Du lịch tăng trưởng ấn tượng, song lượng khách quốc tế chưa đạt kỳ vọng

(BKTO) - Sau 02 năm ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch Covid-19, ngành Du lịch đã mở cửa thị trường trở lại và đón nhận những con số tăng trưởng ấn tượng. Song mức tăng trưởng khách quốc tế vẫn rất thấp, chưa tương xứng với kỳ vọng đang đặt ra cho ngành Du lịch những thách thức cần giải quyết để phát triển du lịch một cách bền vững, hướng tới sự phục hồi mạnh mẽ trong tương lai.



                
   

Thu hút khách quốc tế đến Việt Nam là mục tiêu hàng đầu của ngành Du lịch hiện nay. Ảnh sưu tầm

   

Du lịch tăng trưởng ấn tưởng, song còn vắng khách quốc tế

Theo thống kê của Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), kể từ khi hoạt động du lịch mở lại hoàn toàn, du lịch Việt Nam liên tục chứng kiến đà tăng trưởng tích cực sau 2 năm đại dịch Covid-19 hoành hành. Năm 2022, ngành Du lịch đặt mục tiêu đón 60 triệu lượt khách nội địa, song đến hết tháng 8/2022, lượng khách nội địa đã đạt mức hơn 70 triệu lượt.

Trong khi du lịch nội địa đã hoàn thành và vượt kế hoạch đề ra, thì du lịch quốc tế vẫn tăng trưởng chậm.Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh lý giải, một số nước có lượng khách đến Việt Nam đông như Trung Quốc, Nga… đang thực hiện chính sách phòng, chống dịch nghiêm ngặt, hoặc đang vướng vào xung đột; Hàn Quốc, Nhật Bản cũng rất thận trọng mở cửa đi lại. Mặt khác, tình hình suy thoái kinh tế tại châu Âu và nhiều quốc gia trên thế giới khiến cho du khách hạn chế sử dụng các dịch vụ không thiết yếu.
         
Tính chung 8 tháng năm 2022, khách quốc tế đến nước ta đạt 1,44 triệu lượt, gấp 13,7 lần so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn giảm 87,3% so với cùng kỳ năm 2019 - thời điểm trước đại dịch Covid-19. Lượng khách quốc tế thấp là nguyên nhân khiến cho doanh thu từ du lịch không cao (chỉ đạt 15,4 nghìn tỷ đồng, so với cùng kỳ năm 2019 là gần 386 nghìn tỷ đồng), bởi theo tính toán, một khách du lịch nước ngoài có mức chi tiêu trung bình cao gấp 2-3 lần khách nội địa.

Khẳng định khách quốc tế là đối tượng được bất cứ thị trường du lịch nào cũng hướng đến, tại buổi họp báo thông tin về Diễn đàn Kinh tế - xã hội Việt Nam năm 2022 diễn ra ngày 15/9, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, đối với thị trường du lịch Việt Nam cũng không ngoại lệ. “Bất chấp những khó khăn do dịch bệnh gây ra, ngành Du lịch vẫn đạt mức tăng tưởng ấn tượng. Điều quan trọng lúc này là cần phải tìm ra giải pháp để tăng lượng khách quốc tế đến với chúng ta” - ông Thanh cho biết và thông tin thêm, tại Diễn đàn Kinh tế - xã hội Việt Nam tới đây, vấn đề phát triển du lịch, thu hút khách quốc tế cũng sẽ được thảo luận, đề xuất giải pháp nhằm cải thiện tình hình.

Bày tỏ trăn trở khi lượng khách quốc tế đến Việt Nam còn rất thấp, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho rằng, không chỉ mang lại nguồn thu lớn cho ngành Du lịch, mỗi khách quốc tế đến Việt Nam còn giúp lan tỏa, đưa hình ảnh đẹp về đất nước, con người Việt Nam đến với thế giới. Do đó, sự thiếu vắng của khách quốc tế sẽ khiến cho thị trường du lịch trong nước mất cân bằng, phát triển không bền vững, cũng như ảnh hưởng đến định hướng tuyên truyền, quảng bá của ngành Văn hóa.

