Du lịch nội địa trước nỗi lo thất thu mùa cao điểm

(BKTO) - Giá vé bay tăng cao, đẩy giá tour tăng theo; du khách thay đổi nhu cầu du lịch nội địa. Thực trạng này đang đặt ra những nỗi lo và áp lực mới cho nỗ lực phục hồi của ngành du lịch, nhất là khi du lịch bước vào mùa cao điểm.

du-lich-vat-lon-vi-ve-may-bay-nong-lich-nghi-304-chot-muon-454.jpg
Giá vé máy bay tăng cao gây ảnh hưởng lớn đến du lịch, làm giảm đi sự cạnh tranh của ngành du lịch, vốn còn khó khăn sau đại dịch. Ảnh ST

Giá vé máy bay cao làm giảm nhu cầu du lịch mùa cao điểm

Có kế hoạch du lịch Cần Thơ nhân dịp kỳ nghỉ lễ dài ngày 30/4-01/5, gia đình chị Nguyễn Thị Hoa (quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội) đã chuẩn bị cho chuyến đi từ khá nhiều ngày trước đó. Tuy nhiên, tham khảo giá vé bay, chị Hoa giật mình khi biết mức giá bay chặng Hà Nội - Cần Thơ quá cao, lên tới gần 5 triệu đồng/người (vé khứ hồi). Nhẩm tính chi phí vận chuyển của đoàn đã lên tới gần 50 triệu đồng, chưa bao gồm các khoản khách sạn nghỉ dưỡng, vui chơi, mua sắm nên chị Hoa quyết định hủy kế hoạch đi Cần Thơ để chọn hình thức khác phù hợp hơn.

Chị Hoa là một trong rất nhiều trường hợp buộc phải thay đổi kế hoạch du lịch của gia đình vì giá vé máy bay tăng quá cao.

Giá vé máy bay cao xuất phát từ quy định tại Thông tư số 34/2023/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải sửa đổi khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách hạng phổ thông cơ bản.

Theo đó, các đường bay có khoảng cách dưới 500km có mức giá trần 1,6 triệu đồng/vé/chiều, các đường bay khác có mức giá trần là 1,7 triệu đồng/vé/chiều. 

Từ ngày 01/3/2024 (Thông tư 34 có hiệu lực), các đường bay nội địa bắt đầu điều chỉnh giá trần với mức tăng khoảng 3,75%, tương đương mức tăng tối đa 250 nghìn đồng/vé/chiều. Giá vé các chặng bay nội địa đều dao động ở mức cao.

dsc_1193.jpg
Du lịch đang vào mùa cao điểm, song gặp phải trở ngại lớn do giá vé máy bay tăng cao. Ảnh: N.Lộc

Đơn cử, với chặng bay Hà Nội - Cần Thơ của hãng hàng không Vietjet Air có giá vé từ 1,9-2,5 triệu đồng/lượt; hãng Vietnam Airlines, hạng vé phổ thông đã có giá 3-4 triệu đồng/lượt. Chặng Hà Nội - Quy Nhơn cũng sớm hết vé phổ thông. Vé hạng thương gia với chuyến bay thẳng có giá 5,2 triệu đồng/khứ hồi. Tương tự, các chặng Hà Nội - Phú Quốc, Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh cũng cao "ngất ngưởng"…

Vấn đề này đang đặt thêm những khó khăn cho doanh nghiệp lữ hành, vốn đã chịu nhiều tác động xấu từ đại dịch Covid-19.

Theo các đơn vị lữ hành, thông thường giá vé máy bay sẽ chiếm khoảng 30 - 40% trong cơ cấu giá tour trọn gói. Do đó, doanh nghiệp lo lắng việc tăng giá trần vé máy bay sẽ tạo ra thách thức lớn với ngành du lịch trong bối cảnh suy thoái kinh tế và đà phục hồi sau dịch còn chậm như hiện nay. 

Phú Quốc, Nha Trang... vốn thu hút đông du khách dịp nghỉ lễ song đến thời điểm này, nhiều điểm đến có tỷ lệ khách đặt phòng chưa đạt mức 50%; công suất phục vụ cũng thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái.

“Điều này rất hiếm xảy ra (trừ thời điểm dịch bệnh), bởi đây là dịp du khách nội địa tận dụng kỳ nghỉ dài để đi du lịch, đặc biệt là tại các điểm đến nổi tiếng” - TS. Nguyễn Thu Thủy, chuyên gia về du lịch cho biết; đồng thời nhấn mạnh cần sớm điều chỉnh mức giá vé bay để tránh rủi ro cho thị trường du lịch trong nước.

