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình, một điểm nhấn khác, đó là thời gian lưu trú, mức chi tiêu của du khách đến Việt Nam tăng, cùng với ghi nhận của du khách khi trải nghiệm tại điểm đến tiếp tục được cải thiện. Những thay đổi tích cực của thị trường du lịch quốc tế đến từ nhiều nguyên nhân, trong đó đáng chú ý nhất là việc Việt Nam áp dụng chính sách visa mới tạo nên sự hấp dẫn và gia tăng sức cạnh tranh đáng kể cho ngành du lịch…

Tổ chức xúc tiến có trọng tâm, trọng điểm

Theo các chuyên gia, những kết quả đạt được của ngành du lịch vừa qua thể hiện sự nỗ lực của toàn ngành khi thực hiện đồng bộ các giải pháp để kích cầu, phát triển du lịch. Trong đó, công tác xúc tiến, quảng bá du lịch được coi là điểm nhấn đáng chú ý góp phần mang đến kết quả ngoài mong đợi của ngành trong năm nay.

Hiện nay, mỗi tuần sân bay quốc tế Phú Quốc có khoảng 100 chuyến bay đưa, đón du khách từ hơn 150 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Kết quả này, theo bà Quảng Xuân Lụa - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tỉnh Kiên Giang, là nhờ tỉnh đã nỗ lực triển khai xúc tiến, tiếp thị về du lịch đến các thị trường; chỉ riêng lượng khách Đông Âu đến với Phú Quốc đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. “Đây là thời điểm tốt để tỉnh đẩy mạnh công tác giới thiệu, quảng bá hình ảnh, sản phẩm du lịch Phú Quốc đến quốc tế nhằm khai thác tối đa mùa cao điểm du lịch từ nay đến tháng 4/2025” - bà Lụa chia sẻ; đồng thời khẳng định địa phương sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác này, cũng như hỗ trợ doanh nghiệp tham gia sâu vào các hoạt động xúc tiến, quảng bá của tỉnh.

Theo Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, bên cạnh các hoạt động quảng bá cấp địa phương, Cục cũng thông báo rộng rãi tới các địa phương, cũng như doanh nghiệp để cùng tham gia phối hợp trong các hoạt động, chương trình xúc tiến du lịch Việt Nam tại nước ngoài. Bên cạnh đó, các địa phương, doanh nghiệp cần tăng cường quảng bá du lịch theo vùng, chuỗi các điểm đến dựa trên thế mạnh của từng địa phương để mang lại hiệu quả tốt nhất. Bởi, “mỗi điểm đến có sự hấp dẫn riêng, nếu có sự liên kết ngay từ khâu xúc tiến, quảng bá sẽ giúp tạo ấn tượng tốt để du khách thêm lựa chọn đến Việt Nam” - Trưởng phòng Quản lý xúc tiến du lịch (Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam) Nguyễn Quý Phương cho biết; đồng thời nhấn mạnh yêu cầu xác định đúng đối tượng khách để có giải pháp thu hút cho phù hợp.

Triển khai công tác xúc tiến có trọng tâm, trọng điểm, lãnh đạo Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh cho biết, tỉnh xác định thị trường khách có mức chi trả cao là đối tượng ưu tiên để tập trung các giải pháp thu hút nguồn khách này trong thời gian qua. Kết quả, dự kiến sẽ có khoảng 20 chuyến tàu biển cập Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long, mang theo hàng nghìn du khách đến từ châu Âu, châu Mỹ trong các tháng cuối năm nay và đầu năm 2025. “Hoạt động xúc tiến, quảng bá được thực hiện song song với việc đa dạng hóa sản phẩm du lịch, gia tăng trải nghiệm, kéo dài thời gian lưu trú, tăng chi tiêu của du khách đang phát huy hiệu quả” - Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Huyền Anh cho biết./.

Cùng chuyên mục
Du lịch bứt phá mạnh mẽ