Không ngồi một chỗ chờ khách đến

Xác định khách quốc tế mang lại nguồn thu bền vững và đóng vai trò rất quan trọng đối với tăng trưởng du lịch, các chuyên gia cho rằng, khi thế giới đã mở cửa, dịch bệnh được kiểm soát thì ngành Du lịch, các doanh nghiệp lữ hành cần năng động hơn nữa để tìm kiếm giải pháp thu hút du khách, bởi “không thể có cơ hội khi chỉ ngồi một chỗ và chờ khách đến”.

Sự năng động này, theo đại diện một doanh nghiệp lữ hành quốc tế trên địa bàn Hà Nội - phải bắt đầu từ thể chế, chính sách. Bởi doanh nghiệp không thể quảng bá về điểm đến với du khách, khi các chính sách còn rào cản. “Về phía doanh nghiệp, chúng tôi đã chuẩn bị các nguồn lực cần thiết để sẵn sàng đón và phục vụ khách tốt nhất, nhưng với tình hình như hiện nay, doanh nghiệp vẫn chồng chất khó khăn” - đại diện doanh nghiệp cho biết.

Nhiều doanh nghiệp cũng cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, để phục hồi và phát triển mạnh mẽ ngành Du lịch như khi chưa có dịch bệnh là điều khó xảy ra, song Việt Nam có thể thu hút du khách quốc tế bằng việc tháo gỡ “nút thắt” từ thị thực, cơ sở hạ tầng, cũng như nâng cấp chất lượng dịch vụ tại các điểm đến...
                
   

Cần chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng điểm đến để thu hút du khách.
   Ảnh sưu tầm

   

Từ góc độ cơ quan xây dựng chính sách, ông Nguyễn Qúy Phương - Vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch) cho biết, chính sách miễn thị thực, cấp thị thực điện tử đã được triển khai nhưng tính chất cạnh tranh chưa cao. Thời gian miễn thị thực hiện nay là 15 ngày, chưa phù hợp nhu cầu lưu trú dài ngày từ ba đến bốn tuần của du khách quốc tế tới từ các thị trường xa như châu Âu, Bắc Mỹ…

Do đó, các doanh nghiệp du lịch, lữ hành đang rất cần chính sách thị thực cởi mở hơn, nhất là đẩy nhanh việc cấp thị thực điện tử nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho khách quốc tế đến Việt Nam. “Nhận thức rõ vướng mắc này, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan nghiên cứu tháo gỡ” - ông Phương thông tin.

Bên cạnh đó, để thu hút du khách quốc tế, công tác quảng bá, xúc tiến du lịch cũng đóng vai trò quan trọng. Trong bối cảnh nguồn kinh phí cho hoạt động này khá hạn hẹp, Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh yêu cầu các đơn vị tập trung huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực phục vụ quảng bá. Trong đó, cần tăng cường kết nối và hợp tác công tư, thu hút các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp du lịch, các hãng hàng không triển khai đồng bộ các hoạt động; tạo thuận lợi cho khách du lịch về tiếp cận điểm đến, thủ tục xuất nhập cảnh…

“Kiên trì và năng động hơn, đó là giải pháp tối ưu lúc này để đưa khách du lịch đến Việt Nam. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp phải chú trọng xây dựng được thương hiệu, sản phẩm độc đáo, kèm theo đó là đảm bảo chất lượng, cung cách phục vụ để níu chân du khách” - ông Khánh nhấn mạnh.

Đưa thêm giải pháp cho vấn đề này, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết, đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi thói quen của du khách. Điều kiện mới, hoàn cảnh mới cần tư duy và cách làm mới. Để thu hút khách du lịch quốc tế những tháng cuối năm 2022, các doanh nghiệp, điểm đến cần tăng cường liên kết, kết nối và làm mới các dòng sản phẩm du lịch chủ đạo như du lịch biển, đảo; du lịch văn hóa; du lịch sinh thái... mà Việt Nam có thế mạnh./.
N.LỘC
Cùng chuyên mục
Du lịch tăng trưởng ấn tượng, song lượng khách quốc tế chưa đạt kỳ vọng