Thay vì lựa chọn du lịch nội địa bằng đường hàng không, nhiều người chọn đi du lịch gần, hoặc du lịch nước ngoài, bởi mức vé nhiều chặng bay quốc tế chênh lệch không đáng kể, thậm chí thấp hơn. 

Chuyên gia du lịch - TS. Nguyễn Thu Thủy

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho rằng, việc giá vé máy bay tăng cao đang giảm đi sự cạnh tranh của du lịch nội địa trong mắt du khách. Điều này sẽ gây ra nhiều hệ lụy, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của ngành du lịch trong nước.

Ông Phạm Văn Thủy - Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam - cho biết, vấn đề vé máy bay nội địa tăng cao đang làm "đau đầu" cơ quan quản lý du lịch cũng như doanh nghiệp lữ hành.

“Giá vé máy bay tăng cao gây ảnh hưởng xấu đến ngành du lịch, cụ thể là mục tiêu tăng trưởng năm nay” - ông Thủy nhấn mạnh.

Cần có “nhạc trưởng” kết nối du lịch - hàng không

Giá vé máy bay tăng trần đã ảnh hưởng lớn đến kế hoạch du lịch của người dân tại thị trường trong nước. Bởi, yếu tố này thường chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu giá các tour du lịch. Do đó, thay vì chọn du lịch nội địa bằng đường hàng không, nhiều người chuyển sang du lịch nước ngoài hoặc du lịch nội địa với các phương tiện di chuyển đường bộ.

Theo TS. Nguyễn Thu Thủy, dù du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có liên quan đến nhiều ngành, trong đó có giao thông, du lịch… song lại thiếu sự tương tác cũng như phối hợp cần thiết giữa các ngành để đảm bảo thuận lợi nhất cho hoạt động của du lịch, nhất là khi du lịch đang vào mùa cao điểm. 

Năm 2024, ngành Du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón 18 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 110 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ du lịch ước đạt 850 nghìn tỷ đồng.

Đây cũng là vấn đề được nhiều doanh nghiệp quan tâm gửi đề xuất đến Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để mong sớm có giải pháp tháo gỡ. Theo đó, để du lịch nội địa phát triển nhanh và bền vững hơn, cần một "nhạc trưởng" kết nối giữa du lịch - hàng không và lữ hành.

khai-mac-hoi-cho-du-lich-quoc-te-viet-nam-vitm-ha-noi-202419-1712806389398514051803.jpg
Nhiều doanh nghiệp lữ hành phải điều chỉnh tour, giá do giá vé máy bay tăng, kéo theo nhu cầu của du khách giảm. Ảnh: N.Lộc

Về phía các doanh nghiệp lữ hành, bên cạnh việc cân đối điều chỉnh giá tour nội địa sau khi tăng giá trần vé máy bay, các đơn vị cũng buộc phải thay đổi chương trình tour, cũng như kết hợp nhiều loại hình phương tiện vận chuyển như đường bộ, đường sắt thay thế máy bay.

Trong đó, tập trung khai thác, hướng đến thị trường du lịch có cự ly ngắn hoặc những tỉnh, thành ở khu vực lân cận với mạng lưới cao tốc đường bộ đã hoàn thiện. Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp, giải pháp này cũng khó tạo được “đòn bẩy” đủ mạnh để thu hút du khách.

Nhìn nhận rõ những bất cập về giá vé máy bay, Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam Phạm Văn Thủy cho biết, đây là vấn đề liên quan đến cấp có thẩm quyền về quản lý vận tải hàng không.

Sắp tới, Cục sẽ đề xuất để cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền đánh giá lại nhu cầu, chi phí, từ đó có chính sách phù hợp. Song "để ngay lập tức đưa ra một phương án, con số cụ thể cho vấn đề này thì cần nhiều thời gian và có kế hoạch cụ thể giữa các cơ quan quản lý" - ông Thủy nhấn mạnh. 

Về giải pháp trước mắt, ông Thủy rằng, Cục sẽ tích cực hỗ trợ, cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong thẩm quyền như vấn đề thủ tục, có ý kiến với địa phương cùng đồng hành với doanh nghiệp... Ngược lại, các doanh nghiệp, điểm đến cần tăng cường quảng bá, giới thiệu điểm đến, dịch vụ; đồng thời chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm để giữ chân du khách./.

Cùng chuyên mục
Du lịch nội địa trước nỗi lo thất thu mùa cao điểm